Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng; tăng cường chủ động phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm như Vũ Quốc Hảo và đồng phạm “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vị”; “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… đã được khẩn trương, xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng. 

Tuy nhiên, số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình vướng mắc. Các cơ quan vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí đánh giá vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra, nhất là các vụ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. 

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp (chỉ trên 10%), “nhích” không đáng kể so với các năm. 


Ông Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đề nghị, cần xác định tham nhũng là giặc "nội xâm" để có biện pháp đấu tranh ngay từ đầu. Ảnh Thảo Nguyên

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đặt vấn đề, chỉ thu hồi được 10% tài sản tham nhũng thì 90% số tài sản còn lại không được thu hồi nghĩa là không xử lý triệt để được tội phạm?”. Đại biểu Bùi Trí Dũng (tỉnh An Giang) thì cho rằng, không thu hồi triệt để được tài sản tham nhũng thì sẽ khiến tham nhũng dễ dàng là giải pháp “hy sinh đời bố củng cố đời con” nên Chính phủ cần đánh giá thêm về nguyên nhân, cản trở đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nhất là trong việc thu hồi tài sản.

Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do các đối tượng phạm tội tham nhũng thường có nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản. Cùng với đó, thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng kéo dài dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hưu hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá, không thu hồi đủ số tiền thất thoát, chiếm đoạt. 

Còn ông Trần Đăng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48), Bộ Công an cho biết thêm, trước khi hành vi tham nhũng bị phát hiện thì tài sản tham nhũng đã được tẩu tán, thậm chí đối tượng đã trốn ra nước ngoài…

Ông Trần Đăng Yến đề xuất, để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, cũng như phòng, chống tham nhũng hiệu quả, không còn cách nào khác vừa phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, vừa phải tạo ra cơ chế để cơ quan điều tra sớm phát hiện hành vi tham nhũng. 
Ngành Thanh tra phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng tham nhũng

Các cơ quan hành chính Nhà nước đã triển khai 6.877 cuộc thanh tra hành chính và 150.932 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 31.510 tỷ đồng, 3.739,3 ha đất; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hơn 29.991 tỷ đồng và hơn 2.689 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 4.519 tỷ đồng, 1.050 ha đất; ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 1.552 tập thể, 2.753 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra hình sự 40 vụ, 47 đối tượng. Đến nay đã đôn đốc, kiểm tra 3.614 kết luận, thu hồi và xử lý hơn 9.935/15.184 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 65,4%, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013) và 1.763 ha đất.

Ngành Thanh tra cũng phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; đã thu hồi 46,9 tỷ đồng.

Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện KSND các cấp đã truy tố 329 vụ, 751 bị can về tội phạm tham nhũng. TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 287 vụ, 675 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013), trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 21,3% (năm 2013 là 31,2%).


Thảo Nguyên