Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật

Thứ ba, 14/01/2014 - 06:02

(Thanh tra)- Sáng ngày 13/1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 24. Trong phiên họp đầu tiên của năm 2014, UBTVQH sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.

UBTVQH sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án (D.A): Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT); Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông Đường thủy nội địa (GTĐTNĐ); Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi). 

UBTVQH cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn của D.A Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 và D.A Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân. 

Tại phiên họp này, dự kiến UBTVQH sẽ thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội và cho ý kiến về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến D.A Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc tiếp tục quy định mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT cùng với cơ chế của Nhà nước hỗ trợ cho một số nhóm dân cư tham gia BHYT, tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động đến các đối tượng… là kế thừa quy định của Luật BHYT hiện hành, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.

Nếu quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách cho một số nhóm dân cư tham gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc. Do đó, Thường trực UBTVQH thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành.

Qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng, nên quy định dứt khoát vào luật việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Một số ý kiến nhìn nhận, nếu không có quy định đột phá thì không giải quyết được vấn đề, cả trước mắt lẫn lâu dài. Muốn cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh, “phủ” BHYT toàn dân mà không quy định bắt buộc thì không thể làm được. Tất nhiên, ngân sách Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ những đối tượng như người có công, quân nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Liên quan đến việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT, dự thảo luật đã chỉnh lý khoản 1 Điều 35 theo hướng quy định: Dành 90% quỹ BHYT cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT, 5% để lập quỹ dự phòng quốc gia, 3% dành cho bộ máy quản lý BHYT các cấp và 2% dành cho phát triển mạng lưới BHYT, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, phần tiền tạm thời nhàn rỗi của quỹ BHYT được đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHYT. 

Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý kết dư quỹ là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận trong UBTVQH. Đa số ý kiến cho rằng, cần hướng đến việc nộp toàn bộ số tiền kết dư Quỹ BHYT về Trung ương để phân bổ sử dụng chung. Bởi, các tỉnh có tỷ lệ thu bảo hiểm cao cũng là các tỉnh được ngân sách Trung ương chi trả cho các đối tượng được hỗ trợ lớn. Nay khoản tiền có nguồn gốc ngân sách này không được sử dụng đúng mục đích mà để lại một tỷ lệ lớn để địa phương chi dùng là không hợp lý.

Chiều cùng ngày, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của D.A Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐTNĐ.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ ràng hơn, chính xác hơn về cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa; về các hình thức đầu tư bến, cảng để huy động đầu tư; xã hội hóa đầu tư cảng, bến; xem xét quy định về phương thức khai thác, quản lý cảng, bến thủy nội địa.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng GTĐTNĐ còn chồng chéo trên một địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn GTĐTNĐ; đề nghị cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc quản lý cảng, bến thủy nội địa; tách bạch hơn trong quản lý hàng hải và GTĐTNĐ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng GTĐTNĐ, Bộ Giao thông Vận tải quản lý đường thủy nội địa quốc gia, UBND cấp tỉnh quản lý đường thủy nội địa địa phương. Trong một số trường hợp cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã uỷ quyền cho địa phương quản lý một số đoạn tuyến thuộc đường thủy nội địa quốc gia. Những bất cập còn xảy ra như ý kiến nêu hiện nay chủ yếu do quy định tại các văn bản dưới luật và do việc tổ chức thực hiện. Do đó, không cần thiết phải bổ sung quy định về vấn đề này trong Dự thảo Luật…

Dự kiến Phiên họp thứ 24 của UBTVQH sẽ diễn ra từ ngày 13 - 15/1. 

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm