Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quy hoạch TP. HCM: Phải giải quyết các điểm nghẽn, tạo động lực mới

Nguyễn Điểm

Thứ tư, 28/02/2024 - 17:54

(Thanh tra) - Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội thảo Tham vấn Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N. Điểm

TP. HCM là đô thị đặc biệt

Hội thảo được kết nối trực tuyến với lãnh đạo TP. HCM, lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo và gợi ý thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, đồ án quy hoạch được chuẩn bị công phu, khoa học, cơ bản có những cơ sở pháp lý làm nền tảng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, quy hoạch lần này hướng tới mục tiêu tạo không gian mới, động lực mới, giá trị mới cho TP. HCM.

Bộ trưởng nhấn mạnh, TP. HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, công nghệ hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của TP. HCM đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng vai trò đầu tàu, dẫn dắt của TP. HCM với vùng Đông Nam Bộ, với cả nước đang có chiều hướng suy giảm qua các năm, thời kỳ. Cùng với đó, trong bối cảnh các địa phương khác vượt lên thì TP. HCM đang có dấu hiệu chững lại. Cơ cấu kinh tế của TP. HCM cũng đang chậm thay đổi, năng suất lao động cũng là vấn đề quan ngại hiện nay.

Toàn cảnh các đại biểu tham dự tại hội nghị

Tổ chức không gian phát triển của thành phố còn nhiều bất cập, hạ tầng còn hạn chế trong thu hút đầu tư, kết nối nội vùng, liên vùng. Các bất cập này dẫn tới tính dẫn dắt của TP. HCM chưa được phát huy tương xứng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặt vấn đề lợi thế về cửa ngõ quốc tế của TP. HCM sẽ suy giảm thời gian tới khi Sân bay Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nêu rõ, hạ tầng đô thị TP. HCM đang quá tải, chậm phát triển hạ tầng ngầm, khiến chất lượng cuộc sống người dân không được tăng cao, đối mặt với các vấn đề về ngập úng, ùn tắc giao thông…

Do đó, tại khuôn khổ hội thảo này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm mà TP. HCM cần giải quyết hiện nay là gì, trọng tâm trọng điểm của Quy hoạch là gì. Đồng thời, xác định khâu đột phá thời gian tới.

Theo Bộ trưởng, TP. HCM cũng đã đề xuất mục tiêu, kịch bản tăng trưởng, tầm nhìn của TP trong dự thảo Quy hoạch. Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia đánh giá các vấn đề này một cách thấu đáo để thành phố xem xét tính phù hợp của mục tiêu, kịch bản, tầm nhìn.

Lãnh đạo Bộ cũng gợi mở hội thảo cần tập trung cho ý kiến về các ngành, lĩnh vực ưu tiên của TP. HCM; cho ý kiến về phát triển hạ tầng của thành phố, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng ngầm, hạ tầng số… an ninh nguồn nước; phát triển văn hóa - xã hội.

Trên cơ sở đó, để đảm bảo quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, hiệu quả và khả thi, các đại biểu tham dự sự kiện đã tập trung cho ý kiến về việc xác định các vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch, các vấn đề trọng tâm cần giải quyết đã xác định hợp lý. Bên cạnh đó, xác định lại quan điểm mục tiêu, tầm nhìn trong thời kỳ quy hoạch, cùng với đó, xác định các ngành kinh tế ưu tiên, giải pháp thực hiện các vấn đề về định hướng phát triển các ngành kinh tế biển, công nghiệp cao, kinh tế xanh, công nghiệp bán dẫn, kinh tế tuần hoàn…

Năng suất lao động của TP. HCM tăng 4,5%/năm

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Theo đánh giá tại hội thảo, tăng trưởng của TP. HCM vẫn chủ yếu mở rộng theo chiều ngang, với sự gia tăng yếu tố đầu vào là lao động. Về chất lượng tăng trưởng, đóng góp năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của TP. HCM ở mức đạt 35,62% trong giai đoạn 2011-2020, mức này thấp hơn bình quân chung cả nước trong giai đoạn 2011-2015 với 32,3% và giai đoạn 2016-2020 là 45,6%.

Năng suất lao động của TP. HCM tăng bình quân từ 4%/năm giai đoạn 2011-2015 và 5,1%/năm giai đoạn 2016-2020. Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của thành phố tăng 4,5%/năm, cao hơn bình quân vùng Đông Nam Bộ với 3,9%, nhưng thấp hơn bình quân cả nước với 6,0%.

Về cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp của TP. HCM được đánh giá còn lạc hậu, dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động có hàm lượng khoa học công nghệ thấp. 4 phân ngành có đóng góp cao nhất vào ngành công nghiệp năm 2020 là điện tử, chiếm 28%; may mặc và da giày chiếm 25%; chế biến thực phẩm 15%. TP. HCM vẫn thiếu vắng những điều kiện cơ bản cho phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: Nhân lực, nghiên cứu, khoa học công nghệ và các công ty lớn bản địa, những hệ sinh thái công nghiệp, những chuỗi giá trị đồng bộ.

Lực lượng doanh nghiệp tại TP. HCM nhiều nhưng đa số quy mô nhỏ, cụ thể thành phố có 200.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 97% tổng số doanh nghiệp và 65% tổng số lao động. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ nhỏ 3,4% tổng số doanh nghiệp, nhưng tạo ra khoảng 25% số lượng việc làm. Số lượng doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm tới 2/3 tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề huy động và sử dụng vốn, theo báo cáo tại hội thảo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thấp hơn mức bình quân cả nước, và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ gia tăng năng suất lao động của TP. HCM có xu hướng thấp hơn với bình quân chung cả nước.

TP. HCM cũng được đánh giá hạn chế trong thu hút FDI do thiếu mặt bằng sản xuất, trong cơ cấu vốn, FDI chỉ chiếm 13,3%. Vốn của các tổ chức doanh nghiệp trong nước chiếm 52,3%, là nguồn lực đầu tư lớn nhất, tuy nhiên lực lượng doanh nghiệp này phần lớn có quy mô nhỉ, trình độ công nghệ thấp, khó tạo ra tăng trưởng về năng suất lao động chung cho nền kinh tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm