Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Quốc hội: “Hồi ở địa phương, tôi thấy đoàn thanh tra, kiểm toán đến là mừng”

Hương Giang

Thứ hai, 07/10/2024 - 17:15

(Thanh tra) - “Hồi ở địa phương, tôi thấy đoàn thanh tra, kiểm toán, các đoàn của Trung ương đến làm việc là mình mừng. Vì mình không có thời gian để kiểm tra hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đoàn xuống là thật sự giúp mình.", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, “Hồi ở địa phương, tôi thấy đoàn thanh tra, kiểm toán đến là mừng”. Ảnh: P.Thắng

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại phiên họp 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày, ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, “hồi ở địa phương, thấy đoàn thanh tra, kiểm toán đến là mừng”.

“Được chất vấn là vinh dự rất lớn”

Theo Chủ tịch Quốc hội, sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức các diễn đàn về hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Từ các diễn đàn này sẽ đúc kết các kinh nghiệm thời gian qua và điều chỉnh các công tác này trong thời gian tới trong công tác giám sát, lập pháp của Quốc hội, HĐND, ông Trần Thanh Mẫn cho hay.

Với công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải có trọng tâm, trọng điểm; phải làm sao đối tượng được giám sát “thực sự tâm phục, khẩu phục”, thấy đoàn giám sát đến là “mừng, vui”. Vì đoàn giám sát chỉ ra cái mạnh, hạn chế và giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.

“Tôi hồi ở địa phương tôi thấy đoàn thanh tra, kiểm toán, các đoàn của Trung ương đến làm việc là mình mừng. Vì mình không có thời gian để kiểm tra hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Đoàn xuống là thật sự giúp mình, qua giám sát làm cho địa phương tâm phục, khẩu phục là vấn đề quan trọng nhất”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Yêu cầu nữa cần chú trọng là hậu giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội. Ông lưu ý, khi đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất thì ai làm, thực hiện thế nào, bao giờ xong phải có địa chỉ, có thời gian nhất định. Có như thế mới xứng đáng công sức bỏ ra đi giám sát.

Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ của luật với các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

“Giám sát của Quốc hội, HĐND không chồng chéo với giám sát, thanh tra của các cơ quan khác là điều tôi quan tâm”, ông Trần Thanh Mẫn nói và nhấn mạnh, luật phải ngắn gọn, tập trung, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo ông, cần phải xác định đầy đủ các nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát; xác định rõ các tiêu chí chọn nội dung giải trình, chất vấn, các chuyên đề giám sát của Quốc hội, HĐND.

Bởi, chất vấn, trả lời chất vấn cũng làm tăng thêm khả năng bao quát, nắm chắc vấn đề của bộ trưởng, trưởng ngành.

“Có những bộ trưởng thấy chất vấn nhiều cũng hơi lo, nhưng tôi nghĩ rằng được chất vấn là vinh dự rất lớn để mình trả lời chất vấn của cử tri, đại biểu đặt ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bổ sung nhiều quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn

Trình bày tờ trình trước đó, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm, cho biết dự thảo luật dự kiến bổ sung nguyên tắc “bảo đảm cung cấp cơ sở thực tiễn trong quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” của hoạt động giám sát. Tuy nhiên, vấn đề này còn ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Dự thảo luật cũng bổ sung nhiều điều khoản để quy định về các tiêu chí lựa chọn các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, HĐND; chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội cũng như của HĐND; vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cũng như của HĐND.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung nói trên như một nguyên tắc của hoạt động giám sát.

Vì thực tế nội dung mới bổ sung thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không nhất thiết tất cả các hoạt động giám sát đều phải đáp ứng mục tiêu này.

Về bổ sung các tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình trong dự thảo luật, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc việc luật hóa, bảo đảm bám sát quan điểm xây dựng luật, đồng thời tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ, bảo đảm đã đủ rõ, có sự đồng thuận cao.

“Các tiêu chí hiện được quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mặc dù qua thực tiễn áp dụng thời gian cho thấy cơ bản phù hợp, tuy nhiên vẫn có trường hợp áp dụng khác để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc luật hóa có thể sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của luật”, ông Tùng nêu.

Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục rà soát các tiêu chí cụ thể, chỉnh lý để phù hợp với từng hoạt động giám sát, thuận lợi cho việc áp dụng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm