Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt

Vũ Linh

Thứ năm, 26/09/2024 - 20:38

(Thanh tra) - Sáng ngày 26/9, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức buổi toạ đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” tại thành phố Đà Lạt.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Thành phố Đà Lạt là địa phương có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với các vùng khác như: Rau, hoa, chè, cà phê có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 5.600 tỷ đồng (trong đó, giá trị tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 3.694 tỷ đồng).

Hiện, diện tích canh tác nông nghiệp của thành phố là 10.690ha, trong cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Lạt; diện tích gieo trồng cây hàng năm 18.657 ha (trong đó, diện tích gieo trồng rau các loại 12.057 ha, sản lượng 450 ngàn tấn. Diện tích gieo trồng hoa đạt 5.870 ha, sản lượng đạt 2,7 tỷ cành). Diện tích chè 275,8 ha, diện tích cà phê đạt 5.150 ha, sản lượng đạt 16.170 tấn; ngành nông nghiệp chiếm 15,5% cơ cấu kinh tế (riêng cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, trong đó: Trồng trọt 87%, chăn nuôi 3%, dịch vụ 10%).

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Trước những tiềm năng, lợi thế của Đà Lạt và khu vực phụ cận về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… cơ hội cho việc phát triển vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận là rất lớn.

Tuy nhiên, rau Đà Lạt phải đối mặt với những thách thức có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển như về năng suất, chất lượng sản phẩm rau không đồng đều, sự giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt đối với những sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ tại Đà Lạt; công tác liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế; ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; khả năng cạnh tranh…

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cho vùng rau Đà Lạt và vùng phụ cận là phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; thay đổi phương thức sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; xây dựng một thương hiệu chung cho rau Đà Lạt là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền thành phố Đà Lạt.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu lý do, sự cần thiết trong việc phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng để tổ chức buổi toạ đàm, nhằm nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để tình trạng xâm phạm thương hiệu nông sản Việt, nhất là nông sản Đà Lạt.

Hoạt động xâm phạm thương hiệu nông sản Đà Lạt đang diễn ra phức tạp, tinh vi hơn: “Trước thực tế đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt nói riêng, nông sản Việt nói chung, đặt ra nhiều thách thức cần được nhìn nhận một cách thấu đáo. Tại buổi tọa đàm này, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận, thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu cho câu chuyện bảo vệ thương hiệu cho nông sản Việt”- ông Hiển chia sẻ.

Nhiều ý kiến về giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt được các đại biểu tham dự đưa ra tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Tuy nhiên, trên thực tế, những có những "hạt sạn" không đáng có. Nếu tất cả các ngành chức năng vào cuộc để quản lý, bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt thì thương hiệu ngày càng khẳng định được trên thị trường.

Chính vì vậy, việc bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt sẽ giúp chống gian lận thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và quốc tế".

“Lâm Đồng luôn quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản, nhiều sản phẩm của tỉnh đã tham gia vào chuỗi toàn cầu, hiện địa phương có 30 thương hiệu nông sản và nông sản địa phương chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt kết tinh diệu kỳ từ đất lành” tập trung vào sản phẩm rau hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị cao…”, ông S cho hay.

Trung tá Mai Văn Toàn, Đội trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Theo Trung tá Mai Văn Toàn, Đội trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân nông sản bị giả mạo xuất xứ nguồn gốc, nhãn hiệu là giá nông sản Đà Lạt chênh lệch cao hơn nông sản Trung Quốc. Các loại nông sản khoai tây, hành tây, dâu tây, cà rốt, tỏi… được các thương nhân nhập giá rẻ “đội lốt” dán nhãn xuất xứ hàng Đà Lạt.

Điển hình, mặt hàng khoai tây, dâu tây vi phạm không rõ nguồn gốc xuất, giả mạo nhãn mác. Tuy nhiên, các vi phạm trên hiện chỉ mới xử phạt vi phạm hành chính, thu giữ hàng hoá vi phạm theo quy định pháp luật.

Hành vi dán mác xuất xứ Đà Lạt là hành vị gian lận thương mại, quy định xử phạt. Công an tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra xử phạt được một số tiểu thương vi phạm.

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường kiểm soát các cở sở kinh doanh, xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm. Công an tỉnh sẽ phối hợp cơ quan chuyên môn liên quan cấp tỉnh, huyện phổ biến, tuyên truyền cho người dân, cơ sở kinh doanh nông sản, với người tiêu dùng, biểu dương ngườidân tố giác cơ sở vi phạm nguồn gốc xuất xứ, giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh cam kết không vi phạm. Ngoài ra, công an tỉnh sẽ tăng cường phối hợp tỉnh nhận diện, phát hiện sớm những cơ sở kinh doanh, tiểu thương nhập hàng ngoại giá rẻ để “đội lốt” giả xuất xứ nhãn hiệu nông sản Đà Lạt có thương hiệu để trục lợi.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm: Rau Đà Lạt, nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt”, sản phẩm Cà phê Cầu Đất Đà Lạt, Hồng Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" nhằm thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương phát triển, thu hút du khách với sứ mệnh mang những điều kỳ diệu kết tinh từ miền đất đặc biệt đến với mọi người. Năm 2017, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Năm 2023 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “ Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Thành phố Đà Lạt là địa phương có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa với các loại nông sản ưu thế so với các vùng khác như: Rau, hoa, chè, cà phê có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy theo giá hiện hành đạt 5.600 tỉ đồng (trong đó, giá trị tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 3.694 tỉ đồng).

Tuy diện tích không lớn, nhưng thành phố đã thực hiện các giải pháp ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm đối với những sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh cao. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 7.240 ha, chiếm 67,3% diện tích canh tác nông nghiệp của thành phố.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến nghị, các địa phương cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và liên kết giữa người nông sản, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.

Song song với đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra và phòng chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái... trên địa bàn các tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tại buổi tọa đàm, tiến sỹ Dương Thái Trung, chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã nêu 7 giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Thứ nhất, thiệt hại lớn nhất là thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" bị lạm dụng, giả mạo để mang lại “lợi ích” cho một nhóm nhỏ thương nhân, thương lái kinh doanh nông sản, khiến uy tín thương hiệu giảm, thậm chí mất thương hiệu.

Thứ hai, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt hại (về sức khỏe, tinh thần, kinh tế) do không được dùng sản phẩm có chất lượng, đúng thương hiệu, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý của nông sản đã cam kết.

Thứ ba, người trực tiếp sản xuất nông sản không được hưởng đúng giá trị mà mình tạo ra, các loại nông sản giả mạo thương hiệu bị người tiêu dùng phê phán, tẩy chay.

Thứ tư, do “giả mạo” nên việc quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường gặp nhiều khó khăn, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải dành nhiều thời gian và nguồn nhân lực để tăng cường các hoạt động tiền kiểm và hậu kiểm.

Thứ năm, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu nói chung, khoai tây Đà Lạt nói riêng thông qua hợp đồng giữa các nhà (nhà nông, hợp tác xã, ngân hàng, doanh nghiệp phân phối …)

Thứ sáu, cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyền truyền, tập huấn pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đảm bảo đủ mạnh, đủ rộng để có thể phổ biến đến người kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn cả nước. Đặc biệt là thông tin về về sản lượng, thời vụ thu hoạch, chất lượng và kinh nghiệm phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây nhập khẩu từ nước ngoài; các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản Đà Lạt và các địa điểm phân phối các sản phẩm này.

Thứ bảy, địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng (quản lý thị trường, công an kinh tế…) các cơ sơ kinh doanh nông sản trên địa bàn để kịp thời xử lý vi phạm và ngăn ngừa tái phạm; xử lý nghiêm các vụ vi phạm, thậm chí xử lý hình sự để răn đe và làm gương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm