Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh: ĐBQH căn cứ yếu tố nào?

Thứ tư, 24/10/2018 - 10:51

(Thanh tra) - Ngày 24 đến 25/10, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Các chức danh gồm: Thủ tướng, Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ...

Việc lấy phiếu được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của từng người với ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

48 chức danh tự đánh giá có hay không biểu hiện suy thoái

So với hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây (năm 2013 và 2014), lần này, các ĐBQH nhận được hồ sơ của các chức danh sớm để có thời gian nghiên cứu.

Báo cáo công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm có nội dung tính từ thời điểm QH bầu hoặc phê chuẩn (tháng 7/2016) nêu, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; độ dài từ 4-5 trang, đánh máy và in trên giấy khổ A4.

Ngoài ra, còn tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4; tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình…

Việc kê khai tài sản, thu nhập thì người được lấy tín nhiệm thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 17 của Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập và Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Băn khoăn

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho hay, phần lớn các báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đều đánh giá rất cụ thể về những việc đã làm được và chưa làm được.

“Có một điều mà tôi băn khoăn là có một số Bộ trưởng chỉ nêu thành tích hoạt động của mình, chứ không nêu các hạn chế và giải pháp khắc phục các hạn chế đó trong thời gian tới”, ông Phương nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chung nhận định, báo cáo của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đều nghiêm túc, khá đầy đủ các mặt công tác.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Song ông Quốc bày tỏ cái khó là “làm sao giám sát được đầy đủ thông tin của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm”, nhất là vấn đề liên quan đến tài sản, thu nhập. Hơn nữa, báo cáo này đều được coi là bí mật nên ĐB không thể lấy ý kiến người dân về những bản tự đánh giá đó, nhất là vấn đề liên quan đến tài sản, thu nhập.

"Đây là hoạt động giám sát quan trọng, được người dân quan tâm. tôi sẽ đưa ra lá phiếu thật khách quan đúng với trách nhiệm người ĐB dân cử", ĐBQH đoàn Đồng Nai cho biết.

Không chỉ dựa vào báo cáo

Vậy ĐBQH lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn căn cứ vào những yếu tố nào?

“Báo cáo chỉ đánh giá 1 phần những việc đặt ra. Ta cần đánh giá thái độ của những nhân sự đó trước những vấn đề đặt ra của cử tri và nhân dân”, ông Cường nói.

Theo ĐB Cường, phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan với người được giao phụ trách, căn cứ xem kết quả người ta hoàn thành như nào, hoàn thành trọng trách hay không.

“Cần có cái nhìn tương đối khách quan, toàn diện. Một vấn đề có thể xảy ra ở lĩnh vực, bộ ngành này nhưng chúng ta phải xem xét trách nhiệm của những vị tư lệnh đó đến đâu, liên đới đến đâu. Không nên quá quy chụp là 1 vấn đề bức xúc trong xã hội là trách nhiệm người đứng đầu ngành, lĩnh vực đó”, ĐBQH đoàn Hà Nội nêu.

Một vấn đề nữa được theo ĐB Cường cần lưu ý là có những vấn đề phức tạp, kéo dài, không phải chỉ xảy ra trong giai đoạn này mà là cả quá trình lịch sử.

“Cho nên, cần phải xem những người phụ trách đã nhìn nhận, xử lý vấn đề đó như thế nào, có nhìn nhận thẳng vấn đề và xử lý hay không”, ông nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương 

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho biết, ông không chỉ căn cứ vào báo cáo của 48 vị chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

“Tôi còn căn cứ vào hoạt động thực tế của nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm trong thời gian qua mà tôi đã theo dõi, giám sát. Tôi cũng dựa vào ý kiến đánh giá của cử tri và người dân về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, nhân sự được lấy phiếu”, ông Phương nói.

ĐBQH đoàn Quảng Bình nói thêm, đã định hình được chức danh nào mà ông lấy phiếu tín nhiệm cao nhất và cũng như chức danh nào ông suy nghĩ cần phải xem xét tín nhiệm hay không.

Theo Điều 10, Nghị quyết 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số ĐBQH trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất