Theo dõi Báo Thanh tra trên
N. Phê - Q. Thân
Thứ tư, 09/02/2022 - 13:24
(Thanh tra) - Sau những ngày nghỉ Tết Nhâm Dần, hoặc trước Tết, ngư dân miền biển Đà Nẵng đã bám biển vươn khơi và bội thu tôm, cá, mùa ruốc, ốc ruốc... "Lộc biển" đầy ắp tàu thuyền đã mang lại bạc triệu mỗi ngày khiến họ phấn khởi, tươi vui.
Nhiều ngư dân đưa tàu bám biển trước Tết về đầy ắp cá to. Ảnh: P.T
Từ trung tâm TP Đà Nẵng (quận Hải Châu), băng qua cầu Thuận Phước cao vun vút, lộng gió; chúng tôi có mặt tại bãi biển Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà). Những ngày đầu năm Nhâm Dần, miền biển nơi đây náo nhiệt lạ thường. Từ sáng sớm, người tắm biển, người dạo chơi tấp nập cả một khoảng biển trời mênh mông. Nhưng có lẽ rộn ràng nhất là không khí được mùa ruốc biển.
Mỗi độ tinh sương, khi mặt trời chỉ vừa ló rạng, cả trăm thuyền xúc ruốc cập biển Thọ Quang. Những con tàu đi qua đêm ăm ắp ruốc đầy khoang. Mùa ruốc thực ra bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch năm trước đến hết tháng 3 Âm lịch năm sau, nhưng sôi động nhất là những ngày đầu năm mới này.
Ngư dân Đà Nẵng trúng mùa ốc ruốc. Ảnh: P.T
Thời điểm này ruốc vừa được giá và hơn nữa những chuyến biển đầu năm bao giờ cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc đặc biệt là, nếu đầu năm thuận buồm xuôi gió thì cả năm xem như thắng lớn. Mỗi chuyến biển từ chiều hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau, ngư dân thu về non nửa tấn ruốc. Trừ chi phí, mỗi người kiếm từ 800 ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Cũng là ruốc nhưng ốc ruốc mang lại bạc triệu cho người dân miệt biển Đà Nẵng hằng năm. Cứ mỗi độ từ mồng 5 Tết trở đi, nhiều người dọc biển Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu lại kéo nhau ra biển cào ốc ruốc. Mùa cào ốc ruốc ở bãi biển Đà Nẵng kéo dài từ thời điểm này đến tháng 4 Âm lịch. Công việc này đa phần giành cho con trai bởi sự vất vả, năng nề của nó là dùng cào sâu dưới cát để dồn ốc ruốc vào rồi sàng lọc đưa lên bờ.
Những con thuyền vươn khơi bám biển trời Tổ quốc. Ảnh: P.T
Ngư dân sẽ dậy sớm đi khảo sát rồi tung dụng cụ cào ốc ruốc. Dụng cụ cào ốc chỉ là chiếc vợt lưới mắt cá gắn lưỡi cào bằng kim loại. Để cào được ốc, ngư dân thường lội ra vùng nước cách bờ khoảng vài trăm mét đỗ lại để cắm sào. Đây là vùng nước mà ốc ruốc thường sinh sống. Cứ thế thợ cào ngụp lặn cả ngày để cho về những mẻ ốc nặng trĩu, tươi sống.
Ốc ruốc sau khi được chọn lọc sẽ cho vào nước biển rửa lại để sạch cát bám. Sau khoảng 3-4 tiếng ngâm bằng nước biển, con ốc ruốc sẽ sạch cát và được rửa lại bằng nước sạch. Từ đây, ốc được thương lái thu mua bán vào các chợ.
Ốc ruốc chế biến đơn giản là luộc với chút sả, gừng nhưng thơm ngon. Những ngày Xuân, cả gia đình ngồi bên nhau khơi ốc ăn thì còn gì thi vị bằng và nó đã trở thành món đặc sản biển Đà Nẵng cũng như khu vực biển miền Trung.
Ngư dân Nguyễn Mười (trú quận Ngũ Hành Sơn) chẳng nhớ ông đã gắn với nghề biển tự bao giờ, chỉ biết, cứ đầu năm biển trời mênh mông ban phát lộc cho ngư dân bội thu. Như chuyện cào ốc ruốc, mỗi ngày cào ốc mất khoảng 2 đến 3 tiếng nhưng giá mỗi lon ốc luộc khoảng 10 ngàn đồng cũng giúp ngư dân từ vài trăm ngàn đồng cho đến cả triệu đồng mỗi ngày.
Biển Đà Nẵng luôn mang lại lộc lớn cho ngư dân. Ảnh: P.T.
Cùng bám biển bám trời Tổ quốc yêu thương khẳng định chủ quyền, nhiều chủ tàu ở quận Sơn Trà gác chuyện vui Tết với gia đình, bạn bè mà đưa thuyền vươn khơi những ngày trước Tết; sau Tết từ mùng 3 đến mùng 8, tàu trở về cập cảng cảng cá Thọ Quang, Sơn Trà đầy ắp tôm, cá và lại được giá vì hàng tươi sống khan hiếm khiến họ rất phấn khởi
Còn những con tàu nằm bờ trong dịp Tết được ngư dân tất bật sửa soạn, tổ chức chuyến vươn khơi xa hơn từ ngày mùng 4 Tết trở đi. Những chuyến biển đầu năm luôn mang đến những cảm xúc, tâm thế đặc biệt. Đó không chỉ là kỳ vọng tôm cá bội thu mà còn là niềm kiêu hãnh giữa biển trời đại dương xanh.
Từ âu thuyền Thọ Quang, từng con tàu cờ đỏ sao vàng rẽ sóng nước vươn ra biển khơi như một thông lệ của ngư dân vùng biển Đà Nẵng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Cty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) vừa phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức Lễ khánh thành công trình cấp điện cho làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) từ lưới điện quốc gia. Như vậy, “vùng lõm” cuối cùng của tỉnh Bình Định đã phủ điện, ghi dấu mốc 100% hộ dân toàn tỉnh có điện.
P.V
(Thanh tra) - Sau sắp xếp, hợp nhất, TP Hồ Chí Minh sẽ trở thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và thế giới.
Thu Huyền
Văn Thanh
Ngọc Anh
Vinh Nghị
Thùy Dương
TL
P.V
Phúc Anh
Anh Quân
Nhật Huyền
Nhật Huyền
Minh Tân
P.V
Tổng Bí thư Tô Lâm
PV