Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 05/01/2017 - 10:58
(Thanh tra)- “Chúng ta phải đấu tranh quyết liệt, tuyên chiến công khai với suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nếu không làm việc này ở thời điểm này một cách quyết liệt thì sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhân dân không vui với những suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, nhân dân giảm sút niềm tin thì đất nước sẽ chẳng có an ninh…”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
Khơi dậy tấm lòng của nhân dân
+ Bước sang năm 2017, nhìn lại quãng thời gian 360 ngày vừa qua, theo Chủ tịch, đâu là những dấu ấn mới, quan trọng của MTTQ trong việc gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Đánh giá MTTQ đã làm gì trong năm 2016 tốt nhất để nhân dân đánh giá. Còn về hoạt động có mấy sự kiện lớn phản ánh nỗ lực của của Mặt trận với sự lãnh đạo của Đảng phát huy đại đoàn kết dân tộc.
Hoạt động lớn đầu tiên và cũng là thách thức, là vận động tuyên truyền nhân dân tham gia bầu cử, bầu ra người lãnh đạo các cấp để lo cho mình, lo cho cái mà mình mong muốn, lo cho đất nước. Mặt trận đã giới thiệu những người đủ tài, đủ đức cho nhân dân lựa chọn, giám sát quá trình bầu cử, đảm bảo đúng tuân thủ pháp luật. Kết quả bầu cử rất cao, là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ Việt Nam.
Mặt trận cũng hình thành 1 đề án, 1 cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cho giai đoạn mới. Cuộc vận động được chuẩn bị bài bản, ý Đảng, lòng dân, Chính phủ có chương trình triển khai. Mặt trận và Chính phủ có chương trình phối hợp có chiều sâu thu hút tất cả nguồn lực của nhân dân, cũng như kết hợp giữa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Năm 2016, không may, nước ta có quá nhiều thiên tai. Khi xảy ra sự cố môi trường ở miền Trung, hạn hán xâm nhập mặn, Mặt trận cùng với 7 tổ chức khác đã ký chương trình phối hợp để vận động, cứu trợ đồng bào. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu, trong nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ 45 nghìn hộ và vận động được khoảng 80 nghìn tỷ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của 8 tổ chức đã khơi dậy tấm lòng của nhân dân và đạt được những kết quả rất tốt. Không phải chỉ 45 nghìn hộ mà 1.193 nghìn hộ đã được hỗ trợ, số tiền không phải 80 tỷ mà là 204 tỷ đồng.
Cùng với đó, Mặt trận tiếp tục triển khai những cuộc giám sát lớn như: Giám sát vận động nhân dân bảo đảm và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với tư vấn cho người khiếu nại, tố cáo...
Qua báo cáo, tất cả các tỉnh, thành, quận, huyện cả nước đã triển khai giám sát, phản biện. Đây là kết quả rất đáng mừng, rất đáng trân trọng vì có giám sát, phản biện người dân mới yên tâm, thấy được chính quyền thực sự vì dân và mình có tiếng nói góp phần giúp chính quyền ngày càng vững mạnh.
Cuối cùng, nói đến đại đoàn kết, chúng ta phải nhớ có một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó, có 500 nghìn lượt người về thăm đất nước năm vừa rồi. Chúng ta trân trọng tình cảm nhớ quê hương, giữ gìn văn hóa, đầu tư về nước… của kiều bào. Sắp tới, Mặt trận sẽ đẩy mạnh việc huy động đóng góp về trí tuệ của kiều bào cho sự phát triển đất nước.
+ Năm qua, vấn đề tôn giáo và sắc tộc ở trên thế giới có nhiều biến động. Ở Việt Nam, mọi người đều được sống trong môi trường tôn giáo hòa bình, ổn định. Xin ông chia sẻ về điều này?
- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Người Việt Nam theo tôn giáo nào cũng yêu nước, thương dân. Giáo lý của tất cả các tôn giáo đang tồn tại ở Việt Nam không có ai đi ngược lại giáo lý yêu nước, thương dân cả, đặc biệt là thương những người dân khó khăn. Công tác tôn giáo nước ta ngày càng được nước ngoài thừa nhận, đó là thành tựu, là cả quá trình lâu dài từ khi có Đảng, thống nhất đất nước đến nay, đây cũng là lĩnh vực Mặt trận các cấp rất quan tâm.
Vừa qua, lần đầu tiên, MTTQ đã ký chương trình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và 40 tôn giáo được công nhận về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình ký kết đó được sự chứng kiến của nhiều người nước ngoài, trong đó có nhiều đại sứ và họ thật sự ngạc nhiên, vui mừng, bảo rằng, không ngờ Việt Nam và 40 tôn giáo lại ngồi cùng được với nhau để bàn việc chung. Tôi cũng nói “chúc mừng ông thấy được điều đó nhưng hơi đáng tiếc là muộn quá. Chúng tôi thực tế đã ngồi với nhau từ lâu rồi”.
Các tôn giáo cũng đóng góp rất nhiệt tình để xây dựng Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Đây là sự kiện rất quan trọng. Sau khi luật được Quốc hội thông qua, 4 đại sứ ở Châu Âu đã chúc mừng và nói với tôi “một chế độ cộng sản, có được Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo như vậy bởi vì biết lắng nghe. Lúc đầu, chúng tôi sợ không lắng nghe, hóa ra vẫn lắng nghe, tổ chức nhiều cuộc như vậy có được luật tốt”.
Vừa qua, còn có nơi chính quyền chưa thực sự chia sẻ hết nhu cầu của các tôn giáo, nhưng theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chúng ta phải quan tâm hơn nữa. Sắp tới, Mặt trận sẽ có tổng kết việc các tôn giáo tham gia duy trì cơ sở từ thiện, chăm lo cho người nghèo, trẻ mồ côi… để xem cần có chính sách hỗ trợ gì.
Tôi nghĩ rằng, các tôn giáo sẽ ngày càng phát triển trên đất nước Việt Nam theo phương châm đồng hành cùng dân tộc và làm kinh tế thị trường.
Tuyên chiến công khai với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
+ Một trong những nhiệm vụ chính trị là đưa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” vào cuộc sống. Điều này gắn với công tác giám sát của Mặt trận như thế nào trong năm 2017, thưa Chủ tịch?
- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Sự ra đời của Nghị quyết khẳng định tính cấp bách mà chúng ta phải đấu tranh quyết liệt, tuyên chiến công khai với suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tinh thần nếu không làm việc này ở thời điểm này một cách quyết liệt thì sẽ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Nhân dân không vui với những suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, nhân dân giảm sút niềm tin thì đất nước sẽ chẳng có an ninh. Một trong những an ninh lớn nhất là tin tưởng vào đường lối phát triển và trong lòng dân tin tưởng, quyết tâm xây dựng bảo vệ chế độ.
Mặt trận triển khai Nghị quyết T.Ư 4 theo 2 tuyến. Thứ nhất, theo hệ thống Mặt trận cả nước, chúng tôi thông qua chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 tại hội nghị vào ngày 4/1/2017. Thứ hai, cơ quan Mặt trận các cấp cũng như tổ chức chính trị các cấp có chương trình hành động trực tiếp trong cơ quan mình.
Mặt trận xác định, phải làm cho việc giám sát, phản biện có một cơ sở pháp lý tốt hơn, giám sát hiệu quả hơn bằng cách Mặt trận sẽ phối hợp cùng với các Ban Đảng (Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo), cơ quan Nhà nước như Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện, Quyết định 218 về xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị những nội dung cần bổ sung cho 2 quyết định này để tạo thành cơ chế triển khai trong Đảng.
Đoàn Chủ tịch với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ có Nghị quyết liên tịch về triển khai công tác giám sát phản biện xã hội trong Mặt trận, các tổ chức thành viên. Nếu có Nghị quyết liên tịch thì đây là văn bản có tính chỉ đạo về mặt pháp luật. Có được điều này rất tốt vì yêu cầu đầu tiên của Nghị quyết T.Ư 4 đối với Mặt trận là phải hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác giám sát, phản biện.
Mặt trận cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ giám sát đã thống nhất với Chính phủ trong 5 năm. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát ở cơ sở, đó là các hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng. Đây là công việc không lớn ở địa phương nhưng góp phần làm yên dân, nâng cao hiệu quả.
Công việc lớn tiếp theo cần làm tốt hơn nữa là lắng nghe ý kiến, lấy ý kiến của nhân dân. Chúng tôi xác định Mặt trận và các tổ chức thành viên là nơi tiếp nhận phản ánh ý kiến của người dân về những biểu hiện suy thoái tự diễn biến, tự chuyển hóa. Mặt trận các cấp sẽ chọn lọc những ý kiến được sự quan tâm sâu sắc, có cơ sở kiến nghị thì chuyển sang cơ quan chính quyền các cấp để giải quyết. Còn những ý kiến nào rất đáng quan tâm nhưng có thể chưa đầy đủ cơ sở thì sẽ chuyển sang cơ quan của Đảng để nghiên cứu kết luận, xử lý. Khi có kết quả sẽ báo lại nhân dân biết.
Mặt trận cũng sẽ thường xuyên quan tâm đến thông tin báo chí phản ánh để phát hiện các hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, chọn lọc những sự việc nào rất quan tâm, có chứng cứ thì sẽ có kiến nghị với các cơ quan để giải quyết.
+Vấn đề cuối, xin Chủ tịch chia sẻ, những nội dung MTTQ sẽ thực hiện để thúc đẩy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng cả nước phát triển mạnh mẽ?
- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Chương trình có nhiều nội dung. Nói gọn lại là tiếp thu và phát huy những mô hình, phương thức đã làm thời gian qua, đặt mạnh yêu cầu chủ động, đổi mới của Mặt trận và các tổ chức thành viên, bám sát Nghị quyết mới của Đảng để phát huy đại đoàn kết. Mặt trận cũng như các tổ chức sẽ lắng nghe nhân dân và chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân.
+ Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Hương Giang (Ghi)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 12/12, Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống; đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
(Thanh tra) - Bên cạnh giảm khâu trung gian, xóa bỏ quan liêu bao cấp, quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống "chạy chọt", chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin - cho, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Hương Giang
15:07 12/12/2024Bùi Bình
13:17 12/12/2024Bùi Bình
12:33 12/12/2024Hải Hà
12:26 12/12/2024Chính Bình
12:25 12/12/2024Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà