Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 04/06/2015 - 15:47
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ chín, sáng 4/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật An toàn thông tin.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tờ trình của Chính phủ khẳng định xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Luật ra đời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin; đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quản lý nhà nước trong lĩnh vực này…
Dự thảo Luật An toàn thông tin gồm 9 chương, 56 điều. Dự thảo Luật quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý Nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin.
Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đánh giá trong 56 điều của dự thảo Luật vẫn có tới 11 điều khoản sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật,” 9 điều khoản giao Chính phủ quy định cụ thể, 5 điều khoản giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hoặc chủ trì phối hợp với các cơ quan khác quy định.
Một số thuật ngữ, quy định còn chung chung, khó thực hiện hoặc có thể dẫn đến việc áp dụng, hướng dẫn tùy tiện.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi lại các quy định này cho rõ ràng, minh bạch hơn tạo thuận lợi khi thực hiện luật; loại bỏ một số quy định khung, bổ sung vào dự thảo Luật những quy định cụ thể trong các dự thảo Nghị định hướng dẫn và các văn bản dưới luật mà đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn (như vấn đề mật mã dân sự đã được quy định trong Nghị định số 73/NĐ-CP ngày 08/5/2007 của Chính phủ…) để có thể áp dụng ngay, bảo đảm tính khả thi của Luật.
Đánh giá phạm vi thông tin cần được pháp luật bảo đảm an toàn là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng Internet, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng phần lớn nội dung của dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông, Internet và mạng máy tính).
Dự thảo Luật không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ chỉ tập trung về các vấn đề kỹ thuật nhằm bảo đảm quá trình truyền tải thông tin không bị sửa đổi, tiết lộ, gián đoạn, thông tin được bảo đảm nguyên vẹn. Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Luật thành Luật an toàn thông tin mạng để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đồng thời, Ban soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ giữa an toàn thông tin với an ninh thông tin; bổ sung một số nội dung liên quan giữa bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế-xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng theo tinh thần của Nghị quyết IPU-132 về chiến tranh mạng.
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.
Theo Quỳnh Hoa/TTXVN
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình và tiến hành phiên bế mạc.
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Trung Hà
20:45 11/12/2024Trung Hà
20:43 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên