Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vì sao không có nhà đầu tư nào tham gia đấu thầu?

Thứ ba, 03/11/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Mặc dù đã có những điều chỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án thành phần PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, nhưng có dự án hết thời hạn nộp hồ sơ dự thầu mà không có nhà đầu tư nào tham gia.

Do khó khăn về nguồn vay, nên các nhà đầu tư không “mặn mà” tham gia các dự án BOT cao tốc. Ảnh: TQ

Kết quả lựa chọn nhà thầu cho 5 dự án thành phần PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông cho thấy, chỉ có 4/5 dự án thành phần có nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ dự thầu.

Hiện tại, 3 dự án thành phần (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, đoạn Nha Trang - Cam Lâm có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Còn 2 dự án thành phần đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu (12/10/2020), bên mời thầu đã tổ chức đóng/mở thầu theo đúng quy định. Kết quả, dự án thành phần đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; riêng dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Bộ GTVT cho biết, rút kinh nghiệm từ các dự án BOT giao thông đã triển khai, nên 5 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam đã bổ sung nhiều điểm mới để tăng tính khả thi. Đặc biệt, phần vốn góp của Nhà nước vào các dự án này chiếm bình quân khoảng 51% tổng vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của 5 đoạn cao tốc kêu gọi đầu tư BOT hơn 39.530 tỷ đồng, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 20.136 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 3.879 tỷ đồng, vốn tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16 đến 18 năm. Hiện tại, mặt bằng sạch đạt trên 92% và sẽ xong trong năm nay.

Thế nhưng số nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án này cứ “rơi rụng” dần: Ban đầu có 32 nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển. Sau đó, trong 16 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển chỉ có 14 nhà đầu tư mua hồ sơ thầu và số nộp lại chỉ còn 8 nhà đầu tư.

Với đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, do không có nhà đầu tư qua sơ tuyển nào nộp hồ sơ dự thầu, nên Bộ GTVT đã quyết định hủy đấu thầu, báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định (có thể chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công).

TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ cho rằng, các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam có sức hút rất lớn với các nhà đầu tư trong nước, nhất là khi Nhà nước có phần vốn góp. Tuy nhiên, rào cản với nhà đầu tư chủ yếu là huy động vốn tín dụng.

“Nếu gỡ được vướng mắc về tín dụng, các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia hơn. Kể cả khi đã ký hợp đồng BOT, với tình hình ngân hàng hiện nay cũng chưa chắc nhà đầu tư đã vay được vốn để triển khai” - ông Chủng nói.

Đại diện BIDV cho biết, tính đến nay, ngân hàng đang cấp vốn cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Dù đã cấp thư cam kết cung ứng tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án thành phần BOT cao tốc Bắc - Nam khoảng 17.450 tỷ đồng, nhưng đại diện ngân hàng này vẫn băn khoăn khi xem xét cấp vốn cho các dự án.

BIDV kiến nghị Bộ GTVT xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT giao thông đã triển khai, để ngân hàng thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới.

Tương tự, đại diện Vietinbank cũng cho biết, ngân hàng này cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, với dư nợ hơn 52.000 tỷ đồng tại 32 dự án. Các khoản cho vay này của Vietinbank cũng gặp khó.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm