Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ASEAN: Quyết “chặn” COVID -19 lây nhiễm xuyên biên giới

Hương Giang

Thứ ba, 14/04/2020 - 13:45

(Thanh tra) – Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, các nhà lãnh đạo khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới.

Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Ảnh: HG

Sáng 14/4, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Bừng sáng lên tinh thần đoàn kết

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nguy hiểm đang lan tràn khắp khu vực và toàn cầu.

Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang phải nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới đời sống của mọi người dân, kinh tế xã hội nhất là khu vực dịch vụ vốn chiếm 30% tổng GDP của ASEAN, thách thức ổn định và an sinh xã hội.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính trong thời điểm u ám, khó khăn này đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh COVID-19; tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch; sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong 650 triệu người dân ASEAN chỉ khoảng 15 nghìn là thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của toàn cầu.

"Kết quả này bước đầu giúp chúng ta tự tin hơn, nhưng cũng không được chủ quan mà cần đoàn kết và quyết tâm nhiều hơn nữa trong hành động trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tin tưởng, Hội nghị lần này sẽ đưa ra nhiều biện pháp thiết thực để vượt qua thử thách COVID-19, ổn định cuộc sống người dân và phát triển ổn định, bền vững.

Bảo hộ công dân, duy trì liên kết chuỗi cung ứng

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá những nỗ lực chung của ASEAN đã mang lại kết quả ban đầu đáng khích lệ. Đồng thời, khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới.

Các nhà lãnh đạo cho rằng ASEAN cần chú trọng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra.

Nhằm bảo vệ người dân và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), các nước cần phối hợp chặt chẽ trong việc bảo hộ công dân, cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, các gói hỗ trợ, duy trì liên kết chuỗi cung ứng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi về việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, trong đó có việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, triển khai các biện pháp kích cầu kinh tế, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh. Ảnh: Quang Hiếu

Đánh giá cao các nước thành viên ASEAN đã chung tay cùng Việt Nam ứng phó đại dịch ngay từ những ngày đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các nước ủng hộ các đề xuất của Việt Nam như lập Quỹ Hợp tác ứng phó COVID-19 của ASEAN, lập kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bệnh, sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, cung ứng nhu yếu phẩm, bao gồm cả lương thực theo yêu cầu của các nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ASEAN cần phối hợp đảm bảo an toàn, hỗ trợ công dân bị tác động của dịch bệnh; đồng thời có những bước đi chung giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch và đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh như chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh và xã hội.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Chiều nay sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm