Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Đầu tư công - quản trị tư", "đầu tư tư - sử dụng công": Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng

Đông Hà

Thứ bảy, 17/05/2025 - 10:03

(Thanh tra) - Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, nhu cầu phát triển hạ tầng ngày càng trở nên cấp thiết, việc tìm kiếm các mô hình hợp tác hiệu quả giữa khu vực công và tư nhân là yêu cầu đặt ra đối với nhiều địa phương.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng song sử dụng chưa hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: D.T

Trong số đó, các mô hình như "đầu tư công - quản trị tư" và "đầu tư tư - sử dụng công" đang được xem là hướng đi tiềm năng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, khuyến khích đổi mới cách thức vận hành, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách.

Thực tế cho thấy, không ít công trình hạ tầng công cộng tại nhiều tỉnh, thành đang rơi vào tình trạng “xây xong rồi để đấy”, hoặc chỉ khai thác cầm chừng, không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Nhiều trung tâm văn hóa, nhà thi đấu, khu công nghệ cao... hay phòng thí nghiệm trọng điểm sau khi hoàn tất đầu tư xây dựng lại thiếu kinh phí để vận hành thường xuyên, thiếu nhân lực quản lý chuyên nghiệp, dẫn đến tình trạng nhanh chóng xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư ban đầu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), tính đến cuối năm 2024, vẫn còn hàng trăm dự án hạ tầng trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trên cả nước chưa thể đưa vào khai thác hoặc vận hành dưới mức công suất thiết kế. Một phần nguyên nhân xuất phát từ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thủ tục phức tạp, trong khi năng lực tổ chức triển khai tại cơ sở vẫn còn hạn chế. Tình trạng này cho thấy rõ yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong đầu tư và vận hành hạ tầng công.

Mô hình mới gợi mở hướng đi

Trước thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần mạnh dạn nghiên cứu và thí điểm những mô hình hợp tác công - tư mới, cụ thể là "đầu tư công - quản trị tư" và "đầu tư tư - sử dụng công", nhằm tận dụng thế mạnh của khu vực tư nhân trong vận hành, khai thác dịch vụ, đồng thời đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản công lâu dài.

Cụ thể, mô hình "đầu tư công - quản trị tư" là hình thức mà Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng như nhà hát, thư viện, trung tâm nghiên cứu... nhưng việc vận hành sau đó sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức xã hội. Việc chuyển giao này được thực hiện thông qua đấu thầu công khai hoặc ký hợp đồng nhượng quyền có thời hạn. Trong mô hình này, Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu tài sản, còn bên nhận quyền có trách nhiệm khai thác dịch vụ theo cơ chế thị trường, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Mô hình này không phải là mới trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, việc tư nhân hóa khâu vận hành trong các thiết chế công lập như bảo tàng, công viên, khu du lịch sinh thái... đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trong đó, doanh nghiệp được vận hành dịch vụ, chia sẻ doanh thu với Nhà nước, đồng thời phải tuân thủ các tiêu chí công khai, minh bạch về tài chính, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định: "Nếu chuyển sang mô hình quản trị tư nhân có kiểm soát tốt, tài sản công có thể trở thành nguồn lực phát triển bền vững, vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa gìn giữ giá trị văn hóa - xã hội".

Ở chiều ngược lại, mô hình "đầu tư tư - sử dụng công" lại dựa trên nguyên tắc tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, sau đó Nhà nước thuê lại để sử dụng. Mô hình này phù hợp triển khai đối với các công trình như trụ sở cơ quan hành chính, trường học, trạm y tế, trung tâm phục vụ công ích... Đây được coi là phương án giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư ban đầu, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và kiểm soát chất lượng thông qua hợp đồng thuê dài hạn.

Một ví dụ điển hình là mô hình khu liên cơ quan cấp tỉnh tại Quảng Ninh. Dự án này được đầu tư xây dựng bởi một doanh nghiệp tư nhân, sau đó Nhà nước thuê lại sử dụng trong thời gian từ 15 đến 20 năm. Cách làm này không chỉ giải quyết được bài toán về nguồn vốn, mà còn giúp tăng tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý vận hành công trình công.

Ai giám sát, ai chịu trách nhiệm?

Dù là mô hình mang lại nhiều hứa hẹn, nhưng trên thực tế, "đầu tư công – quản trị tư", "đầu tư tư – sử dụng công" hiện vẫn thiếu khung pháp lý rõ ràng để triển khai đại trà. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc luật hóa là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự minh bạch và hiệu quả trong thực thi. Ông nhấn mạnh: "Cần quy định rõ về cơ chế phân cấp quản lý, tiêu chí lựa chọn nhà vận hành, nội dung hợp đồng chuyển giao - thuê lại… Nếu không, rất dễ phát sinh thất thoát tài sản công hoặc lợi ích nhóm.”

Hiện tại, hai mô hình trên vẫn chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Quản lý tài sản công cũng như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Trong quá trình thí điểm tại một số địa phương, nhiều vướng mắc đã xuất hiện, từ việc xác định giá thuê, nguồn kinh phí chi thường xuyên, cho đến cơ chế thu hút nhà đầu tư dài hạn.

Một điểm dễ gây rủi ro là vấn đề định giá tài sản công chưa minh bạch. Nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến tình trạng ngân sách nhà nước phải chi trả vượt quá giá trị thực tế, hoặc tạo kẽ hở để trục lợi từ các hợp đồng không rõ ràng. Do đó, việc lựa chọn nhà đầu tư cần được thực hiện công khai, cạnh tranh; đồng thời khâu thiết kế hợp đồng và giám sát thực hiện phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và kiểm toán độc lập.

"Nếu không có cơ chế giám sát độc lập và công khai hợp đồng, mô hình này có thể trở thành nơi để tư nhân kiếm lợi, còn rủi ro vẫn đổ lên vai ngân sách nhà nước", PGS.TS Ngô Trí Long cảnh báo.

Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất nên thí điểm các mô hình này ở các lĩnh vực dễ xã hội hóa, ít rủi ro tài chính và có giá trị công ích cao như nhà hát, thư viện, bảo tàng; trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ; trường học công lập chất lượng cao; cơ sở thể thao, nhà văn hóa cộng đồng… Tuy nhiên, đi kèm với việc thí điểm phải là các quy định cụ thể về chất lượng dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các bên, điều kiện kết thúc hợp đồng và trách nhiệm trong việc chuyển giao tài sản trở lại cho Nhà nước.

Một điểm rất quan trọng được các chuyên gia đồng thuận, đó là cần thay đổi tư duy trong quản lý tài sản công. Thay vì chỉ "giữ tài sản", các cơ quan quản lý cần hướng tới mục tiêu “tối ưu hóa giá trị tài sản”. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải chuyển vai - từ vai trò đơn thuần là người phân bổ ngân sách sang vai trò người giám sát, quản trị hiệu quả hoạt động, và chủ động tạo lập môi trường minh bạch để khu vực tư nhân có thể tham gia tích cực, bền vững.

Trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng eo hẹp, các mô hình "đầu tư công - quản trị tư", "đầu tư tư - sử dụng công" có thể tạo ra bước ngoặt trong việc cải tổ cách thức quản lý hạ tầng công. Không chỉ giúp tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn vốn, các mô hình này còn mở ra cơ hội cải cách tư duy và cơ chế vận hành tài sản nhà nước theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm