Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kỳ vọng Trung ương khóa mới sẽ đưa đất nước vào chặng đường phát triển tốt

Thứ sáu, 29/01/2021 - 06:38

(Thanh tra) - Bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu dành sự kỳ vọng với Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, cũng như bày tỏ mong muốn văn kiện sẽ “mở đường” cho sự phát triển.

Diễn ra từ 25/1-2/2/2021, Đại hội XIII của Đảng có phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng: Xây dựng Đảng trong sạch để Việt Nam có kỳ tích phát triển mới

Chúng ta coi công tác xây dựng Đảng là then chốt, toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đồng thời, công tác xây dựng Đảng phải bám rất sát các nguyên tắc của Đảng, trong đó có nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết trong Đảng và thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân chứ không phải chỉ có những người trong Đảng, trong hệ thống chính trị mới xây dựng Đảng.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: Đ.X

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để củng cố niềm tin của nhân dân vừa qua đã có được những kết quả tốt, nhưng đây mới là kết quả bước đầu. Bởi điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một thể chế để các cá nhân tham gia trong hệ thống chính trị không có cơ hội, không dám và không thể tham nhũng.

Như vậy, chúng ta đã và đang xây dựng một Đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh để Việt Nam có được kỳ tích phát triển mới, trở thành một cường quốc như Bác Hồ nói là sánh vai các cường quốc năm châu.

Chúng ta càng thành công, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá. Chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta. Các thế lực thù địch cũng sử dụng công nghệ mới để chống phá một cách tinh vi nên đây là cuộc đấu tranh bền bỉ, thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ, với sự tham gia của tất cả chúng ta trên mặt trận tư tưởng lý luận.

Tôi muốn nhắc đến vai trò của những người làm công tác lý luận, xây dựng luận cứ, vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý để bảo vệ vững chắc tất cả thành quả của chúng ta, đấu tranh với các thế lực thù địch để vừa răn đe, cảnh báo; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.

Việc khẳng định điều đúng, những mô hình, cách làm mới thông qua tuyên truyền cũng là cách trực tiếp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái. Đây là nhiệm vụ của không chỉ các lực lượng chuyên trách, mà là sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân trong xã hội.

Phó Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường: Chống tham nhũng là thành công lớn của cả hệ thống chính trị

Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong nhiệm kỳ khoá XII, công tác phòng, chống tham nhũng đã được tăng cường, đẩy mạnh. Có thể nói đây là thành công lớn của cả hệ thống chính trị.

Phó Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường. Anh: Đ.X

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 ngày 12/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận, đây là những điểm nhấn trong nhiệm kỳ, khẳng định chúng ta phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai thực hiện ở cả ba cấp độ. Cấp độ 1 là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, đôn đốc; cấp độ 2, do Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; cấp độ 3 là các vụ việc được giao cho Ban Thường vụ các Tỉnh ủy.

Còn giải pháp gì để phòng, chống tham nhũng được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ tới thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo.

Theo đó, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với các cơ quan như  Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát, Toà án, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ để nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế.

Thứ hai, phải có được đội ngũ cán bộ liêm chính để phụng sự cho công tác này.

Thứ ba, phải tuyên truyền rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân về tinh thần, văn hoá không tham nhũng.

Thứ tư, cần có cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Giai đoạn vừa qua, có thể nói Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng trong công tác này.

Cuối cùng, phải được sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ra hẳn một Chỉ thị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Đây chính là cơ chế, quy định để bảo vệ người đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ban Nội chính Trung ương cũng đang tham gia lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành để xây dựng quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Tôi cho rằng, Đại hội lần này sẽ có nhiều đại biểu đặt vấn đề để cố gắng sớm đưa ra những cơ chế đó.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê: Chúng ta vẫn tiếp tục kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng

Tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào Đại hội XIII của Đảng từ xây dựng báo cáo chính trị đến xây dựng phương án nhân sự Ban Chấp hành khóa mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: Đ.X

Chưa lúc nào đất nước ta phát triển như bây giờ, như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tôi tin Ban Chấp hành khoá mới sẽ đưa đất nước vào chặng đường mới phát triển tốt.

Tôi mong rằng báo cáo chính trị thể hiện được tầm vóc của một chính Đảng lớn thì đội ngũ được giao trọng trách không lý gì mà không vượt lên được, không gì không nắm được để cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương xây dựng Đảng ta vững mạnh, đất nước phồn vinh.

Để phát triển đất nước, chúng ta vẫn tiếp tục phát huy mạnh mẽ việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, kể cả vấn đề làm lũng đoạn đất nước, làm đất nước suy yếu.

Điểm mà tôi quan tâm nữa là vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm và từ xa. Phát triển kinh tế nhưng cũng phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế qua con đường ngoại giao, văn hóa. Nâng tầm vị thế của đất nước nhưng cũng bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc.

Ngoài ra, chúng ta phát huy tinh thần “lấy dân làm gốc”. Tức là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lần này, Trung ương phát triển tiếp về mặt tư duy, bổ sung thêm “dân giám sát, dân thụ hưởng, dân phản biện”.

Tôi nghĩ rằng trong một văn kiện, tính Đảng, tính giai cấp, tính nhân dân được hòa quyện trên một nguyên lý khoa học của Chủ nghĩa Mác thì chắc chắn Đảng sẽ dẫn dắt dân tộc vượt qua mọi thách thức.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng: Để có đột phá, phát triển phải có cơ chế bảo vệ cán bộ

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Để có những đột phá, sự phát triển thì phải có những cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng. Ảnh: Đ.X

Để cán bộ dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Hiện nay Trung ương, Bộ Chính trị đang chỉ đạo xây dựng quy chế về vấn đề này và chắc chắn tới đây sẽ được thông qua.

Đương nhiên, chúng ta phải đánh giá cho sát, tức là phải đánh giá rõ, cán bộ nào dám nói, dám nghĩ, dám làm vì cái chung thì phải bảo vệ; còn ai dám làm nhưng làm trái, làm sai thì chắc chắn đi ngược lại điều lệ, quy định là không được. Dựa trên quy định, quy chế và qua các đánh giá của tập thể, nhân dân chắc chắn sẽ phân biệt ai vì cái chung, ai là chủ nghĩa cá nhân.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Văn kiện là tài liệu gốc có ý nghĩa “mở đường” cho phát triển

Đọc văn kiện trình Đại hội lần này, không biết mọi người cảm xúc ra sao, song với tôi thì cảm thấy tự tin hơn, máu lửa hơn. Văn kiện là tài liệu gốc, mang ý nghĩa “mở đường” để thực hiện các mục tiêu lớn lao đã đặt ra.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Anh: Đ.X

Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong có những đột phá hơn nữa về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới, thì rõ ràng điều đó phải được thể hiện trong văn kiện Đại hội. Nếu không có trong văn kiện thì sẽ rất khó làm, thậm chí còn không dám làm vì chưa được “mở đường”.

Đảng đề ra chủ trương, đường lối trước, sau đó các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai cụ thể. Như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được 3 mục tiêu rất quan trọng: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao hoàn toàn có thể đạt được.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, qua thực tiễn công việc, tôi thấy, những nội dung mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập trong ngày khai mạc Đại hội XIII có ý nghĩa rất lớn.

Trong bản trình bày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nói kết hợp giữa kiên định và đổi mới. Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong muốn làm theo và hiện thực hóa điều đó. Kiên định bao giờ cũng phải đúng, đặc biệt là hiện nay, chúng ta đang kiên định con đường chủ nghĩa xã hội thì trong sự kiên định đó đâu là cái đổi mới thì phải tìm để làm sao kết hợp hài hòa. Cái nữa là kết hợp giữa kế thừa và phát triển, thực tế nếu không kế thừa thì sẽ không có phát triển, ngược lại nếu chỉ phát triển thì sẽ không có sự kế thừa.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn: Việt Nam sẽ trở thành một nước phồn vinh, hạnh phúc

Tôi thấy, báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã đề cập rất nhiều nội dung đảm bảo tính thực chất, khách quan và đề cập đến toàn diện các vấn đề trọng đại mà đất nước sẽ phát triển trong thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn. Ảnh: Đ.X

Báo cáo chính trị cũng đã nhấn mạnh những nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và đặc biệt là về cán bộ - một vấn đề rất quan trọng hiện nay.

Cùng với các đại biểu toàn quốc, với lá phiếu của mình, tôi rất hy vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ lựa chọn được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, đủ bản lĩnh chính trị, đủ đạo đức, uy tín và năng lực, đặc biệt là luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của quốc gia lên trên hết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Với niềm tin và khát vọng như tinh thần của Đại hội lần này, tin chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước phồn vinh và hạnh phúc. Đặc biệt, niềm tin của nhân dân sẽ được tăng lên rất nhiều trong thời gian tới.

Hương Giang (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm