Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 05/06/2018 - 21:07
(Thanh tra) - Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng, trầm trọng, đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) “truy” trách nhiệm Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung (từ trái sang phải)
Từ 10h35 đến 16h50 ngày 5/6, Bộ trưởng LĐTB&XH trả lời chất vấn. Một vấn đề nóng được nhiều ĐB đặt ra là giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.
Đủ khung pháp lý xử hành vi xâm hại trẻ em
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại trẻ em trong những năm qua ngày càng tăng. Nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra từ thành thị đến nông thôn đã và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ gì và có những giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn đề trên một cách hiệu quả hơn”, ông Tạo hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, “ở Việt Nam hàng năm bình quân có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, nhưng đây mới là con số thống kê, phản ánh thôi. Cá nhân tôi cho rằng, thực tế con số có thể tăng lên vì nhiều trường hợp không thông tin”.
Về khung pháp lý để phòng, chống xâm hại trẻ em, theo Bộ trưởng, Việt Nam đã “hoàn toàn đầy đủ”. Vừa qua, đã tiến hành nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động, ra đời đường dây nóng 111, đến xử lý nghiêm một số vụ việc, đặc biệt là các vụ nổi cộm mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến.
“Tình trạng gần đây cho thấy xuất hiện một số vụ việc tính chất phức tạp hơn, gây bức xúc cho xã hội. Chúng tôi và cả xã hội lên án hành vi này”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Giải pháp thời gian tới được tư lệnh ngành LĐTB&XH đưa ra là tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật; cụ thể hóa hơn trách nhiệm các ngành, đặc biệt là phải tăng cường phối hợp, đề cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường.
Gần 60% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người quen
Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) nhận định, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng.
“Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị 2 vụ, tính chất cực kỳ nghiêm trọng”, ông Tuấn nêu rõ.
Theo thống kê, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%; bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%.
“Xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào là căn cơ, là quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này”, ĐBQH đoàn TP Hà Nội truy vấn.
Bộ trưởng cho rằng, từ phân loại để tìm ra giải pháp như tỷ lệ 59,9% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân, người quen là đối tượng tới cần quan tâm nhiều để ngăn chặn cùng với các đối tượng khác.
Còn về giải pháp, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh, phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của các bộ, ngành, Bộ Công an, Bộ Lao động, UBND các cấp; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng cường giáo dục truyền thông trong gia đình.
“Rất mong cần có sự thay đổi, tăng cường trách nhiệm của ông bố, bà mẹ, anh, chị trong gia đình, cùng với nhà trường và xã hội”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, phối hợp chắt chẽ thực thi pháp luật bảo vệ trẻ em; xử lý các vụ việc xảy ra nghiêm minh, nhanh chóng nhất; tăng cường dịch vụ công, bảo vệ trẻ em, nhất là dịch vụ 111; tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỷ năng tự bảo vệ cho chính các em…
Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Quang Tuấn tranh luận lại. Theo ĐB, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em khá đặc thù vì khó phát hiện, đặc biệt vật chứng mất dần theo thời gian; đối tượng bị hại lại các cháu bé, khi xảy ra thì rất hoảng loạn, lời khai của các cháu có thể chưa nhận thức được, khó lấy lời khai.
Cho nên, tiếp cận tin báo, xử lý tin báo, xử lý tố cáo, xét xử phải nhanh, mạnh mẽ mới có được các bằng chứng để kết tội. Nhưng nhận thức của các cơ quan tố tụng còn khác nhau.
“Bằng chứng như vừa rồi vụ Vũng Tàu, xử phúc thẩm 18 tháng án treo, sơ thẩm 3 năm tù, rõ ràng quan tâm của chính quyền, cơ quan tố tụng chưa đảm bảo, chưa hợp lý trong bảo vệ các em”, ông Tuấn nêu.
Nghe vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bấm nút tranh luận. Bà nói, đây là vấn đề rất bức xúc.
“Bộ trưởng đưa ra là 2.000 vụ bạo hành, nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ”, ĐB Nga đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng gửi câu hỏi đến 3 cơ quan tư pháp. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao cho biết giải pháp nào để giải quyết những bế tắc trong việc chứng minh các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”.
Nhiều vụ xâm hại có ý kiến lãnh đạo cấp cao mới xử lý
Nhắc lại vụ việc ở Cà Mau khi cháu bé tự tử mới khởi tố vụ án, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lưu lý, có 17 cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ em, nhưng dường như các gia đình nạn nhân rất đơn độc.
“Tôi mong muốn Bộ Lao động có một thái độ cương quyết hơn nữa để cùng các cơ quan khác vào cuộc”, ông Nhưỡng nêu.
Nhắc lại, “hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho các em cơ bản là đồng bộ”, nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua có một số vụ việc để kéo dài, thậm chí xử lý chưa nghiêm minh; có nhiều vụ khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao của Đảng,Nhà nước rồi mới tiến hành.
“Hầu như các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là các vụ việc nghiêm trọng, Bộ đều chủ động có ý kiến. Nhiều vụ tôi đã trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Dung dẫn chứng, vụ Nguyễn Khắc Thủy, kết thúc phiên tòa buổi sáng, ngay buổi chiều, ông đã gọi điện trao đổi trực tiếp với Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.
Ông Dung cho biết, “với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi không đồng tình với kết quả này và đề nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Hai đồng chí lãnh đạo đã chấp nhận ý kiến của tôi”.
“Hay vụ án Minh (Minh béo), sau khi bị xử, về nước vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật liên quan đến trẻ em. Cá nhân tôi và Bộ đã có ý kiến và được chấp nhận”, Bộ trưởng nói.
“Chia lửa” với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trả lời ĐB, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, xâm phạm tình dục trẻ em là vấn đề gây bức xúc. 6 tháng đầu năm 2018, Viện đã truy tố 753 vụ với 805 bị can; đưa ra xét xử 648 vụ, 690 bị can.
Ông Trí cho hay, Luật Trẻ em, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình, kể cả Bộ Luật Dân sự đều có quy định về bảo vệ quyền trẻ em. Nhưng pháp luật hoàn thiện rồi vẫn đòi hỏi tính thực thi của pháp luật.
“Như ĐB nói 17 cơ quan có chức năng liên quan đến vấn đề này, vì vậy yêu cầu phối hợp rất quan trọng, nhưng nhạc trưởng phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý như thế nào. Để bảo đảm tính nghiêm minh trong pháp luật thì sắp tới các cơ quan phải cân nhắc, nếu có sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì cũng là một cách để rõ trong chủ trì, phối hợp để bảo vệ trẻ em”, Viện trưởng Viện kSND Tối cao đề nghị.
Trẻ em trai cũng bị xâm hại
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng chia sẻ với các ĐB về việc một số vụ phải trả hồ sơ, huỷ không nhiều nhưng gây bức xúc cho xã hội.
“Đây là những vụ không khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó trong điều tra, tìm chứng cứ vì phần lớn là những vụ việc truy xét, thời gian xảy ra đến khi phát hiện xa, gia đình nạn nhân ngại khai báo thậm chí che giấu. Có loại tội phải giám định bắt buộc nhưng gia đình từ chối. Đây là những việc rất khó khăn trong quá trình xét xử, cái này do tâm lý xã hội”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nêu lý do.
Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, các cơ quan tố tụng đã phối hợp rất chặt chẽ, đưa phần lớn các vụ việc ra xét xử. Tòa, Viện Kiểm sát, Bộ Công an cũng xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn để xử lý các loại tội phạm này…
Giơ biển tranh luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, các vụ này là khó chứng minh, nhưng cũng có những vụ không tích cực.
“Như vụ ở Cà Mau, phải có Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, dư luận lên án mới vào cuộc được, sau khi cháu bé tự tử. Đối với vụ Nguyễn Khắc Thủy, phải có Chủ tịch nước có ý kiến và dư luận lên án. Sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc tích cực và xử lý được. Vậy những vụ dư luận không lên án, cán bộ cấp cao không vào cuộc thì sao?”, bà Nga tiếp tục đề nghị, cơ quan tư pháp phải làm rõ việc này.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, theo thống kê 5 tháng/2018, xảy ra 682 vụ, trong đó, xâm hại tình dục trẻ em chiếm 84%. So với cùng kỳ số vụ xâm hại tình dục trẻ em đã giảm khoảng 8%. Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp.
“Không chỉ bé gái, mà cả bé trai cũng bị xâm hại tình dục”, Bộ trưởng nói và cho biết, công tác điều tra các vụ này rất khó khăn.
Nguyên nhân là do, việc tình báo không kịp thời vì tính nhạy cảm nên trẻ em, người thân thường ngại tố giác, không tố giác, thậm chí không hợp tác. Nhiều vụ xâm hại không có nhân chứng trực tiếp, tâm lý trẻ em bị xâm hại không ổn định, khai báo thiếu chính xác, không thống nhất…
Về giải pháp, theo Bộ trưởng Công an, quan trọng nhất là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân về chăm sóc, bảo vệ trẻ em là quan trọng nhất.
“Với ngành Công an, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, lập đường dây nóng, động viên nhân dân cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm. Chúng tôi cũng đề nghị áp dụng quy trình điều tra thật đặc biệt, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm này", ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.
Bùi Bình
13:17 12/12/2024(Thanh tra) -
Bùi Bình
12:33 12/12/2024Hải Hà
12:26 12/12/2024Chính Bình
12:25 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Hương Giang
23:28 11/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải