Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 17/04/2018 - 11:44
(Thanh tra)- Thị trường bán lẻ dược phẩm dần hình thành các chuỗi nhà thuốc lớn với sự gia nhập của các “đại gia” ngoài ngành nhưng đặt nhiều tham vọng về sự tăng trưởng.
Đến nay, Pharmacity đã có 100 cửa hàng thuốc, có mặt chủ yếu tại khu chung cư, căn hộ, phục vụ người bản địa tại TP HCM và Bình Dương. Ảnh: TM
Hệ thống chuỗi nhà thuốc nở rộ
Mới đây, Pharmacity khai trương cửa hàng thuốc Tây thứ 100 tại Samari, khu đô thị Sala, quận 2, TP HCM. Chuỗi nhà thuốc Pharmacity được mở từ cuối năm 2011, sau 7 năm đã chạm mốc 100 cửa hàng, phủ khắp TP HCM và tỉnh Bình Dương. Như vậy, trung bình Pharmacity mở khoảng 14 cửa hàng/năm. Pharmacity có mặt chủ yếu tại khu chung cư, căn hộ, phục vụ người bản địa. Ngoài ra, Pharmacity còn hợp tác với Petrolimex đặt cửa hàng bán lẻ thuốc tại hệ thống các cây xăng tại TP HCM, học theo mô hình kinh doanh trạm thuốc - cây xăng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ.
Pharmacity chỉ là một trong nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc Tây đang hoạt động khá rầm rộ tại TP HCM thời gian này, đồng thời là thương hiệu nhà thuốc sở hữu nhiều cửa hàng nhất. Ngoài Pharmacity, thị trường còn có hệ thống chuỗi nhà thuốc Phano, Eco Pharmacy, Mỹ Châu, Long Châu, Phúc An Khang (nay đổi tên là An Khang).
Chuỗi nhà thuốc Phano gồm hơn 50 cửa hàng, thành lập từ năm 2007 và có mặt ở nhiều tỉnh, thành như TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, Đà Lạt, Đà Nẵng... Hậu thuẫn của Phano chính là Công ty Dược Imexpharm, nơi Phano có thỏa thuận hợp tác chiến lược và sở hữu lượng cổ phần lớn. Mục đích của sự hợp tác này chính là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất - phân phối - bán lẻ nhằm cắt bỏ chi phí trung gian, tạo ra các dòng dược phẩm mang thương hiệu riêng Phano...
Chuỗi nhà thuốc Eco có 9 cửa hàng, tập trung gần một số bệnh viện lớn tại TP HCM. Đây là thương hiệu nhà thuốc được nhiều người biết đến với dòng sản phẩm chức năng nổi tiếng được chạy quảng cáo như Alipas, Angela, Jex... là các sản phẩm được sản xuất bởi một công ty ở Mỹ và xuất khẩu độc quyền cho Eco tiêu thụ tại Việt Nam.
Một số hệ thống chuỗi nhà thuốc khác có số lượng cửa hàng ít hơn và cũng phân bổ chủ yếu tại TP HCM như Mỹ Châu, Long Châu, An Khang. Trong đó, Mỹ Châu được thành lập từ rất sớm (năm 1987), có thể coi là chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam, hiện có 8 nhà thuốc tại TP HCM và An Giang. Long Châu hiện có 9 nhà thuốc, được biết đến là hệ thống nhà thuốc sở hữu nhiều đơn vị sản phẩm lớn, có đầy đủ thuốc theo đơn kê từ các bác sĩ và giá thành rẻ hơn giá bán ở bệnh viện khoảng 15 - 20%.
Thị trường có khoảng 45.000 nhà thuốc tư nhân (thống kê vào năm 2015) hoạt động riêng lẻ, tự phát và phân mảnh (theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT). Tuy nhiên, thị trường bắt đầu được định hình lại sau khi có sự tham gia của các chuỗi nhà thuốc chuyên nghiệp.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam nhìn nhận quá trình phân phối thuốc bán lẻ đến tay người dân còn nhiều thử thách, khi vấn nạn thuốc giả, thuốc không chứng từ tràn lan. Mô hình chuỗi nhà thuốc trong những năm qua phần nào giải quyết được những điều đó và làm thị trường thuốc minh bạch hơn.
Tham vọng của các “ông lớn”
Theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, đơn vị đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam khá hấp dẫn, vào khoảng 5 tỷ USD, thấp hơn ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) nhưng cao hơn cả máy tính và điện máy. Mức tăng trưởng bình quân của dược phẩm vào khoảng 13%/năm, con số triển vọng cho sự phát triển.
Chi phí dược phẩm của Việt Nam cũng ở mức thấp, khoảng 30 USD/người/năm, trong khi Singapore gấp gần 5 lần còn Malaysia gấp 2 lần.
Trong khi đó, phần lớn thuốc ở Việt Nam đang được phân phối qua các nhà thuốc đơn lẻ, chiếm khoảng 65 - 70%, còn lại từ các bệnh viện, phòng khám.
Thị trường dược phẩm hiện tại đang được ví với thị trường điện thoại di động cách đây mười năm về trước, khi cuộc chơi chưa được định hình rõ rệt cũng như chưa có một ông chủ thực sự. Giá bán dược phẩm cũng mông lung theo từng cửa hàng, chưa được niêm yết rõ ràng. Thuốc lậu, thuốc giả tràn lan, sử dụng kháng sinh vô tội vạ... là những thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn. Tất cả các lý do trên là cơ hội cho chuỗi nhà thuốc phát triển và phân chia lại thị trường.
Không chỉ có các chuỗi tự thân nó phát triển như vũ bão, một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng đang tìm cơ hội đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm, có thể kể đến như FPT Retail và Thế Giới Di Động (TGDĐ). Trong đó, TGDĐ là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư này bằng tuyên bố rót tiền vào nhà thuốc Phúc An Khang và xây dựng chuỗi này lên con số vài trăm cửa hàng. FPT Retail sau đó cũng khẳng định đã đầu tư vào chuỗi Long Châu, mục tiêu mở rộng đến 400 cửa hàng vào năm 2022.
Sở dĩ 2 "ông lớn" ngành bán lẻ điện thoại cùng có hướng đầu tư mới vào ngành bán lẻ dược phẩm, không chỉ vì tiềm năng sẵn có của nó mà còn liên quan tới tốc độ tăng trưởng ngành điện thoại. Điện thoại đang bão hòa, với thị phần TGDĐ có được trên dưới 50%, còn FPT Retail chỉ đứng sau với khoảng trên 30%. “Thoát thân” tìm đường đi mới là điều hiển nhiên với 2 doanh nghiệp này, nhưng hướng đi lại khác nhau.
TGDĐ sau khi “bàn qua tính lại”, tự cho rằng bán lẻ dược phẩm còn nhiều rào cản với những thách thức riêng đã tuyên bố không xây dựng chuỗi mà chỉ đầu tư khoảng 40% vốn vào Phúc An Khang. Tức, TGDĐ “rót tiền”, Phúc An Khang tự phát triển chuỗi, hoạch định hướng phát triển trên cơ sở nguồn lực đó. TGDĐ không tham gia bất cứ hoạt động điều hành nào hết.
Ngược lại, FPT Retail vẫn quyết tâm đầu tư vào chuỗi Long Châu và phát triển nó thành hệ thống. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết Long Châu có lợi thế so với các chuỗi nhà thuốc khác ở chỗ nó sở hữu số lượng đơn vị sản phẩm lớn, gấp 6 - 7 lần các nhà thuốc nhỏ lẻ khác. Do đó Long Châu có thể đáp ứng gần như toàn bộ các loại thuốc do bác sĩ kê đơn. Đồng thời, giá thuốc của Long Châu lại rẻ hơn từ 15 đến 20% so với đơn giá tại các nhà thuốc bệnh viện.
Với lợi thế này mà theo bà Điệp, doanh thu/cửa hàng từng tháng của Long Châu cao hơn nhiều lần so với các chuỗi khác. Cụ thể, doanh thu/cửa hàng của Long Châu là 134.000 USD/tháng, trong khi của Phúc An Khang chỉ là 32.000 USD, Pharmacity là 11.000 USD, Eco là 25.000 USD.
"Tham vọng của FPT Retail là có thể chiếm 30% thị phần bán lẻ dược phẩm và trong 3 - 4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu công ty. Đầu tư cho ngành dược và nhà thuốc Long Châu là đầu tư cho tương lai", bà Điệp cho biết.
Trà My
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 11/12/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
ĐT
14:46 11/12/2024(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.
Nam Dũng
12:43 11/12/2024T.T
22:35 10/12/2024T.T
22:11 10/12/2024Thanh Giang
19:09 10/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà