Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiệp định EVFTA với ngành Gỗ Việt Nam

Lê Phương

Thứ tư, 20/12/2023 - 16:18

(Thanh tra)- Gỗ và sản phẩm từ gỗ là một trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU). Sau 3 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã tận dụng được những ưu đãi từ hiệp định để duy trì và tăng trưởng sản phẩm gỗ sang thị trường EU.

EU là 1 trong 5 thị trường top đầu của sản phẩm gỗ Việt Nam. Ảnh: LP

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 2023 là một năm khó khăn, thách thức nhất chưa từng có về đơn hàng, về nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ ở mức rất thấp tại các thị trường xuất khẩu chính.

Từ cuối quý II/2023, tình hình lạm phát của các thị trường lớn có dấu hiệu giảm nhiệt, tiêu dùng có tín hiệu tăng trở lại, nhờ đó, tình hình đơn hàng xuất khẩu cũng có chiều hướng tăng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng trở lại vào cuối quý II và bắt đầu tăng tốc vào quý III để sản xuất. Đây là những lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. Vì vậy, khi tín hiệu thị trường xuất khẩu tích cực hơn, các nhà nhập khẩu ở thị trường EU luôn dành ưu tiên lựa chọn đối tác là doanh nghiệp xuất khẩu đến từ Việt Nam.

Ngành Gỗ hiện hưởng mức thuế suất nhập khẩu khá thấp từ EU, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0 ngay (đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7 - 5,6%) hoặc về 0 trong vòng 5 năm (mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2 - 10%), giúp duy trì sức cạnh tranh với các nước không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc…

Cùng với một số thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU là 1 trong 5 thị trường top đầu của sản phẩm gỗ Việt Nam. Hiện nay, Hà Lan là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong EU.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ đều là những mặt hàng chính Hà Lan nhập khẩu trong năm 2022, lượng nhập khẩu 2 mặt hàng này chiếm 67,8% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên tỷ trọng cả về lượng và trị giá những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Hà Lan vẫn còn thấp. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác tại thị trường này trong thời gian tới. Như vậy, với việc thực thi EVFTA sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ có thêm lợi thế để khai thác dư địa thị trường Hà Lan.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, nhằm tăng cơ hội hiện diện tại thị trường Hà Lan đối với sản phẩm gỗ, Thương vụ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá thông tin sản phẩm gỗ Việt Nam tới các doanh nghiệp, nhà phân phối sở tại; đồng thời tăng cường thông tin về các triển lãm, hội chợ đồ gỗ và mỹ nghệ tại Việt Nam đến với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến và doanh nghiệp Hà Lan để mời tham dự các hoạt động tại hội chợ, triển lãm qua đó tạo cơ hội giao thương, kết nối sản xuất, xuất khẩu song phương cho các doanh nghiệp hai bên.

Tuy nhiên, một số quy định, chính sách của thị trường EU về chống phá rừng, bảo vệ môi trường đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp gỗ. Các sản phẩm gỗ, sản phẩm có nguyên liệu liên quan đến rừng được kiểm tra rất kỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) để tăng cường thực hành pháp luật trong lâm nghiệp, quản trị rừng, thương mại gỗ một các bền vững. Việt Nam bắt đầu triển khai hiệp định này từ năm 2018. Đối với xuất khẩu, Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị để có thể cấp phép về tăng cường thực hành pháp luật quản trị rừng và thương mại gỗ bền vững vào thị trường EU, dự kiến có thể bắt đầu từ năm 2025.

Gần đây, EU đã thông qua quy định về không gây mất và suy thoái rừng với mong muốn các nước chế biến và thương mại sản phẩm gỗ một cách có trách nhiệm, không thiệt hại đến rừng. Nếu chuẩn bị tốt, có trợ giúp về kỹ thuật từ 2 phía và thể hiện trách nhiệm giải trình nghiêm chỉnh, sau đó cung cấp thông tin về tọa độ địa lý nơi khai thác nguyên liệu đưa vào chế biến, đảm bảo kể từ 31/12/2020, nguyên liệu này hoàn toàn không có tác động xấu đến rừng và không làm suy thoái rừng thì sẽ được tháo gỡ.

Theo thống kê, từ đầu năm đến tháng 7 năm 2023, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều thời điểm phải cắt giảm công nhân thì nay đã tuyển lại lao động, hoạt động đạt 50 - 60% công suất. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi. Hiện các doanh nghiệp trên đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có. Đây là tín hiệu khả thi cho ngành Gỗ Việt Nam.

Mặc dù có những điểm sáng, song các doanh nghiệp ngành Gỗ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi đơn hàng hiện nay phải cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ, phụ liệu phải tái chế, nhưng chất lượng phải cao hơn. Đây là một áp lực đối với doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm