+Bạch Thượng toạ, lịch sử Việt Nam đã khẳng định, vai trò ngoại giao tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Kế thừa và phát huy giá trị của công tác đối ngoại tôn giáo, GHPGVN đã có những chính sách gì góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước?

Thượng toạ Thích Đức Thiện: Ra đời vào thời kỳ đất nước xảy ra cuộc chiến tranh biên giới và sự cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, GHPGVN đã không ngừng đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái về đời sống tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch. Tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo thế giới trong đấu tranh ngoại giao bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tự do tôn giáo ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham dự lễ tắm Phật tại Đại lễ Vesak, tổ chức tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, năm 2019. Ảnh: Trà Vân 

Bước sang giai đoạn đổi mới của đất nước từ năm 1986 là thời gian bắt đầu nhiệm kỳ thứ II, GHPGVN đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Trong sự nghiệp đối ngoại nhân dân, GHPGVN tích cực đấu tranh để Mỹ ra quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có quan ngại về tự do tôn giáo, góp phần vào sự kiện Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam và nối lại bình thường hóa quan hệ.

leftcenterrightdel
Thượng toạ Thích Đức Thiện tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu tại Đại lễ Vesak, tổ chức tại chùa Tam Chúc, Hà Nam, năm 2019. Ảnh: Trà Vân 

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, GHPGVN đã xây dựng 9 ngôi chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam: Chùa Đảo Trường Sa Lớn, chùa Đảo Song Tử Tây, chùa Đảo Nam Yết, chùa Đảo Sơn Ca, chùa Đảo Phan Vinh, chùa Đảo Sinh Tồn, chùa Đảo Đá Tây A, chùa Đảo Trường Sa Đông, chùa Đảo Sinh Tồn Đông. Hàng năm, GHPGVN đã cử các vị sư tăng là thành viên Giáo hội ra trụ trì tại các ngôi chùa này, sống cùng với các chiến sỹ, quân và dân trên đảo để ngày đêm bảo vệ vùng biển chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên biên giới đất liền, Giáo hội đã xây dựng các chùa tại Bản Giốc, chùa tại Cửa khẩu Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng; chùa tại Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn; chùa tại Cửa khẩu Bắc Luân, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh… Đây là những cột mốc tâm linh chủ quyền quốc gia góp phần bảo vệ đất nước.

Năm 2014, trước sự xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, GHPGVN đã có những hành động rất sớm, quyết liệt, khẳng định chân lý chủ quyền của Việt Nam đối với vùng Biển Đông của cha ông ta lâu đời trong lịch sử.

Giáo hội đã tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong thời gian tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (7-11/5/2014) tại chùa Bái Đính, Ninh Bình khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế tại Biển Đông.

Thủ tướng Sri Lanka và đại biểu quốc tế là các lãnh tụ Phật giáo các nước, tăng ni, các giáo sư, học giả đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam.

Giáo hội đã chủ động tranh thủ sự đồng thuận của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak Liên hợp quốc đưa ra Tuyên bố Ninh Bình 2014 trong đó có điều khoản yêu cầu các nước trên thế giới phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tuyên bố Ninh Bình này được gửi tới Liên hợp quốc và đại sứ quán các nước tại Hà Nội, bao gồm cả Trung Quốc.

Thắng lợi ngoại giao này của GHPGVN đã được ghi nhận trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã có đánh giá tổng kết và ca ngợi tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của GHPGVN.

+ Kế thừa tinh hoa, truyền thống lịch sử của các vị Thiền sư, Quốc sư Phật giáo thời Lý - Trần đi sứ giúp nước, GHPGVN đã có nhiều đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của sự nghiệp đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ra sao, thưa Thượng toạ?

Thượng toạ Thích Đức Thiện: Ngoài các hoạt động có quy mô lớn như tổ chức Đại lễ Vesak, trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2021), GHPGVN đã đón, tiếp và làm việc với 47 đoàn quốc tế, bao gồm 17 đoàn Phật giáo quốc tế, 30 đoàn là lãnh đạo các quốc gia.

GHPGVN luôn chủ động trong mối quan hệ hữu nghị anh em với các tôn giáo bạn. Giáo hội đã tổ chức nhiều chuyến viếng thăm, làm việc, và chúc mừng trong các ngày lễ trọng của các tôn giáo như Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo; Hội Thánh Tin lành miền Bắc, miền Nam… Tịnh độ Cư sĩ, giao lưu với các Hội thánh Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo… Qua đó tăng cường tình đoàn kết tôn giáo, dân tộc và góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.

Năm 2008, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức từ 11 - 17/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 3.500 đại biểu đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ, với chủ đề: “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Năm 2014, GHPGVN đăng cai tổ chức Vesak Liên hợp quốc từ 7 - 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình có sự tham dự của 4.500 đại biểu đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ, với chủ đề: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”.

Năm 2019, GHPGVN đăng cai tổ chức Vesak Liên hợp quốc từ 12 - 14/5/2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

 

Trong hoạt động đối ngoại, giao lưu quan hệ Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương của Đảng và Nhà nước là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới.

GHPGVN đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp và vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

GHPGVN đã tham gia làm thành viên sáng lập của Ủy ban Phật giáo châu Á vì hòa bình có trụ sở tại Ulanbator, Mông Cổ.

GHPGVN cũng làm thành viên sáng lập của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới có trụ sở đầu tiên tại Colombo, Sri Lanka và bây giờ đặt tại Thủ đô Băng Cốc, Thái Lan.

GHPGVN còn làm thành viên sáng lập Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp; thành viên Hội Đệ tử Như Lai Tối Thượng (Sri Lanka); thành viên Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc; thành viên Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan; thành viên Hội Sakyadhita Thế giới; thành viên Tổ chức Liên minh Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ...

Có thể khẳng định, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, GHPGVN đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong các hoạt động giao lưu quốc tế. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao vai trò, vị thế của đất nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.   

Hàng năm, Giáo hội đã cử các thành viên tham dự hàng trăm hội thảo, hội nghị quốc tế. Giáo hội đã tổ chức Đoàn Đại biểu cấp cao GHPGVN thăm hữu nghị Phật giáo Campuchia, Phật giáo Lào, Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Myanmar, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và một số nước Phật giáo trong vùng Đông Nam Á và Tây Âu, châu Âu.

Đồng thời, tại Văn phòng Trung ương GHPGVN tại Hà Nội và Văn phòng Thường trực Trung ương GHPGVN tại TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua đã tiếp đón hàng trăm phái đoàn Phật giáo quốc tế, các tổ chức Phật giáo quốc tế.

Hoạt động đối ngoại và quan hệ quốc tế nổi bật nhất của GHPGVN là sự kiện tổ chức thành công 03 kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014, và 2019.

Vesak là sự kiện trọng đại được Liên hợp quốc ra nghị quyết là ngày lễ hội tôn giáo vì hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các thành viên đều tổ chức hàng năm. Sự kiện GHPGVN tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, giới thiệu về truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế của GHPGVN còn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao trong lĩnh vực đón tiếp các nguyên thủ quốc gia các nước khi đến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam đã thăm và làm việc với Giáo hội tại trụ sở GHPGVN, chùa Quán Sứ, Hà Nội và tại các chùa, cơ sở tự viện của GHPGVN.

Thành tích của GHPGVN trong công tác đối ngoại, quan hệ quốc tế còn được đánh dấu qua những đóng góp vào thành công trong các chuyến thăm hữu nghị cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các nước mà chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN tham gia đoàn và tham dự các phiên làm việc.

GHPGVN cũng có nhiều hoạt động từ thiện quốc tế cứu trợ các nước bị thiệt hại do thiên tai, động đất, sóng thần, bị ảnh hưởng nặng nề mới đây do đại dịch Covid-19… 

GHPGVN đã sáng tạo trong phối hợp công tác với các bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc Giáo hội đã ký kết phối hợp công tác hàng năm với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao để công tác chăm lo cho bà con người Việt ở nước ngoài đạt hiệu quả cao.

Trà Vân (Thực hiện)