Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 22/10/2012 - 09:16
Hôm nay, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII khai mạc. Cử tri cả nước đang hướng về kỳ họp này với hi vọng sẽ có những quyết sách hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn về kinh tế - xã hội.
GS.TS Đặng Đình Đào (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội)
Chờ đợi bước đột phá từ Luật đất đai
Cử tri Trần Đại Dũng (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM):
Có lẽ đây là dự luật sửa đổi được người dân kỳ vọng nhất trong kỳ họp sắp tới này. Cá nhân tôi mong muốn hai điều từ việc sửa đổi Luật đất đai. Thứ nhất, những bất cập về thời hạn giao đất, hạn điền, chính sách đền bù... sau gần mười năm áp dụng Luật đất đai 2003 sẽ được điều chỉnh. Có thể không triệt để, không thể làm hài lòng hết mọi người nhưng ít nhất những vấn đề được sửa đổi sẽ giúp người dân định hướng được lâu dài trên mảnh đất mà mình được quyền sử dụng. Mỗi người dân yên tâm nhìn xa trên mảnh đất của mình thì cả đất nước sẽ có tầm nhìn xa, phát triển ổn định và lâu dài.
Điều thứ hai tôi mong muốn Luật đất đai sửa đổi sẽ nhanh chóng đi vào đời sống, không bị những rào cản vô hình là hàng trăm văn bản hướng dẫn chồng chéo như hiện tại. Có một luật đất đai mới phù hợp, nhưng cũng cần một cơ chế thuận lợi để luật đi vào đời sống một cách dễ dàng.
Ngân hàng quay lưng với chúng tôi
Cử tri Nguyễn Hữu Nguyên (thành viên Hiệp hội Thủy sản An Giang):
Giá cá tra nguyên liệu cứ rớt thê thảm, người nuôi liên tục thua lỗ, từ đầu năm ngoái tới nay giá cá luôn thấp dưới giá thành sản xuất. Trong khi đó các chi phí sản xuất đều tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi cứ tăng hết đợt này đến đợt khác. Giá thành nuôi cách đây bốn năm chỉ khoảng 14.000 đồng/kg, giờ lên tới 25.000 đồng/kg. Vốn đầu tư cao, chúng tôi cần được tiếp sức thì ngân hàng lại... quay lưng. Họ giảm định mức cho vay xuống chỉ bằng phân nửa so với trước, hạn chế cho vay, thậm chí rất nhiều hộ bị ngưng cho vay. Gần đây, dù đã có chính sách hỗ trợ vốn, giảm lãi suất cho nông dân, nhưng chúng tôi vẫn rất khó vay ngân hàng. Đó là chưa kể lãi suất vẫn cao ngất ngưởng, nông dân chịu không nổi.
Cá tra là một sản phẩm đặc thù với lợi thế cạnh tranh rất cao, bởi chỉ ở ĐBSCL mới có. Chúng tôi là những người nuôi cá tra xuất khẩu góp phần đem lại ngoại tệ cho đất nước, giá trị xuất khẩu của nó gần tương đương giá trị xuất khẩu gạo mang lại. Thế nhưng tại sao chính sách hỗ trợ lại không đến được chúng tôi trong giai đoạn khó khăn này? Tại sao vậy? Do đâu?
Bao lâu nay giá cá nguyên liệu thường thấp dưới giá thành, do doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh nhau bằng cách chào bán giá thấp ở nước ngoài. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ, hàng loạt hộ nông dân trắng tay phải bỏ nghề. Chuyện này nhiều người biết, nhiều ngành biết. Sao vẫn tái diễn?
Nỗi lo lạm phát gia tăng
GS.TS Đặng Đình Đào (viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và phát triển Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội):
Chính phủ nói “một bộ phận” nhân dân đang gặp khó khăn nhưng thật ra là “đại bộ phận” người dân ở vùng nông thôn và người ăn lương đang lâm vào tình thế rất khó khăn với bối cảnh giá cả leo thang. Vào những tháng cuối năm 2012, khi mà cả nước bước vào những tháng lễ hội, tết dương lịch, âm lịch 2013, nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, theo đó chỉ số giá có thể sẽ tăng cao hơn so với đầu năm. Trong khi đó thu nhập thực tế lại không tăng, phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu, gas, điện, nước lại tiếp tục tăng mạnh. Tình hình này cho thấy lạm phát có thể gia tăng nếu không có giải pháp kiềm chế hiệu quả.
Để ổn định đời sống của nhân dân, tôi cho rằng trong những tháng cuối năm 2012 và 2013, cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng giá đối với những mặt hàng thiết yếu có tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện, nước, gas phải hết sức thận trọng, kiểm soát chặt chẽ và đứng trên lợi ích của người dân, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm.
Cử tri Nguyễn Hữu Lý (Trường tiểu học Phú Quý 2, Ninh Thuận):
Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2003, với hệ số lương 1,86, cộng cả phụ cấp 35%, sau khi trừ các khoản phí thời điểm đó tôi nhận được khoảng 800.000 đồng/tháng. Bây giờ, sau khi lấy được bằng đại học, cộng thâm niên, thu nhập của tôi khoảng 3,3 triệu đồng/tháng. Về cơ học, tiền lương của tôi đã tăng gấp bốn lần nhưng thực tế thu nhập của tôi không hề tăng, nếu không muốn nói chi tiêu còn khó khăn hơn so với lúc mới vào nghề.
Tôi xin dẫn chứng: thời điểm mới ra nghề xăng chỉ mới hơn 4.000 đồng/lít, bây giờ xăng hơn 23.000 đồng/lít, nghĩa là tăng hơn sáu lần. Không chỉ xăng mà hầu như giá cả các mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt, gấp nhiều lần so với chín năm trước. So sánh thực tế từ các đồng nghiệp trẻ mới ra trường, tôi thấy họ còn khó khăn hơn tôi chín năm trước rất nhiều.
Còn với tôi, bây giờ tôi có gia đình, con cái và phải lo tích lũy cho cuộc sống, sắm sửa vật dụng, xây dựng nhà cửa. Nên lương cứ tăng về danh nghĩa nhưng đời sống kinh tế của tôi ngày càng eo hẹp đi cho dù mức lương mà tôi đang nhận không phải thấp so với nghề giáo.
Cử tri Huỳnh Tuyết Hồng (P.15, Q.11, TP.HCM):
Tôi là cán bộ hưu trí, gia đình thuộc diện trung lưu nhưng vẫn bị tác động ghê gớm bởi giá cả tăng. Chất đạm trong bữa ăn ít dần, chủ yếu dành cho hai đứa cháu nhỏ. Ngay đến rau xanh cũng tăng giá chóng mặt trong thời gian gần đây. Báo chí thường nói công nhân, người nghèo chỉ ăn cơm với rau, trứng. Nhưng với giá cả như hiện nay thì ăn rau cũng đã khó.
Một kỳ họp chắc chắn không thể đưa ra ngay được những quyết sách để giải quyết một vấn đề rộng lớn như chuyện giá cả. Nhưng cử tri chúng tôi vẫn mong qua từng kỳ họp Quốc hội sẽ từng bước tháo gỡ được những vướng mắc cho người dân. Tôi cũng mong trong kỳ họp này Quốc hội sẽ tác động, góp ý kiến về vấn đề tiền lương cho Chính phủ. Nếu giá cả tăng mà năm 2013 hàng triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không được tăng lương thì đời sống sẽ khó khăn gấp bội.
Mong giảm và giãn thuế
Cử tri Nguyễn Văn Chương (giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Văn Chương, Q.3, TP.HCM):
Để hỗ trợ doanh nghiệp vơi bớt gánh nặng trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc giảm và giãn thuế là điều chúng tôi trông mong nhất. Tôi nghĩ điều này Quốc hội, Chính phủ có thể cân nhắc làm được ngay.
Đối với việc tháo gỡ đầu ra, ngành đồ gỗ nội thất chúng tôi phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thị trường địa ốc, xây dựng cũng như nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi lại đang mắc kẹt ở thị trường này. Do đó, hơn bao giờ hết chúng tôi cần có những chính sách khơi thông những tắc nghẽn tại lĩnh vực địa ốc, xây dựng. Khơi thông được điều này không chỉ cứu doanh nghiệp đồ gỗ mà nhiều doanh nghiệp cũng có thể được tháo gỡ khó khăn.
Cử tri Phạm Vân Anh (Công ty TNHH Mây Xanh, Q.3, TP.HCM):
Dự thảo sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân mà Chính phủ trình Quốc hội đã thay đổi về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế, đồng thời cũng nâng mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Đây là điều rất đáng mừng nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này. Tuy nhiên, tôi thấy trong dự thảo đề nghị áp dụng luật vào tháng 7-2013, theo tôi như vậy là quá lâu, nên áp dụng ngay vào đầu năm 2013. Nếu làm được điều đó chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực cho những người lao động, những người làm công ăn lương chúng tôi.
Theo TTO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.
Bùi Bình
13:17 12/12/2024(Thanh tra) -
Bùi Bình
12:33 12/12/2024Hải Hà
12:26 12/12/2024Chính Bình
12:25 12/12/2024Trần Lê
10:32 12/12/2024Hương Giang
23:28 11/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải