Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người làm “cầu nối” giúp nâng tầm sản phẩm địa phương

Nam Dũng

Thứ sáu, 31/12/2021 - 14:24

(Thanh tra)- Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tập hợp sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Một gian trưng bày sản phẩm OCOP của người dân TP Lào Cai. Ảnh: ND

Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần được nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn khang trang sạch đẹp, kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp.

123 sản phẩm OCOP được công nhận

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai tại Lào Cai từ tháng 9/2018. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã tổ chức 8 đợt đánh giá và có 123 sản phẩm được công nhận, đạt 155% so với mục tiêu đề ra.

OCOP đã lan tỏa đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ dụ lịch. Chương trình chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được tỉnh và nhiều địa phương chú trọng, tạo nên thương hiệu và giá trị cao cho các sản phẩm.

Qua đó, từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao.

Các cơ sở sản xuất, dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với các hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm tiêu biểu như: Đối với chè có 4.914ha, 6.033 hộ tham gia; atiso 65ha với 150 hộ tham gia; su su Sa Pa 120ha với 250 hộ tham gia; tương ớt Mường Khương 120ha với 755 hộ tham gia; miến đao Bản Xèo 67ha với 250 hộ tham gia; bưởi Múc 40ha, 130 hộ tham gia. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vẫn hoạt động tốt, sản phẩm được nhiều người biết đến và tin dùng. Số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất tăng so với trước khi được công nhận. Thu nhập của người lao động được tăng lên khoảng 10%, doanh thu của các cơ sở tăng từ 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Hàng hóa từ khu vực nông thôn thành sản phẩm cấp tỉnh

Tính đến 10/12/2021, Lào Cai đã có 123 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó thị xã Sa Pa có 32 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 5 sản phẩm, huyện Bát Xát 8 sản phẩm, huyện Mường Khương 13 sản phẩm, huyện Bắc Hà 8 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 27 sản phẩm, huyện Bảo Yên 11 sản phẩm, huyện Văn Bàn 15 sản phẩm và huyện Si Ma Cai 4 sản phẩm. Trong tổng số sản phẩm có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao.

Đóng góp vào những kết quả đó không thể không nhắc đến ông Nguyễn Hữu Trường, Tổ trưởng Tổ Giúp việc Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai).

Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Lào Cai là 1 trong 4 tỉnh của cả nước triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. “Do là tỉnh tiên phong nên khi thực hiện chương trình gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, kinh nghiệm là con số 0, các thành viên trong tổ thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Chủ thể của chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất khi ấy cũng chưa hiểu thế nào là sản phẩm OCOP và làm thế nào để sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. Các thành viên trong tổ giúp việc phải phân công nhau đồng hành với các chủ thể hoàn thiện hồ sơ dự thi, từng chi tiết rất nhỏ trên bao bì sản phẩm như logo, hạn sử dụng, trọng lượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, đánh giá các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm” - ông Nguyễn Hữu Trường tâm sự.

Xác định bộ máy chính quyền các cấp có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình OCOP, ông Nguyễn Hữu Trường đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đề nghị UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ triển khai chương trình vào quy chế hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp. Đây là nền móng cho việc thực hiện chương trình được thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã trong việc hướng dẫn các chủ thể sản xuất xây dựng sản phẩm dự thi Chương trình OCOP.

Sau 6 tháng triển khai, đến tháng 3/2019, tỉnh Lào Cai bắt đầu có 10 sản phẩm OCOP trong đợt công nhận đầu. “Đầu xuôi thì đuôi lọt”, từ những sản phẩm đầu với vô vàn khó khăn, bỡ ngỡ, những hàng hóa từ khu vực nông thôn tiếp tục được xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Đồng hành với các chủ thể từ khi thực hiện Chương trình OCOP, ông Trường cho rằng, tỉnh Lào Cai có rất nhiều sản phẩm đặc thù, thế mạnh có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP ở cả 6 nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu, dịch vụ du lịch. Những sản phẩm khi được UBND tỉnh công nhận đều có chất lượng, uy tín với sự thẩm định của nhiều cơ quan chuyên môn cũng như đạt những tiêu chí chấm điểm theo bộ tiêu chí, quy định đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia…

Kết quả trên cho thấy, OCOP đang triển khai rất phù hợp với thực trạng sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới hiện nay của tỉnh Lào Cai. Chương trình có thể giải quyết được những nút thắt cơ bản của người sản xuất về chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Chương trình không chỉ hỗ trợ chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm đảm bảo chất lượng mà còn giúp chủ thể sản xuất tiêu thụ dễ dàng hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ hơn khi sản phẩm được gắn nhãn hiệu sao OCOP. Đồng thời triển khai hiệu quả sẽ góp phần tiêu thụ nguyên liệu, thu hút lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn, góp phần thúc đấy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ Giúp việc Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hữu Trường có nhiều sáng kiến liên quan đến thực hiện Chương trình, tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2018 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án Chương trình OCOP, xây dựng phần mềm dữ liệu để quản lý và chấm điểm OCOP, giảm thiểu về mặt hồ sơ, giấy tờ.

Ông Nguyễn Hữu Trường cũng là người đồng hành với nhiều chủ thể xây dựng thành công các sản phẩm hàng hóa từ nông thôn trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh, chủ biên cuốn “Sổ tay Hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Lào Cai”…

Những đóng góp của ông Nguyễn Hữu Trường đã được cấp trên ghi nhận và khen thưởng, như Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trước những thành quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Chương trình OCOP sẽ được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tiếp tục thực hiện theo giai đoạn 2021-2025.

Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Tính đến hết năm 2020 đã có 63/63 tỉnh, thành phố thực hiện và đã đạt được 4.451 sản phẩm OCOP của 2.491 chủ thể. 

Chương trình này đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề nông thôn và dịch vụ các địa phương.

Trước những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Chương trình OCOP sẽ được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội để tiếp tục thưc hiện theo giai đoạn 2021 - 2025.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công ty Quảng cáo Ngôi Sao Mới trúng gói thầu hơn 9,05 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách “vỏn vẹn” hơn 30 triệu đồng

Công ty Quảng cáo Ngôi Sao Mới trúng gói thầu hơn 9,05 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách “vỏn vẹn” hơn 30 triệu đồng

(Thanh tra) - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Quảng cáo Ngôi Sao Mới là đơn vị trúng gói thầu số 01 - tổ chức chương trình Lễ kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (02/12/1964 – 02/12/2024). Giá trúng thầu chỉ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước được hơn 30 triệu đồng…

Chu Tuấn - Quang Danh

19:53 24/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm