Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ban Mai
Thứ hai, 09/11/2020 - 16:43
(Thanh tra)- “Cũng như nhiều doanh nghiệp khác của ngành Dầu khí, Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP (PVFCCo) đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, với những giải pháp đã và đang triển khai thì PVFCCo đảm bảo sản xuất kinh doanh liên tục, hiệu quả, an toàn tuyệt đối”.
Ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo
Đó là chia sẻ của ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo với PV Báo Thanh tra về các giải pháp để ứng phó với khủng hoảng “kép”. Ông Kiên cho biết, mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch nhưng lợi nhuận đạt 718 tỷ đồng, tăng mạnh do công ty đã kiểm soát tốt và tối ưu hóa các khoản chi phí, tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, dẫn tới giá thành sản xuất các sản phẩm chính giảm 7-17%.
+ Như ông chia sẻ thì trong thời gian qua, PVFCCo luôn đảm bảo sản xuất kinh doanh liên tục, hiệu quả, an toàn tuyệt đối. Vậy, ông có thể nói cụ thể hơn về những giải pháp trong quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh của PVFCCo khi xảy ra giá dầu giảm, dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai?
- Ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo: Giá dầu giảm, Dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, gây nên những tác động lớn tới toàn nền kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam. PVFCCo đã và đang tích cực thực hiện những kịch bản, giải pháp toàn diện để ứng phó, cụ thể:
Chúng tôi có bộ phận phụ trách An toàn – Sức khỏe để triển khai các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch covid-19. Công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch ở nơi làm việc như đo thân nhiệt cho toàn bộ khách đến làm việc và cán bộ công nhân viên trước khi vào làm việc; người lao động được trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và được khuyến cáo sử dụng đúng hướng dẫn; tăng cường vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ tòa nhà…
Đặc biệt, với lợi thế hệ thống phân phối, hoạt động kinh doanh rộng khắp cả nước và đội ngũ cán bộ thị trường đông đảo, PVFCCo và 4 công ty vùng miền còn phối hợp cùng với chính quyền, ngành y tế địa phương trang bị khẩu trang, nước rửa tay khô và các kỹ năng phòng chống dịch, thông tin về thời tiết, thiên tai cho hệ thống phân phối và bà con nông dân, đặc biệt ở các vùng dịch, vùng chịu ảnh hưởng thiên tai.
Đồng thời, toàn Tổng công ty và nhà máy nhanh chóng thay đổi phương thức làm việc: làm việc từ xa, trực tuyến, triệt để áp dụng công nghệ thông tin. Nhà máy Đạm Phú Mỹ thực hiện việc chia ca kíp làm việc phù hợp để chuẩn bị sẵn sàng các phương án và nguồn lực nhằm đảm bảo các đơn vị luôn duy trì hoạt động liên tục ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra là có cán bộ nhân viên dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-Cov-2.
Trong sản xuất, PVFCCo luôn đảm bảo an toàn trong sản xuất, vận hành sản xuất tốt, liên tục, hiệu quả để tận dụng cơ hội giảm giá thành do giá khí đầu vào giảm theo đà giảm của giá dầu.
Công tác kinh doanh cũng được PVFCCo cải tiến, sáng tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch tiêu thụ năm và đặc biệt là tình hình thời tiết, thiên tai, dịch Covid-19 như năm nay. Giá dầu giảm tạo điều kiện cho giá thành sản xuất giảm, nhưng giá phân bón cũng giảm theo, đặc biệt nhu cầu phân bón sụt giảm sâu đến 20-30% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hầu hết các loại nông sản cũng giảm giá, trừ lúa là được giá. Do vậy, PVFCCo linh hoạt điều động hàng theo thời vụ, thời tiết, tăng cường xuất khẩu hàng; từ thời điểm tình trạng dịch được công bố, PVFCCo cũng nhanh chóng chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại có tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp... sang hình thức, hoạt động khác phù hợp hơn như digital marketing...
Bên cạnh sản phẩm truyền thống là Đạm Phú Mỹ, PVFCCo tích cực đưa các sản phẩm chuyên dùng cho mùa khô hạn như dòng NPK Phú Mỹ 20-5-5+TE, phân đạm bổ sung vi lượng TE, phân bón NPK lỏng ra thị trường.
+ Gần 20 năm có mặt trên thị trường, các sản phẩm của PVFCCo luôn được bà con tin yêu. Trong giai đoạn “khủng hoảng kép” này, với các giải pháp đã và đang triển khai, PVFCCo đã thu được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo: Về sản xuất, sản lượng của tổ hợp Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy NPK trong 9 tháng đầu năm đạt 738 ngàn tấn, tăng 35% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng của Nhà máy Đạm Phú Mỹ đạt 649 ngàn tấn, tăng 33% so với cùng kỳ, hoàn thành 83% kế hoạch năm. Sản lượng của Nhà máy NPK đạt 89 ngàn tấn, tăng 53% so với cùng kỳ.
Về kinh doanh, 9 tháng đầu năm, PVFCCo đã tiêu thụ 829 ngàn tấn phân bón, tăng 24% so với cùng kỳ. Riêng sản lượng Đạm Phú Mỹ đạt 636 ngàn tấn, tăng 40% so với cùng kỳ, hoàn thành 82% kế hoạch năm; sản lượng kinh doanh NPK Phú Mỹ đạt 69 ngàn tấn, tăng 34% so với cùng kỳ.
Nói chung, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 đạt 5.960 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch năm. Mặc dù doanh thu 9 tháng đầu năm thấp hơn kế hoạch nhưng lợi nhuận đạt 718 tỷ đồng, tăng mạnh do công ty đã kiểm soát tốt và tối ưu hóa các khoản chi phí, tiết kiệm định mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, dẫn tới giá thành sản xuất các sản phẩm chính giảm 7-17%.
Đặc biệt, trong tháng 9 vừa qua, PVFCCo đã xuất khẩu gần 60.000 tấn urê Đạm Phú Mỹ, là năm xuất khẩu có lượng lớn nhất từ trước đến nay của Công ty. Trong hoàn cảnh thị trường xuất nhập khẩu phân bón thế giới gần như đóng băng do ảnh hướng của dịch Covid-19, đồng thời nguồn cung phân bón trong nước rất dồi dào, mùa vụ đang trong thời kỳ thấp điểm về nhu cầu sử dụng phân bón, thì các hợp đồng xuất khẩu nói trên là kết quả từ sự linh hoạt của đơn vị trong việc tìm kiếm thị trường tiềm năng. Điều này còn cho thấy sản phẩm phân bón Phú Mỹ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài, khẳng định thương hiệu và chất lượng của mình, tạo bàn đạp tiến ra thị trường quốc tế, thu về ngoại tệ cho đất nước và bản thân Công ty.
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến cải tiến, sản phẩm mới ra đời, tăng mạnh phương thức làm việc hiện đại như chữ ký điện tử, làm việc trực tuyến, ra đời các sản phẩm phân bón mới nhằm giúp cây trồng chống chịu sâu bệnh, khô hạn, cải tạo đất...
Chúng tôi tích cực, đi đầu trong an sinh xã hội, hoạt động cộng đồng, đồng hành cùng nông dân: thấu hiểu khó khăn của bà con nông dân và chung tay cùng Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương, chính trong năm 2020, khi mà cả đất nước, cả ngành, trong đó có PVFCCo, gặp khó khăn vì dịch bệnh, thiên tai, PVFCCo lại đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động cộng đồng, đồng hành cùng nông dân.
Cụ thể: Khẩn trương giải ngân phần vốn và thực hiện các nghĩa vụ tài trợ để cùng địa phương kịp thời đưa vào sử dụng 3 Trạm y tế xã tại Thanh Hóa, Phú Thọ - là các tỉnh đã có những đợt bùng phát dịch COVID -19 trong cộng đồng. Trạm y tế xã có vai trò rất quan trọng, là tuyến “phòng thủ’ đầu tiên của Ngành y tế khi dịch bệnh diễn ra. Tổng phần tài trợ của PVFCCo cho 3 công trình này là gần 10 tỷ đồng. Tích cực truyền tải thông tin chính thức, chính thống về dịch bệnh, thiên tai cho bà con. Trao tặng 2 triệu chai dầu ăn và rất nhiều phần khẩu trang, nước sát khuẩn cho các Ủy ban Mặt trận tổ quốc các tỉnh và bà con nông dân với giá trị khoảng 17 tỷ đồng.
Triển khai chương trình cứu trợ khẩn cấp và cùng chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, ngành nông nghiệp giúp bà con nông dân tái thiết, khôi phục sản xuất sau thiên tai nghiêm trọng tại khu vực Miền Trung: PVFCCo đã và đang thực hiện chương trình 3 giai đoạn với tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng.
+ Trong thời gian vừa qua, việc chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT 5% đang còn có ý kiến khác nhau. Là người trong cuộc, ông có thể chia sẻ thêm các thông tin liên quan đến nội dung này?
- Ông Cao Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo: Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất GTGT 5% sẽ có nhiều tác động tích cực và toàn diện với nhiều đối tượng, đặc biệt, trả lại sự công bằng cho sản xuất phân bón trong nướcm bà con nông dân cả nước sẽ được hưởng lợi nhờ trong dài hạn, giá cả phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% khi áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại, khuyến khích các doanh nghiệp phân bón đầu tư dây chuyền mới sản xuất phân bón có chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Tại khâu nhập khẩu phân bón chịu mức thuế GTGT 5% trên giá phân bón nhập khẩu (hiện hành không chịu thuế GTGT), doanh nghiệp nhập khẩu khi bán phải tính thuế GTGT 5% trên giá bán (chưa có thuế GTGT) và được kê khai khấu trừ thuế GTGT tại khâu nhập khẩu khi kê khai nộp thuế GTGT ở khâu bán ra. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm được giá thành sản xuất tương đương với 5% trên giá bán (theo số liệu từ Bộ Tài chính và Hiệp hội phân bón khoảng 950 tỷ đồng). Do đó, giá phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó có thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu theo cơ chế thị trường.
Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với phân bón giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Do phân bón là đầu vào của hoạt động trồng trọt nên việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi 5% so với mức thuế suất phổ thông (10%) sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất cho người nông dân, phù hợp với nguyên tắc hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế suất 5%, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất phân bón trong nước cũng góp phần đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho một lượng lớn người lao động, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Việc áp 5% thuế là phù hợp với quốc tế, các cam kết của Việt Nam và quy định của Luật thuế GTGT. Theo đó, Luật thuế GTGT đang có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%. Mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.
Trên bình diện quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT (hoặc thuế hàng hóa dịch vụ, thuế bán hàng) của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển ngành phân bón, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của các nước cũng rất khác nhau. Một số nước không thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ… Một số nước có thu thuế GTGT/thuế bán hàng đối với mặt hàng phân bón nhưng với mức thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông, ví dụ như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ…
Để hạn chế tác động tiêu cực (nếu có), đặc biệt để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón sẽ cần tăng cường quản trị, rà soát để tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến tăng giá, ĐBQH và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.
(Thanh tra) - Chiều 20/11, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, đồng thời dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc. Hội nghị do ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Bùi Bình
21:53 20/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Thành Nam
18:43 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên