Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất phòng thủ dân sự cấp độ 4 cao nhất, để ứng phó thảm họa trong tình trạng khẩn cấp

Thứ tư, 26/10/2022 - 22:29

(Thanh tra) - "Thực tiễn công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này cần được luật hoá để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ”, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 26/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho hay, những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Từ đó, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó theo cấp độ phòng thủ dân sự dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

“Thực tiễn công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thời gian qua đã cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này cần được luật hoá để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ”, Bộ trưởng Quốc phòng nói.

Đại tướng cũng cho biết, tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới cho thấy, các nước đều rất coi trọng công tác phòng thủ dân sự và đã ban hành thành đạo luật riêng như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là “rất cần thiết”.

4 cấp độ phòng thủ dân sự

Dự thảo luật có 7 chương, 71 điều, tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 50/2022, trong đó có hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

Dự thảo luật quy định có 4 cấp độ phòng thủ dân sự, trong đó cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Điều 28, dự thảo luật quy định rõ các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 gồm: Giãn cách xã hội, cách ly tập trung người đi và đến từ khu vực xảy ra thảm họa; hỗ trợ an sinh xã hội tại các vùng dịch, khu vực cách ly, chia cắt ở khu vực xảy ra thảm họa; các biện pháp xử lý khẩn cấp thi thể, ổn định tâm lý của người dân trong khu vực xảy ra thảm họa; dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở khu vực xảy ra thảm họa cũng được đề xuất áp dụng khi có tình trạng khẩn cấp.

Dự thảo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp nơi ban bố tình trạng khẩn cấp thực hiện triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4.

Tại các địa bàn thực hiện lệnh thiết quân luật, người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật chủ trì, triển khai các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 4 trong phạm vi quản.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Về vấn đề này, ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban này cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự được triển khai thống nhất, kịp thời trong một trạng thái đặc biệt của xã hội - tình trạng khẩn cấp.

Song, theo ông Tới, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến đề nghị không quy định để tránh chồng chéo với pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Có ý kiến cho rằng, quy định “người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật...” là chưa phù hợp.

“Nội dung này liên quan đến nhiều quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp, nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế cho phù hợp, nhất là các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp để bảo đảm tính chất phòng thủ dân sự, không chồng lấn sang các quy định về tình trạng khẩn cấp”, ông Lê Tới Tới nêu quan điểm chung của cơ quan thẩm tra.

Đề xuất có thêm Quỹ Phòng thủ dân sự

Vấn đề nữa, Chính phủ đề xuất xây dựng Quỹ Phòng thủ dân sự được lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.

“Nguồn tài chính của Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường bảo đảm quỹ phòng thủ dân sự hoạt động không chồng chéo, linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho hay.

Về vấn đề này, trong cơ quan thẩm tra có nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi và hợp lý của việc hình thành Quỹ Phòng thủ dân sự. Ý kiến khác đề nghị quy định việc đóng góp quỹ này là bắt buộc như Quỹ Phòng, chống thiên tai. Lại có ý kiến đề nghị nghiên cứu có cơ chế khuyến khích đóng góp cho nguồn quỹ này.

Nêu quan điểm chung của Ủy ban Quốc phòng An ninh, ông Tới cho hay, Ủy ban cơ bản nhất trí cần quy định thống nhất việc quản lý, sử dụng các loại quỹ hiện có để phát huy hiệu quả, tập trung nguồn lực.

“Cần đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của các loại quỹ này để thiết kế Quỹ Phòng thủ dân sự theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung về việc thành lập, sử dụng quỹ và giao Chính phủ quy định cụ thể”, ông Lê Tấn Tới nêu.

Cấp độ phòng thủ dân sự là hoạt động của các cấp chính quyền, lực lượng phòng thủ dân sự và người dân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; làm cơ sở để xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả thảm hoạ, sự cố.

Căn cứ quy định luật này, cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp

- Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng lan rộng;

- Phòng thủ dân sự cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.

Điều 21 (dự thảo) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm