Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xác định nền kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định

Thứ ba, 04/06/2013 - 21:11

(Thanh tra) - Hôm nay (4/6), theo chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở Hội trường về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh việc tiếp tục bày tỏ sự đồng tình cao về việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiều Đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý các vấn đề về quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp; về thành phần kinh tế được Hiến định...

Thảo luận về Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đa số ý kiến các Đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cho rằng: Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước, đến nay đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn, phức tạp và sâu sắc. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là phù hợp nguyện vọng của nhân dân cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành.
 

Hội đồng Hiến pháp có nên thành lập?

Hiến pháp hiện hành đã xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp thông qua các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, đặc biệt là Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành cơ bản phù hợp với tính chất và đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy của Nhà nước ta nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy cơ chế này chưa thực sự hiệu quả nên cần tiếp tục hoàn thiện. Do đó, trong Dự thảo đề xuất phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp - thể hiện nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đưa ra trình Quốc hội 2 phương án:

Phương án 1 - Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Phương án 2 - Thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo.
 

Góp ý vào Dự thảo, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (TP Hải Phòng) tán thành việc thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phương án 2. Đại biểu phân tích việc thành lập Hội đồng Hiến pháp - Điều 120 của Chương X: Trong những năm qua đã được giao cho các cơ quan của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước còn phân tán. Giao cho nhiều chủ thể cùng tiến hành nên hiệu quả kiểm soát đảm bảo việc thi hành các quy đinh của Hiến pháp, xử lý các vi phạm Hiến pháp trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa cao. Do đó việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, một cơ quan độc lập có chuyên môn cao để giúp đỡ Quốc hội xem xét kết luận tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Trung ương và địa phương ban hành là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Nhiên đề nghị phải trao cho Hội đồng Hiến pháp những công cụ mạnh mẽ hơn, nếu chỉ dừng lại ở hoạt động kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu tức là các hoạt động đó không có tính bắt buộc, chỉ là những ý kiến, quan điểm, đề xuất mang tính tư vấn, khuyến nghị thì hiệu quả sẽ không cao.
 

Khác quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) lại nhận định, chưa cần thiết tổ chức Hội đồng vì chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan Quốc hội, cồng kềnh bộ máy và hoạt động hiệu quả không cao.
 

Đồng tình với đại biểu Hồng, Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng cho rằng, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp không nên tổ chức, vì hiệu quả không có; hơn nữa Quốc hội vừa là người xây dựng Hiến pháp, vừa là người ban hành luật cho nên Quốc hội có thể làm được việc đó, còn Hội đồng Hiến pháp không có vị trí và không có chỗ đứng trong thể chế một Đảng của chúng ta

Kinh tế Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo?

Liên quan đến quy định về tính chất của nền kinh tế và các thành phần kinh tế Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp trình 3 phương án:

Phương án 1: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.
 

Phương án 2: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
 

Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
 

Việc xác định tính chất nền kinh tế đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định đối với định hướng phát triển Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, ở mỗi góc độ khác nhau các đại biểu đã phân tích, đề cập theo góc nhìn của mình.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thiên về phương án 3, khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế mà không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Đồng thời khẳng định mọi thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm chính xác theo ngôn ngữ pháp luật, đại biểu Lộc đề nghị sửa lại thành các chủ thể kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác, cạnh tranh, bình đẳng chứ không phải là các thành phần kinh tế hợp tác và cạnh tranh bình đẳng. Vì các thành phần kinh tế không phải là chủ thể kinh doanh theo pháp luật.

Ông Lộc cũng cho rằng, việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp vì về mặt lý thuyết khi đã nói đến cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật thì khó có thể nói đến thành phần kinh tế này là chủ đạo, thành phần kinh tế kia không là chủ đạo.

Về các hình thức kinh tế, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do vậy phải có một thành phần kinh tế giữ vai trò định hướng nền kinh tế đó phải là kinh tế Nhà nước. Ông Tám lý giải mặc dù chưa hiệu quả lúc này là do cơ chế quản lý kinh tế và năng lực quản lý điều hành chứ không phải do vai trò của nó. Khẳng định vai trò chủ đạo, định hướng của thành phần kinh tế Nhà nước là cần thiết và chỉ cần hiến định thành phần kinh tế Nhà nước này là đủ. Bởi vậy quy định như phương án 2 của dự thảo là hợp lý.

Cũng đồng tình với phương án 2, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), cho rằng về cơ bản ba phương án đó là thống nhất với nhau. Điểm khác biệt giữa các phương án chỉ là mức độ quy định cụ thể về vị trí, vai trò và xu hướng vận động của từng thành phần kinh tế. Do đó, việc quy định đối với các thành phần kinh tế phải đảm bảo ba nội dung, thứ nhất phải khẳng định được bản chất nền kinh tế của chúng ta, đó là kinh tế thị trường, đó là nền kinh tế nhiều thành phần. Thứ hai phải khẳng định được xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế đó là định hướng xã hội chủ nghĩa, và thứ ba là để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải có mục tiêu, phương tiện để thực hiện đó là gắn với vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu khác lại bày tỏ đồng tình cao với cách thể hiện của phương án 3. Theo đó "nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế", các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập như vậy là đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính khái quát và ổn định của Hiến pháp. 

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Bùi Bình

13:17 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm