Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian dối trong kê khai tài sản có thể bị cách chức

Thứ ba, 16/08/2011 - 15:43

(Thanh tra)- Báo Thanh tra số 96 và Báo Thanh tra Online ra ngày 11/8/2011 đã giới thiệu tới độc giả những nội dung cơ bản của Nghị định (NĐ) 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản thu nhập (TSTN). Theo dòng thời sự, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến của cán bộ, công chức ngành Thanh tra xung quanh những tác động của NĐ này.

Như Thanh tra đã giới thiệu, NĐ 68/2011/NĐ-CP đã quy định rõ bản kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai phải công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời điểm công khai được thực hiện từ ngày 31/12 đến ngày 31/3 của năm sau, thời gian công khai tối thiểu là 30 ngày.

Việc yêu cầu xác minh sẽ được thực hiện khi: Có kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai TSTN liên quan đến hành vi tham nhũng; có tố cáo hoặc phản ánh về vấn đề TSTN mà tố cáo, phản ánh đó có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có căn cứ để xác minh về sự không trung thực trong kê khai TSTN của người có nghĩa vụ kê khai; cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai TSTN.

Đối với cán bộ, công chức bị kết luận là kết luận không trung thực trong kê khai TSTN sẽ bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức đến cách chức. Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm tổ chức việc kê khai so với quy định của pháp luật; người có nghĩa vụ kê khai TSTN mà kê khai chậm so với thời hạn kê khai do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quy định; người có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch TSTN mà thực hiện chậm so với quy định về thời hạn tổng hợp, báo cáo do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị quy định sẽ bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch TSTN của cán bộ, công chức, viên chức; tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi không trung thực trong kê khai TSTN. Khi phát hiện có dấu hiệu bất minh về TSTN thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo cho MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận.

Cơ quan Thanh tra Nhà nước các cấp hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp kết quả việc kê khai, công khai bản kê khai, xác minh, kết luận, công khai bản kết luận trong phạm vi bộ, ngành, địa phương mình. Theo định kỳ, báo cáo kết quả về cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên.

Ông Nguyễn Khắc Chanh, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định:
Tôi tin việc triển khai Nghị định 68 chắc chắn đạt hiệu quả
(Thanh tra)- Nghị định (NĐ) 37 được triển khai rầm rộ nhưng việc thực hiện chỉ đạt kết quả nhất định. Nhiều nơi còn nhầm lẫn giữa các đối tượng, giữa kê khai (KK) lần đầu và KK bổ sung. Việc KK chưa gắn với công khai, do vậy, nếu việc KK xong mà “bỏ ngăn bàn” thì không có nhiều giá trị. Một phần là vì còn nhiều điểm quy định chưa rõ.

Tôi tin việc triển khai NĐ 68 lần này chắc chắn sẽ đạt hiệu quả hơn. Thứ nhất, người KK sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn, buộc phải KK đúng, nếu không sau này phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm. Với những qui định tương đối chặt, người KK thấy rằng không thể làm đối phó hình thức. Và, điều quan trọng là, mỗi CBCC cảm thấy việc KK là thể hiện sự minh bạch và trong sạch. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người tổ chức thực hiện cũng khá rõ ràng. Như vậy, NĐ 68 đã có hành lang pháp lý tương đối đầy đủ buộc người KK phải khai trung thực.

 Tuy nhiên, quá trình triển khai NĐ cần có cơ chế thực hiện cho tốt. Người điều hành các cơ quan hành chính, đứng đầu tổ chức Đảng phải ý thức được tầm quan trọng của NĐ 68, từ đó đôn đốc, tổ chức thực hiện. Đồng thời, mỗi CBCC phải nắm chắc được các qui định này sao cho các điều khoản trở thành ý thức tự giác thì việc thực hiện sẽ thuận lợi hơn.

Ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng vụ III, Trưởng ban Thanh tra nhân dân (Thanh tra Chính phủ):
 Nghị định này không nhạy cảm, quan chức không phải “ngại”
+ Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng NĐ 68 khá nhạy cảm, người dân thì “thích”, còn quan chức thì “ngại” vì động chạm. Với vai trò là Trưởng ban Thanh tra nhân dân (Thanh tra Chính phủ) và là một lãnh đạo cấp vụ, cá nhân ông cảm thấy thế nào?

- NĐ 68/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 37 ra đời và có hiệu lực trong thời gian này là hết sức cần thiết. Bởi, NĐ 37 trước đó có những điều khoản được quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa tới tầm và cũng chưa điều chỉnh được các hành vi phát sinh. Bởi vậy, việc sửa đổi này là nên làm. Khi chúng ta có Luật PCTN, tham gia Công ước PCTN quốc tế, việc xây dựng các văn bản luật, sửa đổi những điều bất cập này càng cần thiết.

 Đúng là người dân rất thích các qui định kiểu này để giám sát hành vi tham nhũng. Nhưng tôi cho rằng, quan chức cũng không có gì phải ngại, né tránh NĐ này. Bởi, các điều khoản của NĐ đã quy định rõ ràng hơn về việc khai báo và công khai tài sản. Tôi nói đơn giản nhất, đây cũng là căn cứ để xác định đó là tài sản hợp pháp khi có biến động, ví dụ khi có tranh chấp hoặc trộm cắp.

+ Gian dối trong KK TSTN có thể chịu hình thức kỷ luật cao nhất là cách chức. Ông có cho rằng khung xử phạt này là nặng?

- Để NĐ 68 đi vào thực tế, theo tôi nghĩ không chỉ cần cơ quan quản lý, cán bộ mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, phần lớn là CBCC tự nhận thức được một cách đúng đắn và thấy phấn khởi là được KK. Theo tôi, cũng cần có một cơ chế quản lý tổng thể của Nhà nước để bảo đảm NĐ 68 được thực hiện và phát huy hiệu lực quản lý Nhà nước. Đặc biệt, cần nêu rõ tài sản nào thì phải KK và KK như thế nào đối với tài sản không đứng tên CBCC mà người thực sự sử dụng là CBCC.

Tham khảo ý kiến của nhiều anh em đồng nghiệp, chúng tôi đều đồng tình với khung xử phạt cao nhất là cách chức. Thậm chí, buộc thôi việc cũng hết sức bình thường. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc của văn bản luật và mới đủ sức răn đe. Cũng cần trở lại cái gốc của câu chuyện tham nhũng. Đó là anh cán bộ phải làm công việc gì, giữ chức vụ gì mới tham nhũng được. Nói đơn giản, công chức thường thì chỉ có kế toán, thủ kho, thủ quỹ. Còn lãnh đạo thì phải từ trưởng phòng trở lên mới tham nhũng được. Các đối tượng này đều phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn khác của Luật Công chức. Do vậy, hành vi gian dối cần có khung xử phạt đủ sức răn đe như trên.

Ông Lê Việt Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công thương:
Cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hơn
Trong khi nghiên cứu NĐ 68/2011-NĐ-CP, tôi thấy có một số điểm mới như bổ sung nguyên tắc KK TSTN, trong đó nhấn mạnh nghĩa vụ KK TSTN là phải bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ khi KK và phải công khai bản KK đó. 

Việc quy định công khai bản KK TSTN là điểm hoàn toàn mới. Trước đây, bản KK không công khai có thể khiến người KK không trung thực hoặc việc KK chỉ mang tính hình thức. Do vậy, để đạt hiệu quả cao khi thực hiện NĐ này, cần phải có sự hướng dẫn cụ thể bởi theo quy định, hồ sơ của CBCC phải được lưu theo tính chất bảo mật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, NĐ 68 còn bổ sung thêm chế tài về xử lý kỷ luật đối với hành vi KK không trung thực từ khiển trách, cảnh cáo đến giáng chức, cách chức. Tôi cho rằng, cần văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, vì ở đây chỉ định tính, không định lượng.  Đồng thời, trong quá trình thực thi sẽ còn nhiều vấn đề phải bàn. Ví dụ, đối tượng ở đây là CBCC phải KK, nhưng trên thực tế, một số cán bộ có chức có quyền, tài sản sẽ do vợ con, anh em họ hàng đứng tên thay. Thậm chí, do ảnh hưởng của cán bộ mà có nguồn tài sản, trong khi những người này không thuộc đối tượng phải KK và chính CBCC được thụ hưởng phần tài sản đó thì sẽ được thực hiện KK như thế nào.

Chỉ còn 1 tháng nữa NĐ có hiệu lực, theo tôi, cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa và tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt là đối tượng quản lý CBCC. Làm sao để mỗi CBCC thấy rằng, việc KK tài sản là cần thiết, là quyền và nghĩa vụ của họ trong công cuộc PCTN hiện nay. NĐ 68 không phải là khoá hay là gông để soi mói cuộc sống của CBCC mà cần nhận rõ trong công cuộc PCTN thì việc KK tài sản là cần minh bạch.

Ngay sau khi NĐ 68 được ban hành thì Bộ Công thương đã ý thức được tầm quan trọng của nó và đang tiến hành các thủ tục triển khai đến các cấp, vụ chức năng, cơ sở trực thuộc Bộ để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao trên thực tế.

Phương Hiếu - Hoàng Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm