Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các công ty khai thác công trình thủy lợi cần mở rộng sản phẩm để chủ động vượt khó

Hoàng Nam

Thứ năm, 09/11/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Trong tất cả các công trình thủy lợi, từ khi làm quy hoạch cho đến giai đoạn thiết kế, thi công và quản lý vận hành, đều đặt ra định hướng là phát triển thủy lợi đa mục tiêu. Tuy nhiên, hiện nay, các công ty khai thác công trình thủy lợi ở các địa phương chưa có được những điều kiện tốt nhất để biến các công trình thủy lợi thành đa mục tiêu nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên, người lao động.

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Hoàng Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: Các công ty quản lý các công trình thủy lợi (công ty) trải khắp mọi miền của đất nước, nhưng đời sống của người lao động thì rất khó khăn.

Việc cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi phí được ra đời cách đây 11 năm ( theo quy định tại Nghị định số 67/2012/NĐ-CP), đã rất lạc hậu. Nếu chỉ tính mức độ trượt giá hàng năm là 7% thôi, thì sau 7 năm đã phải tăng giá cấp bù cũng như giá thủy lợi phí lên gấp đôi. Thực tế, sau 11 năm, đơn giá cấp bù thủy lợi phí cũng như giá thủy lợi phí hiện nay vẫn giữ nguyên như cũ.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều hộ gia đình, nông dân bỏ ruộng, không canh tác khiến cho diện tích ruộng bỏ hoang tăng lên. Những diện tích ruộng bỏ hoang này cũng khiến cho các công ty không thể thu được phí thủy lợi. Thêm vào đó là việc khai thác cát ở các dòng sông làm cho mực nước ở các con sông đã hạ thấp xuống nhiều so với trước đây, các công ty ở vùng đồng bằng sông Hồng vì thế lấy nước cũng khó khăn hơn, làm tốn thêm công sức, chi phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng cho công trình thủy lợi.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng gây ra nhiều áp lực cho các công ty, khi mà lượng xả thải vào các công trình thủy lợi ngày càng tăng lên.

Theo ông Học, ngành Thủy lợi cùng các cơ quan hữu quan cần tích cực đổi mới, đặc biệt là cần phải sớm có giải pháp xử lý vấn đề ô nhiễm đã đến mức “không thể chấp nhận được” của hệ thống Bắc Hưng Hải và hệ thống sông Nhuệ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người nông dân cũng như các địa phương ở cuối hệ thống các sông này.

Ông Học cho rằng, việc đầu tiên cần làm đó là cần phải có cơ chế, chính sách để tính đúng, tính đủ đối với giá thủy lợi. Vùng nào khó khăn thì cần quy định rõ về mức bù giá. Khi đó, các công ty sẽ được tính đúng, tính đủ giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, từ đó làm tăng trách nhiệm của các công ty trong công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo trì.

Một thực tế là ngành Thủy lợi làm công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng công trình thủy lợi để quản lý, vận hành nhưng lúc nào cũng lo lắng về sự an toàn của hồ đập, trong khi các ngành khác như thủy điện, du lịch, thủy sản… cũng sử dụng các công trình đó, nhưng họ đầu tư thêm vào thì lại mang về những nguồn thu lớn.

Ông Học cho rằng, các công ty cần phải năng động hơn, thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư, kêu gọi đầu tư để tăng nguồn thu cho đơn vị. Ông lấy ví dụ về mô hình lắp hệ thống năng lượng mặt trời trên mặt hồ, đã được ông nêu ra từ năm 2017. Với hệ thống năng lượng mặt trời lắp trên mặt nước, hiệu suất đem lại sẽ cao hơn so với lắp trên mặt đất từ 35% đến 57%, do phía dưới là mặt nước, sẽ không bị sức nóng ảnh hưởng như ở mặt đất. Và điều quan trọng là các công ty không phải mất chi phí thuê đất để lắp đặt, mà sử dụng chính diện tích mặt nước do mình quản lý.

Mặt khác, việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mặt hồ nước cũng sẽ làm giảm sự thoát hơi nước, từ đó giúp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước hơn.

Để triển khai được mô hình này, ngành Thủy lợi cần có sự thay đổi trong tư duy quản lý, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, từ đó tận dụng hệ thống hồ chứa, hệ thống kênh thủy lợi để mang về nguồn thu, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, người lao động trong công ty, ông Học hiến kế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

(Thanh tra) - Chiều 20/11, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, đồng thời dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc. Hội nghị do ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Bùi Bình

21:53 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm