Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội giám sát đầu tư công cho tam nông

Thứ ba, 05/06/2012 - 23:03

(Thanh tra) - Hôm nay (5/6), Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tập trung thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc ban hành chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đánh giá tình hình kết quả thực hiện. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị những chính sách pháp luật thực hiện đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo kết quả giám sát

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, giai đoạn 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống trên địa bàn nông thôn; công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội từng bước được bảo đảm; an ninh chính trị vùng nông thôn được giữ vững...

Bên cạnh kết quả đạt được, qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và kết quả giám sát tại chỗ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém chủ yếu như: Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với nhu cầu. Vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỷ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010.

Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế. Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật và pháp luật trong đầu tư chưa nghiêm túc, còn để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư; chưa thực hiện tốt cơ chế dân chủ và phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân trong tổ chức thực hiện đầu tư. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự nông thôn. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn rất khó khăn, chất lương hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí và đánh giá cao nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Báo cáo giám sát đã phần nào đem đến một cái nhìn toàn cảnh bức tranh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong xu thế chuyển đổi phát triển, nhất là những vấn đề liên quan đến luật pháp, chính sách quản lý điều hành vĩ mô, nguồn lực đầu tư, tất cả đã được đánh giá phân tích một cách toàn diện, không né tránh, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Thống nhất với nhận định của báo cáo là hệ thống văn bản, pháp luật, về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tương đối đầy đủ và có thể nói rất nhiều trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, vẫn thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển như chính sách khoa học công nghệ thúc đẩy thị trường chế biến nông sản để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) thì băn khoăn việc hiện nay nhiều chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nội dung chồng chéo, trùng lặp, trên cùng một địa bàn thực hiện nhiều chính sách với nhiều đầu mối quản lý. Không ít những chính sách, văn bản ban hành còn mang tính hình thức chưa sát với thực tế, triển khai thiếu đồng bộ nên rất ít tác dụng. Cụ thể như chính sách hỗ trợ vay vốn để đưa cơ giới vào đồng ruộng, giảm tổn thất sau thu hoạch, xét về bản chất là tốt nhưng chưa đúng lúc và chưa phù hợp với thực tế, nhiều vùng đồng ruộng chưa được cải tạo cơ bản hoặc có những vùng đã được cải tạo rồi nhưng lại bị băm nhỏ ra để chia đều nên chỉ có thể sử dụng máy móc nông cụ nhỏ, việc sử dụng máy móc hiện đại rất hạn chế, Vì vậy, đại biểu Thụy kiến nghị sớm ban hành và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách phục vụ đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, nhất là chính sách quản lý đất đai.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề tránh lãng phí dàn trải và chồng chéo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, phải chú trọng đến công tác quy hoạch. Đi đôi với việc phân cấp quyết định đầu tư và phân bổ nguồn vốn, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, chú trọng đến vùng nông thôn miền núi, địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trung tâm. Đồng thời, điều chỉnh và phân bố lại cơ cấu đầu tư công khắc phục tình trạng cơ chế xin cho, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng chương trình dự án được quyền tham gia giám sát chất lượng và tiến độ thi công các công trình, dự án. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, cần có đột phá về chính sách để thu hút khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Bổ sung thêm nội dung lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn vào trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, báo cáo giám sát chưa đề cập nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu vì đây là đội ngũ góp phần rất lớn trong việc thực hiện thành công các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu  Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhận định một tồn tại bao nhiêu năm nay là công tác giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia năm nào cũng chậm, rồi không khắc phục được. Nguyên nhân chính do cơ chế xin cho còn tồn tại. Tâm lý ban phát còn nặng, thủ tục hành chính còn rườm rà và cứng nhắc. Thường tới cuối quý II thì kinh phí mới tới các cơ sở, cuối tháng 11 thì Quốc hội đã họp xong rồi nhưng tới tháng 5 thì Chính phủ mới phân bổ ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia này cho địa phương. Do đó, việc chậm này chủ yếu vẫn do các thủ tục hành chính ở Trung ương và khi kinh phí tới chậm dẫn đến việc thi công vội vàng, chất lượng kém là khó tránh khỏi. Có công trình chưa thật phù hợp, thiết kế không phù hợp nhưng rất khó thay đổi vì thời gian không còn, dẫn đến lãng phí - đại biểu Hùng khẳng định. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Bùi Bình

13:17 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm