Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông “đòi” 50 triệu USD: Không phải đề nghị là được

Hương Giang

Thứ ba, 02/06/2020 - 20:52

(Thanh tra) - Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc Tổng thầu EPC (Trung Quốc) “đòi” ứng 50 triệu USD trước khi chạy thử tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chỉ đưa ra tại cuộc họp, không phải văn bản chính thức. Việc thanh toán phải theo hợp đồng và số lượng công việc hoàn thành.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa chốt được ngày chạy tàu. Ảnh: CTV

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối ngày 2/6, Thứ trưởng Đông đã trả lời báo chí về đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi Tổng thầu Trung Quốc đề nghị cần 50 triệu USD để vận hành.

Theo ông Đông, việc thực hiện dự án này tuân thủ theo các quy định của hợp đồng EPC, trách nhiệm của các bên như thế nào về dự án đã được quy định rõ.

“Hiện, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng theo khối lượng thực hiện và các điều khoản của hợp đồng”, Thứ trưởng thông tin.

Về các nội dung liên quan đến hoàn thiện dự án, chạy thử, chạy liên động tích hợp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, khẳng định phải thực hiện theo thiết kết, theo điều kiện của hợp đồng EPC.

Còn số tiền đề nghị cần thêm 50 triệu USD, ông Đông nêu rõ, thanh toán như thế nào phải theo quy định của hợp đồng. “Nếu xong tất cả hợp đồng, nghiệm thu thì sẽ được thanh toán 95%. Còn lại 5% là chi phí bảo trì, bảo hành”, Thứ trưởng Đông nói.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng, chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.

Bộ Giao thông Vận tải đang tích cực phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu, các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành đưa vào khai thác.

Thu phí tự động không dừng: Sau kiểm điểm, Bộ Giao thông làm gì?

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết việc triển khai thu phí tự động không dừng chưa bảo đảm đúng tiến độ yêu cầu. Nhưng Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cá nhân liên quan chỉ nhận hình thức kiểm điểm “nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.

“Hình thức kiểm điểm này có ý nghĩa thế nào và sẽ được các cá nhân thực hiện ra sao? Sau kiểm điểm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao như thế nào?”, báo chí đặt câu hỏi.

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, vấn đề thu phí tự động không dừng đã được Bộ Giao thông Vận tải triển khai hết sức quyết liệt, khẩn trương.

“Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc này chưa đạt được mốc yêu cầu và Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm”, ông Đông nói.

Đề cập đến nguyên nhân khách quan, theo ông Đông, do đây là vấn đề rất mới; công nghệ hiện đại và mới, tích hợp nhiều công nghệ. Đặc biệt, cơ chế chưa có, phải xây dựng một cơ chế trình Thủ tướng.

Bên cạnh đó, thu phí tự động không dừng liên quan đến nhiều cơ quan như vay vốn ngân hàng, kết nối thẻ, gửi tiền trước hay gửi tiền sau…

Về chủ quan, ông Đông thừa nhận, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Đặc biệt là việc phối hợp giữa hai nhà đầu tư trước kia và nhà đầu tư về thu phí kéo dài, có nhiều khúc mắc.

“Nhiều điều kiện trong hợp đồng trước đây cũng chưa lường hết được. Các cơ quan thực hiện cũng đang thiếu kinh nghiệm”, ông Đông thông tin.

Thứ trưởng cho hay, với các chủ thể khác như Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khai thác đường cao tốc đã chỉ đạo rất nhiều nhưng họ thiếu nguồn lực để làm. Sau đó, VEC chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên hiện tại cũng có những khó khăn nhất định.

“Chúng tôi đã rút kinh nghiệm phần liên quan đến chủ quan của mình để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ”, ông Đông nói và cho hay Bộ đã dự thảo lại những khúc mắc trước kia, cả về khách quan và chủ quan đưa vào điều chỉnh tại Quyết định 07 trình Thủ tướng để phê duyệt.

Theo Thứ trưởng, Dự thảo Quyết định 07 xác định rõ chủ thể các đơn vị liên quan, quyền sở hữu của các nhà BOT cũ, nhà đầu tư các trạm thu phí không dừng này, quy định làn hay không làn lắp đặt các trạm thu phí, điều chỉnh tiến độ chung để thực hiện sang đầu năm 2021.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm