Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang (Thực hiện)
Thứ năm, 08/02/2024 - 06:30
(Thanh tra) - “Những ngành công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… là xu thế đầu tư mới. Vấn đề này, Chính phủ đang rất quyết liệt, không ngồi chờ mà chủ động tìm đến các nhà đầu tư chiến lược, xem họ cần gì để chuẩn bị”.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. Ảnh: H.G
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh với PV Báo Thanh tra, “năm 2024, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% không quá khó”.
“Làn gió ngược” tạm ngưng
+ Năm 2023 vừa khép lại với mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Với năm nay, ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế, liệu khó khăn đã qua?
- Kinh tế 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên, nhu cầu thị trường thế giới chưa thể phục hồi nhanh. Những bất ổn vẫn chưa giải quyết được như xung đột chính trị leo thang, các rào cản với toàn cầu hóa ngày càng tăng, nhất là rào cản mới về các tiêu chuẩn xanh…
Dòng vốn đầu tư có xu hướng quay sang những tài sản có tính an toàn hơn như vàng. Ảnh hưởng nữa là kinh tế Trung Quốc được dự báo còn khó khăn với các yếu tố bất ổn như nợ bất động sản cao, thị trường bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm…
Tất cả những điều này đều tác động lớn đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.
+ Trong bộn bề khó khăn như vậy, có điểm thuận lợi nào cho triển vọng kinh tế Việt Nam?
- Trong thách thức chúng ta vẫn có những cơ hội đáng kể. Năm 2024, những “làn gió ngược” làm chao đảo các nền kinh tế như lạm phát cao đã tạm ngưng.
Các chuyên gia đều dự báo lạm phát thế giới năm nay sẽ được kiểm soát tốt. Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ dừng tăng lãi suất, và có thể bắt đầu tiến trình giảm lãi suất. Thị trường châu Âu cũng được dự báo sẽ phục hồi với mức lạm phát dịu đi.
Trong nước, tăng trưởng 2023 không đạt mục tiêu, nhưng xu hướng đi lên khá đều và rõ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ công rất thấp, dưới 4% GDP; du lịch phục hồi…
Sang năm nay, chính sách tiền tệ, tỷ giá giảm áp lực; chính sách tài khóa đang có dư địa tốt. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ tác động đến thu nhập của người lao động, từ đó giúp tăng tiêu dùng.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục đà tăng, và năm 2024 là cơ hội mang tính bước ngoặt ở những ngành công nghệ cao. Nếu thực hiện tốt chính sách thu hút, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư mới, tạo dòng chảy tích cực cho nền kinh tế.
Tôi cho rằng, tiếp nối năm 2023, đà tăng trưởng sẽ mạnh lên trong năm nay. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% không phải quá khó.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn FDI suy giảm ở nhiều nước khu vực châu Á khi USD mạnh lên, lãi suất tại Mỹ ở mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ.
Vốn thực hiện của dự án FDI đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao kỷ lục kể từ trước tới nay. Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc… là các nước đổ mạnh vốn vào Việt Nam trong năm 2023.
“Chính phủ chủ động tìm đến nhà đầu tư”
+ Để đạt mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh các động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), cần có các động lực mới, thưa ông?
- Để trở thành nước công nghiệp, vươn đến thu nhập cao, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Trước, tăng trưởng dựa vào nguồn lực giá rẻ, tài nguyên, giờ phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kinh tế số là xu hướng phát triển trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Những ngành công nghệ mới, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn… là xu thế đầu tư mới.
Vấn đề này, Chính phủ đang rất quyết liệt, không ngồi chờ mà chủ động tìm đến các nhà đầu tư chiến lược, xem họ cần gì để chuẩn bị. Ví dụ, chúng ta chủ động có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để bắt tay với các tập đoàn nước ngoài lớn.
Từ phát triển công nghệ, hoạt động quản trị nền kinh tế, xã hội phải chuyển động theo. Khi thay đổi về quản trị, thông tin minh bạch, dễ tiếp cận, sẽ tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn nhà đầu tư.
+ 2024 là năm cơ hội mang tính bước ngoặt để thu hút FDI ở những ngành công nghệ cao. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, thu hút FDI chủ yếu vào hoạt động sản xuất. Chúng ta không tiếp cận được công nghệ, mà đơn thuần thực hiện một khâu nào đó như gia công với giá trị gia tăng thấp.
Bây giờ, phải dựa vào năng lực chất xám, sử dụng khoa học công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng mới. Doanh nghiệp trong nước phải trở thành đối tác, song hành cùng nhà đầu tư FDI. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp Việt phải có đủ khả năng để tiếp nhận toàn bộ và làm chủ công nghệ mới.
Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể tái cấu trúc theo hướng bắt tay với các cái nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta phải là đối tác và dần dần trở thành người làm chủ của quá trình đó.
+ Theo ông, cần các chính sách mới gì để thu hút doanh nghiệp FDI?
- Ngoài ưu đãi về thuế, tài chính… đương nhiên phải có chính sách mới để thu hút FDI, nhưng để thu hút bền vững các nhà đầu tư FDI, quan trọng nhất là phải tạo môi trường kinh doanh minh bạch để họ vào đầu tư thuận lợi, không mất thêm chi phí và cơ hội.
+ Còn doanh nghiệp Việt thì như thế nào khi yêu cầu đặt ra phải trở thành đối tác với các tập đoàn nước ngoài?
- Doanh nghiệp Việt Nam mà yếu thì không thể sánh đôi với “người khổng lồ”, bởi có đi cùng cũng bị “đè bẹp”. Cho nên, doanh nghiệp Việt phải có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ, trình độ, để song hành và làm chủ cuộc chơi.
Tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt phải bắt tay, tập hợp sức mạnh, liên doanh, liên kết để lớn mạnh. Nhà nước phải tạo môi trường khuyến kích doanh nghiệp liên kết và bảo hộ thương hiệu.
Hóa giải bài toán “cán bộ sợ sai”
Một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm… làm đình trệ công việc, xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc tại các bộ, cơ quan, địa phương. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Góp ý thêm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, ban hành và công bố quy chế thử nghiệm để sau này, với những nội dung thử nghiệm ấy, nếu có vi phạm quy định, người thực hiện không bị quy trách nhiệm.
“Quy chế này bao gồm thử nghiệm một chính sách mới trong khoảng thời gian, không gian có giới hạn. Kích hoạt cơ chế thử nghiệm mới có thể thúc đẩy sáng tạo, không bị ràng buộc bởi các quy định khác”, ông Dũng dẫn chứng các nước như Mỹ, Hàn Quốc… đều có cơ chế thử nghiệm để có được kết quả trong lĩnh vực đột phá như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, nếu không có cơ chế thử nghiệm rất khó thực hiện những cái mới, cái đột phá, bởi chỉ cần thanh tra vào là rất dễ dính sai phạm.
Về dài hạn, ông Dũng góp ý tư duy lập pháp phải đổi mới, theo hướng thể chế cho hành vi sáng tạo rộng hơn. “Một nền công vụ sẽ có rủi ro nếu để không gian thể chế quá rộng, nhưng quá hẹp cũng không làm được gì”.
Bên cạnh dành thời gian, công sức loại bỏ những quy định chồng chéo, xung đột, theo ông Dũng, nên có nghị quyết của Quốc hội quy định rõ ràng, tuyên bố những nguyên tắc cơ bản của áp dụng pháp luật, lĩnh vực nào ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
“Phát triển kinh tế số, phải có vốn mới, tài nguyên mới”
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek).
Nói về kinh tế số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đây là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế số.
Theo Thủ tướng, trong phát triển kinh tế số thì tập trung 4 ưu tiên chính:
1. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (đây là ngành công nghiệp chủ đạo, cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số);
2. Số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo (đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới);
3. Quản trị số (đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số);
4. Phát triển dữ liệu số (là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số).
“Phát triển nền kinh tế số, chúng ta phải có vốn mới (công nghệ tài chính), lao động mới (robot thông minh, in 3D…), tài nguyên mới (dữ liệu số, điện toán đám mây, công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ý tưởng mới như chuỗi khối)”, Thủ tướng phân tích.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 11/12/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
ĐT
14:46 11/12/2024(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.
Nam Dũng
12:43 11/12/2024T.T
22:35 10/12/2024T.T
22:11 10/12/2024Thanh Giang
19:09 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà