Không đồng tình với các bình luận mang tính kích động, chia rẽ

Chiều nay (23/5), tại cuộc họp báo thường kì, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam về yêu cầu của phía Campuchia đề nghị Việt Nam hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ chưa đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việc một số tài khoản được cho là xuất phát từ Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội vừa qua không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa Nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước”.

Người Phát ngôn nhấn mạnh, trên cơ sở mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia, các cơ quan chức năng hai bên có các biện pháp thiết thực hiệu quả để giúp Nhân dân và thế hệ tương lai của hai nước hiểu rõ và đầy đủ về mối quan hệ này, đưa quan hệ hai nước phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, vì lợi ích của Nhân dân hai nước.

Trên tinh thần đó, “chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin trên nhiều lĩnh vực, trong đó có dự án kênh đào Funan Techo cũng như nghiên cứu về tác động xuyên biên giới của dự án, qua đó bảo đảm lợi ích hài hòa của các quốc gia và người dân sinh sống ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước sông Mekong", Người Phát ngôn nói.

Kiên quyết phản đối hành vi vi phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa

Tại họp báo, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết về phản ứng của Việt Nam trước các hành vi vi phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Phó Phát ngôn thông tin, ngày 15/5 vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc ban hành một quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6 tới đây. Theo đó, cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày đối với người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không qua xét xử.

Đối với những vụ việc phức tạp, thời hạn giam giữ có thể được kéo dài đến 60 ngày, sau khi được cơ quan hải cảnh cấp trên chấp thuận và cơ quan hải cảnh cấp tỉnh có quyền tự phê duyệt việc gia hạn thời gian giam giữ.

Ngay sau đó, các nhà lập pháp và quan chức Philippines phản đối vì cho rằng nó sẽ được áp dụng trên biển Đông.

Quan điểm của Việt Nam, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt cho biết, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử cũng như cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

“Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển cũng như các lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam, phù hợp với UNCLOS năm 1982 và luật pháp của Việt Nam”, Phó Phát ngôn nhấn mạnh.

Cho biết phản ứng, quan điểm của Việt Nam trước sự kiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 22/5 cho biết gần đây nước này đã đưa một tàu bệnh viện của hải quân đến các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để kiểm tra sức khỏe, điều trị cho các binh sĩ đồn trú tại các thực thể này, Phó Phát ngôn khẳng định: “Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hoạt động liên quan mà vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa”.

Thanh Thanh