Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Phó
Thứ ba, 15/02/2022 - 06:37
(Thanh tra) - Khu 7 (Tây Giang, Quảng Nam), gồm các xã: Ch’ơm, Ga Ry, A Xan, Tr’hy… tiếp giáp với nước bạn Lào, là căn cứ địa cách mạng nổi danh trong thời kháng chiến chống Mỹ; nhưng còn nổi tiếng bởi một loài cây rừng được đồng bào Cơ Tu phát hiện là cây đẳng sâm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.
Sản phẩm đẳng sâm củ mới thu hoạch. Ảnh: N.P
Ông Bhriu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang, là người sinh ra và lớn lên ngay tại A Xan, khu 7, nên rất am hiểu về thổ nhưỡng, cây trồng vùng biên cương này.
Ông Liếc cho biết, cây đẳng sâm ngày xưa mọc hoang dã rất nhiều ở vùng khu 7, nhiều nhất vẫn là hai xã Ch’ơm và Ga Ry. Người Cơ Tu không biết gọi là cây gì, chỉ khi đi vào rừng gặp thì đào cả cây lẫn củ mang về, lá thì nấu canh ăn ngọt mát, khỏe người, củ thì ngâm rượu; nhà nào có phụ nữ sinh đẻ thì hầm với gà, ăn da dẻ mịn màng, hồng hào, tạo nhiều sữa cho con trẻ bú khỏe mạnh…
Thời kháng chiến, khu 7 Tây Giang là cung đường nhánh Tây Trường Sơn. Cán bộ, bộ đội thường qua lại các bản làng người Cơ Tu chỉ biết đẳng sâm là cây rừng tốt, nên dân đào rồi mang đổi muối, đổi quần áo để dùng.
Đến những năm 1970 - 1972, khi những đoàn cán bộ quân y trên đường Trường Sơn tìm ra giống sâm Ngọc Linh trên những ngọn núi cao Ngọc Linh ở Nam Trà My (Quảng Nam) và Tu Mơ Rông (Kon Tum) dùng chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ cho bộ đội, giống cây đẳng sâm ở khu 7 cũng được biết đến trong thời gian ấy…
Những năm 1980, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam dày công nghiên cứu mới xác định giống sâm ở khu 7 là một loại đẳng sâm cùng họ với loài đẳng sâm có tên trong danh mục các cây thuốc quý Việt Nam. Lúc này, cái từ đẳng sâm mới chính thức được người Cơ Tu ở Tây Giang đặt tên cho giống cây hoang quý hiếm này…
Sau đó, cây đẳng sâm khu 7 được các thương lái chuyên săn tìm cây thuốc quý tìm đến mua bán, nhưng số lượng ban đầu rất hạn chế.
Cũng từ ấy, bà con Cơ Tu đi rừng, đi rẫy nếu gặp thì nhổ về bán cho thương lái thu mua hết; cây đẳng sâm hoang dã có nguy cơ cạn kiệt…
Để bảo tồn giống cây quý hiếm này, già làng Bling Ríu ở thôn Zơ Zượt (xã Ch’ơm) là người đầu tiên mạnh dạn đưa cây đẳng sâm rừng về trồng tại nương rẫy, vườn nhà mình.
Nhận thấy cây đẳng sâm bản địa là một cây “xóa đói giảm nghèo”, làm giàu đích thực cho người dân vùng biên giới này; Bling Ríu lên rừng đào hàng loạt cây giống mang về trồng trên nương rẫy của mình.
Nhiều người Cơ Tu ban đầu cho đó là việc làm lạ lùng và nói: “Ông già ni bị khùng! Cái cây nó mọc hoang trên rừng, mắc mớ chi đào nó về trồng cạnh nhà mình cho chật đất…”. Tuy nhiên, Bling Ríu chỉ cười vì biết rõ, khí hậu, đất đai vùng khu 7 rất hợp với cây đẳng sâm.
“Cứ làm rồi bà con khắc biết và làm theo” - Bling Ríu ngẫm nghĩ.
Sau gần 3 năm, ông Bling Ríu đã trồng hơn 3ha đẳng sâm tại rẫy nhà mình. Và cũng sau 4 năm, mỗi ha thu hoạch mang về cho “ông khùng” cả trăm triệu đồng…
Người Cơ Tu sở tại như bừng tỉnh, rủ nhau lên rừng tìm đẳng sâm về trồng trên nương rẫy nhà mình. Hiện tại, có 12 thôn ở xã Ch’ơm và Ga Ry nhà nào cũng có vườn đẳng sâm; nhiều gia đình trồng tới 5-6ha...
Đầu năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’ơm được thành lập, đặt phương hướng phát triển cây đẳng sâm và thu mua sản phẩm nhập cho một số doanh nghiệp chế biến tại huyện Tây Giang.
Đến nay, hợp tác xã có 32 hộ dân tham gia, với hơn 60ha đẳng sâm trồng tại 2 xã Ch’ơm và Ga ry.
Nếu hạch toán, 1ha trồng lúa mỗi năm một vụ chỉ thu chừng 2 tấn lúa, nếu bán chỉ chừng 16 triệu đồng; nhưng trồng đẳng sâm, 1ha cho khoảng 2 tấn củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/1kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng; lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa…
Ngoài ra, người dân còn thu hái lá để bán, trung bình 1kg lá sâm hiện nay cũng tới 35 nghìn đồng; là nguồn thu không nhỏ với người dân.
Lãnh đạo huyện Tây Giang cho biết, từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nông thôn mới... đã hỗ trợ và người dân trồng phát triển cây dược liệu được gần 1.000ha, trong đó diện tích chuyên trồng đẳng sâm gần 600ha, tại 3 xã vùng cao của huyện.
Sản phẩm từ đẳng sâm được phát triển đa dạng tạo ra nhiều mặt hàng giá trị như: Cao đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm, mứt đẳng sâm…
Trong năm 2019, có 3 sản phẩm từ đẳng sâm dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 - 4 sao. Năm 2020, tiếp tục có 2 sản phẩm củ đẳng sâm đạt 3 - 4 sao. Năm 2021, sản phẩm đẳng sâm Tây Giang còn tham gia các hội chợ nông nghiệp tại TP HCM…
Hiện nay, Tây Giang đã có đề án phát triển vùng trồng nguyên liệu đẳng sâm lên trên 3.000ha tại các xã vùng khu 7; theo đề án phát triển cây dược liệu được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt từ năm 2017.
Tương lai không xa, cây đẳng sâm tạo đầu ra cho sản phẩm ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng biên cương này…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.
Đông Hà + Thanh Hoa
09:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.
Cao Sơn
07:05 12/12/2024TC
18:00 11/12/2024ĐT
14:46 11/12/2024Nam Dũng
12:43 11/12/2024Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải
Hoàng Long
Hải Hà