Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ và DN cùng hành động nhằm thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh

Thứ sáu, 12/10/2018 - 10:37

(Thanh tra)- Trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chỉ khi có một cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện việc thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN) mới có thể tác động làm thay đổi đáng kể trong phòng, chống tham nhũng (PCTN) và chống hối lộ, đặc biệt trong các giao dịch kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

+ PV: Từ năm 2016 đến nay, VCCI phối hợp với IBLF Global tại Anh quốc triển khai thực hiện tiểu dự án “Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV) phòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam”. Xin ông cho biết tại sao VCCI chọn tiểu dự án này để triển khai và kết quả thực hiện đến nay như thế nào?

- Trước hết, tham nhũng là một vấn đề toàn cầu không riêng gì Việt Nam. Tham nhũng gây tác động tiêu cực tới toàn xã hội. Do vậy, việc chống tham nhũng đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên, trong đó vai trò của Chính phủ và DN là hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều động thái về chống tham nhũng hết sức tích cực cũng như thể hiện rõ sự quyết tâm của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ “liêm chính” thông qua tăng cường sự minh bạch và huy động các chủ thể trong nền kinh tế cùng hành động hay Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) đang trong quá trình bàn bạc thông qua nhằm tiếp tục thể chế hóa các yêu cầu của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).

Ngoài ra, DNNVV được xem là động lực phát triển của nền kinh tế, đóng vai trò khá quan trọng khi số DN này chiếm tới khoảng 98% trong tổng số DN của Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng DN này lại rất dễ bị tổn thương bởi tham nhũng và không giống như các DN lớn, DNNVV phải đối mặt với những thách thức chẳng hạn như thiếu kinh nghiệm hay kiến thức về cách thức nói “không” với tham nhũng; thiếu nguồn lực tài chính để tuyển dụng luật sư, cán bộ tuân thủ phụ trách vào làm việc trong công ty. Chính vì vậy, nhiều DNNVV chấp nhận “sống chung với tham nhũng”, do không tin rằng họ có thể chiến thắng trong việc ứng phó với vấn nạn.

Kết quả là phần lớn (hơn 600 lượt DN) trong số hàng nghìn lượt DN tham gia chương trình bày tỏ rằng họ cảm thấy tự tin hơn khi tiến hành giao dịch trực tiếp với cán bộ công chức như thuế, hải quan. Số khác lại cho rằng với những gì họ được tiếp nhận từ chương trình đã giúp hiểu biết hơn về cách thức giải quyết những tình huống trong nội bộ DN, đặc biệt mạnh mẽ đưa ra quyết định từ chối những khoản tiền lót tay mà cấp dưới đề nghị cần thiết chi để dành được những ưu ái.

Do đó, tôi cho rằng không chỉ nhận thức của DN được cải thiện mà nó đang dần dần có sự thay đổi từ nhận thức tới hành động và điều này thực sự là cần thiết để truyền cảm hứng nhân rộng.

+ PV: Sáng kiến liêm chính trong kinh doanh mà VCCI triển khai có thể gặp những thách thức gì, thưa ông?

- Nhiều DN, đặc biệt là ở các công ty NVV, không tin rằng chống tham nhũng sẽ tốt hơn cho công việc kinh doanh. Nếu không hối lộ, công việc làm ăn sẽ không thuận lợi, khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh. Vì vậy, thách thức lớn nhất là làm sao để chứng tỏ được lợi ích dài hạn của các công ty nếu tuân thủ kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm. Nếu không, sẽ rất khó để có thể khuyến khích các công ty thay đổi hành vi, cách ứng xử hay thậm chí quan tâm đến vấn đề này.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về tác động của tham nhũng đối với hoạt động kinh doanh, việc hỗ trợ DN xây dựng hệ thống tuân thủ nội bộ và văn hóa liêm chính thông qua các chương trình phổ biến và đào tạo là rất quan trọng.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, VCCIphối hợp vớiDiễn đàn cácNhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế (IBLF Global)tại Anh quốc triển khai thực hiện tiểu dự án “Hỗ trợDNNVVphòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam”, được tài trợ bởi Đại sứ quán Anh.

Trong khuôn khổ hoạt động, VCCI tiến hành địa phương hóa bộ công cụ “Hướng dẫn các DNNVV phòng ngừa tham nhũng” do Nhóm các Nhà lãnh đạo doanh nghiệp (B20) thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (G20) xây dựng.

Dự án tiến hành đào tạo trực tiếp, xây dựng bộ công cụ trực tuyến (http://kdlc.vn/) và khuyến nghị chính sách lên Thủ tướng Chính phủ về triển khai sáng kiến thúc đẩy liêm chính giữa DN và Chính phủ nhằm huy động sức mạnh tập thể PCTN và chống hối lộ trong khu vực Nhà nước và khu vực DN tại Việt Nam.

Các khuyến nghị này đã nhận được quan tâm đặc biệt của Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có cuộc họp với lãnh đạo VCCI, các bộ, ngành, cơ quan liên quan vào tháng 12/2017 để đánh giá tính khả thi của các khuyến nghị đưa ra dựa trên ý kiến tham vấn của cơ quan bộ, ngành. Kết quả cuộc họp bước đầu cho thấy Chính phủ thể hiện sự đánh giá, ủng hộ cao cho sáng kiến và phê duyệt về nguyên tắc giao cho VCCI chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan như Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp triển khai thực hiện theo quy định.

- Năm 2017, trong khuôn khổ hoạt động của dự án, VCCI đã có báo cáo khuyến nghị trình Chính phủ về các giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu tham nhũng, hối lộ trong giao dịch kinh doanh và được Chính phủ ghi nhận, đánh giá, đặc biệt trong đó chúng tôi có nhấn mạnh việc kiện toàn chính sách pháp luật về PCTN; tăng cường đối thoại giữa DN và Chính phủ là hết sức cần thiết, qua đó tạo điều kiện cho sự thay đổi thông qua hành động.

Gần đây, các DN Việt Nam có quy mô lớn hơn và có hoạt động đầu tư kinh doanh ra nước ngoài hoặc thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài thường có nhận thức tốt hơn về các quy định tuân thủ và chống hối lộ theo thông lệ tốt quốc tế.

DNNVV Việt Nam giải quyết sức ép về chống hối lộ từ quốc tế theo từng yêu cầu cụ thể, chưa đưa thành văn bản chính sách và không có tính hệ thống trong DN.

Điều đáng lưu ý là, hiện nay, các DN đa quốc gia có xu hướng hạn chế ký kết hợp đồng kinh doanh trực tiếp với DN Việt Nam mà chủ yếu thông qua các công ty trung gian từ quốc gia, vùng lãnh thổ khác có hoạt động tại Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc... Do đó, đây có thể là dấu hiệu thể hiện sự thận trọng của các DN đa quốc gia đối với các rủi ro hối lộ cao tại Việt Nam.

+ PV: Theo ông, để có những thay đổi đáng kể trong PCTN và chống hối lộ, đặc biệt là trong các giao dịch kinh doanh, thì Nhà nước và DN cần phải làm gì?

-  Cơ quan Chính phủ và khu vực DN tư nhân là những chủ thể chính cùng tham gia, hợp tác và hành động nhằm thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. Các giải pháp cần phải được thực hiện mang tính đồng bộ mới mang lại kết quả cao.

Chúng tôi tin rằng chỉ khi có một cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện việc thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước và DN mới có thể tác động làm thay đổi đáng kể trong PCTN và chống hối lộ, đặc biệt trong các giao dịch kinh doanh.

Chính vì vậy, đây được xem là thời điểm thích hợp để tiến hành bàn bạc kỹ Dự thảo Luật PCTN (Sửa đổi) và nếu Dự thảo Luật được xem xét thông qua sẽ phần nào có tác động trực tiếp, đáng kể đến khu vực ngoài Nhà nước, cụ thể là các DN.

+ PV: Là Chủ tịch VCCI, theo ông, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho văn hóa kinh doanh liêm chính chưa? Và, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng được môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho văn hóa kinh doanh liêm chính?

- Thực tế mà nói, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện và tích cực thông qua điểm số PCI bình quân năm 2017 là mức cao nhất trong gần 10 năm qua, các tỉnh/thành phố với số điểm đều tăng đã phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh có những dấu hiệu khởi sắc.

Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh vấn đề chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đang được cải thiện mạnh mẽ cho thấy tín hiệu tích cực về kết quả của nỗ lực PCTN và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng, Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp đang thực hiện.

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam 2017 đã đạt được mức tăng trưởng vượt chỉ tiêu với mức 6,81% và dự kiến mức độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2018, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam.

+ PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Anh - Thủy Ngân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm