Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch nước chỉ đạo tổng kết thực hiện cải cách tư pháp

Thứ bảy, 07/12/2013 - 21:13

(Thanh tra) - Ngày 7/12, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung uơng tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020 khu vực phía Bắc tại Hà Nội.

Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Phúc; Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đồng chủ trì phiên họp. Ảnh: Thảo Nguyên

Trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba, cho biết: Căn cứ kết quả triển khai thực hiện Chiến lược CCTP, có thể khẳng định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ CCTP được Nghị quyết số 49 đề ra đã phản ánh đúng đắn những yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý… xây dựng Nhà nước pháp quyền  XHCN, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới và điều kiện cụ thể của nước ta.

Qua 8 năm thực hiện, tuy mới là kết quả bước đầu nhưng hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp đã được hoàn thiện hơn; hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều tiến bộ. 

Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược CCTP đã được cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ, có trách nhiệm đã làm cho nhận thức của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN, về sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh CCTP thay đổi rõ rệt.

Các quan hệ dân sự, thương mại, các chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn ngày càng được hoàn thiện và phát triển lành mạnh, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế cơ bản như công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ CCTP thiếu đồng bộ, không đảm bảo tính hệ thống và chưa theo đúng lộ trình đề ra. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược vẫn chưa thực hiện được. 

Hệ thống pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tố tụng tư pháp và tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp hoàn thiện chậm, thiếu đồng bộ. Tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan điều tra chậm đổi mới. Chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa chưa được thực hiện hiệu quả. 

Mặt khác, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với một số nhiệm vụ CCTP còn hạn chế, có nơi bị buông lỏng, thiếu kiểm tra, đôn đốc, sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng các cơ quan tư pháp với nhau và với cấp ủy địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của các cơ quan tư pháp chưa thực sự đầy đủ, nhất quán, với một bộ phận còn xem nhẹ vai trò của các cơ quan tư pháp và sự cần thiết phải CCTP. Việc nghiên cứu xác định nguyên tắc tổ chức, hoạt động, mối quan hệ phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong hệ thống tư pháp còn chậm, còn nhiều ý kiến khác nhau chưa tạo được sự đồng thuận, nhất quán. Việc bộ trí cán bộ tham mưu giúp việc về tư pháp và CCTP ở nhiều địa phương chưa hợp lý, có nơi còn bố trí cán bộ ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp nên hiệu quả tham mưu, giúp việc không cao…

Tại hội  nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo Báo cáo nhưng nhận định lộ trình thực hiện còn chậm chưa ngang tầm với yêu cầu nên trong thời gian tới cần tập trung vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, đổi mới nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao; đổi mới quản lý công tác thi hành án… qua đó đẩy mạnh thực hiện Chiến lược CCTP.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nhấn mạnh: Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng ta đề ra là một quyết định mang tính lịch sử, được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020 tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp nước ta với mục tiêu đề ra là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang xây dựng. 

Đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước khẳng định: Qua 8 năm thực hiện Chiến lược CCTP đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, thành tựu của CCTP đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, đời sống chính trị - pháp lý của đất nước.  Song, việc thực hiện nhiệm vụ CCTP cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết. 

Chủ tịch nước đề nghị Ban Dự thảo tiếp thu trên tinh thần nghiêm túc, cùng với đợt lấy ý kiến được tổ chức tại khu vực phía Nam tới đây tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị để có định hướng phù hợp nhằm xây dựng lộ trình và biện pháp thực hiện Chiến lược CCTP đáp ứng tình hình thực tế của đất nước trong giai đoạn mới.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất