Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vướng quy định, chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà chưa được ký hợp đồng mua bán điện

Ban Mai

Thứ hai, 03/08/2020 - 07:13

(Thanh tra)- Dù đã đưa vào vận hành gần một năm song nhiều nhà đầu tư điện mặt trời tại Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến mới chỉ được ngành Điện địa phương ghi nhận sản lượng phát lên lưới mà chưa được ký hợp đồng mua bán điện.

Hệ thống điện mặt trời tại Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (Ninh Thuận)

Mô hình nên khuyến khích

Ông Nguyễn Tiên Tiến, chủ Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thực hiện chủ trương khuyến khích của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững và mô hình kinh tế tuần hoàn, năm 2018, chúng tôi lập trang trại (20ha), sản xuất các loại rau, thảo mộc hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch, chất lượng cao, chuẩn quốc tế để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Từ những ngày đầu năm 2018, đơn vị nhiều lần gửi đơn đến công ty điện lực, chính quyền địa phương với mong muốn có được nguồn điện phục vụ sản xuất, nhưng chúng tôi không nhận bất kỳ sự ủng hộ nào. Việc không có nguồn điện đã gây thiệt hại kinh tế cho trang trại. Cây giống không đủ nguồn điện để tưới, máy móc cũng không đủ nguồn điện phục vụ sản xuất, kho lạnh không thể hoạt động hết công suất dẫn đến nông sản hư hại... Để hạn chế rủi ro, buộc doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư gần 3km đường dây 22 kV để đưa điện lưới về trang trại phục vụ sản xuất.

Mặt khác, hưởng ứng chủ trương phát triển điện mặt trời của Chính phủ và địa phương; đồng thời tận dụng nguồn tài nguyên mặt trời vô tận, gia tăng lợi ích giá trị kinh tế cho trang trại và người lao động nên chúng tôi đã đầu tư lắp đặt những tấm quang điện trên hệ thống nhà xưởng, khu nhà ươm, lối đi, sân che nắng… vừa lấy điện phục vụ tưới tiêu, thắp sáng, chế biến, đóng gói, lưu trữ sản phẩm; vừa có thêm nguồn thu nhập từ sản lượng điện thừa.

Mô hình kinh tế trang trại đã phát huy hiệu quả, biến vùng “đất chết” thành vùng đất vàng sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng quốc tế, đem lại một nền kinh tế ổn định, lâu dài cho địa phương. Đặc biệt, mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đã được các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành địa phương ghi nhận, đánh giá cao và cho rằng đây là mô hình điểm cần nhân rộng.

Tuân thủ các quy định của pháp luật

Theo ông Tiến: Đến nay, toàn bộ trang trại đã đầu tư và đưa vào vận hành 12 dự án điện mặt trời, tuy nhiên, chỉ có 2 dự án được ký hợp đồng với Công ty Điện lực Ninh Thuận theo Quyết định số 11/2007/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, còn 10 dự án chỉ được gắn đồng hồ, ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới. Mặc dù chúng tôi đã gửi nhiều văn bản kiến nghị cùng các giải pháp cụ thể cho ngành Điện, Bộ Công Thương nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện.

Lý do chưa ký hợp đồng được ngành Điện đưa ra là chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Công Thương phân biệt đâu là dự án điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà. Trong khi đó, đã có luồng ý kiến cho rằng chúng tôi né quy hoạch và lợi dụng chính sách.

Lối đi tại trang trại được lắp đặt tấm quang điện

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì, điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp trên mái nhà công trình xây dựng và có công suất dưới 1MW; được đấu nối trực tiếp hay gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện.

Điều 3 của Luật Xây dựng năm 2014 quy định: Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng... được liên kết định vị với đất bao gồm: Công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác.

Cũng theo Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng quy định: Các công trình giao thông đường bộ gồm đường cao tốc các loại, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn... có công năng là nơi để các phương tiện giao thông, vận chuyển... phục vụ nhu cầu đi lại có thể có hoặc không có mái che.

Còn Thông tư số 63/2012/TT-BNNPTNT ngày 14/12/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Công trình nhà lưới hở trong nông nghiệp là khung kèo thép, mái và vách là bằng lưới nông nghiệp. Mái và vách có thể di chuyển lên xuống phụ thuộc vào khí hậu canh tác theo mùa, có công năng chắn gió, cát cho cây trồng.

Căn cứ theo quy định của pháp luật và xét về quy mô, hiện 10 dự án điện mặt trời tại Trang trại Tiên Tiến đều được lắp đặt trên mái công trình giao thông nội bộ và công trình nhà lưới hở, đáp ứng yêu cầu về điện mặt trời mái nhà và được hưởng theo khung giá quy định tại Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, qua quá trình vận hành, sản lượng điện dư thừa của cả 12 dự án phát lên lưới vẫn đảm bảo về mặt kỹ thuật, không gây quá tải, hư hại cho ngành Điện.

Mô hình điện mặt trời tại trang trại nông nghiệp

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Mục đích cuối cùng của cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển điện mặt trời dù dưới hình thức nào đều tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, mang lại lợi ích hài hoà cho doanh nghiệp, Nhà nước và ngành Điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Chúng tôi luôn muốn chấp hành quy định của Nhà nước nhưng việc lấy từ ngữ “quy định cứng” trong văn bản Luật do con người tạo ra là chưa phù hợp với những phát sinh từ thực tế. Nếu văn bản chưa phù hợp thì có thể sửa đổi”, ông Tiến chia sẻ.

Theo ghi nhận của ngành Điện, trường hợp của Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến không phải là duy nhất mà trên thực tế đã có nhiều mô hình như vậy đang được triển khai trên toàn quốc.

Hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai lắp đặt tấm quang điện

Một số ý kiến cho rằng, các mô hình trang trại kết hợp điện mặt trời và tại các khu công nghiệp đang phát triển rất nhanh, nhất là khu vực phía Nam. Nếu không sớm tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý sẽ không khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đầu tư vào điện mặt trời. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt là để ngành Điện ký hợp đồng mua bán điện sớm, tránh thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư.

Về lâu dài, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét đến các yếu tố kỹ thuật an toàn hệ thống cũng như có quy định, hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa các loại hình đầu tư điện mặt trời mái nhà vì với công nghệ hiện nay, đã có những loại ngói hay vật liệu ốp tường có tính năng như tấm quang điện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

3 tỉnh họp bàn gỡ khó dự án Vành đai 4

(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Hải Hà

22:38 12/12/2024
Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc bị cấm thầu 3 năm tại tỉnh Cà Mau

(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Chu Tuấn

18:30 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm