Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Yên Bái: Những vất vả và hy vọng tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở đất tại thôn Làng Át

Bùi Bình

Thứ tư, 25/09/2024 - 12:47

(Thanh tra) - Vụ sạt lở đất tại thôn Làng Át, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không chỉ mang lại nỗi đau mất mát về người và tài sản mà còn để lại một cuộc chiến dài với thiên nhiên để tìm kiếm người mất tích.

Các lực lượng tìm kiếm vẫn miệt mài đào bới các khu vực khả nghi. Ảnh: Bùi Bình

Sạt lở đất không còn là hiện tượng hiếm gặp ở các khu vực đồi núi của Việt Nam, nhưng mỗi khi xảy ra, nó vẫn mang theo những tổn thương sâu sắc. Thôn Làng Át, nơi mà các hộ gia đình phần lớn sinh sống nhờ nông nghiệp và lâm nghiệp, đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề như vậy. Những cơn mưa lớn liên tục trong nhiều ngày đã khiến lớp đất yếu trên đồi cao trượt xuống, cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn và làm 8 người chết, 1 người mất tích.

Những tiếng khóc xé lòng của người thân nạn nhân. Ảnh: Bùi Bình

Những tiếng la hét, những hình ảnh tang thương, những ánh mắt đẫm nước mắt của người vợ, người mẹ, người cha, người con chờ đợi tin tức về người mất tích đã khiến không khí làng quê nặng nề, những hình ảnh đó đã chạm vào trái tim của người dân địa phương và người dân cả nước.

Trong khi đó, công cuộc tìm kiếm người mất tích sau vụ sạt lở là một cuộc chạy đua với thời gian, ông Nguyễn Văn Chung, Chính trị viên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lục Yên cho biết, ngay khi xảy ra sự việc, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã huy động toàn bộ chiến sỹ trong đơn vị phối hợp cùng công an, quân sự xã và nhiều người dân địa phương tích cực tham gia công tác tìm kiếm.

"Huyện đã huy động máy móc cơ giới và các phương tiện cứu hộ tới hiện trường để giúp đào bới, nhưng địa hình đồi núi hiểm trở và khối lượng đất đá quá lớn đã cản trở rất nhiều đến nỗ lực cứu hộ", ông Chung nói.

Trong những ngày đầu, mưa lớn tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình, nguy cơ sạt lở tiếp tục diễn ra. Những người tham gia cứu hộ, từ lực lượng chức năng đến người dân địa phương, đều phải đối mặt với nguy cơ bị vùi lấp. Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, họ không dừng lại. Những nỗ lực ấy không chỉ là trách nhiệm, mà còn xuất phát từ tình người sâu sắc.

Địa hình bùn lầy ảnh hường nhiều đến việc triển khai máy móc đào bới. Ảnh: Bùi Bình

Anh Hoàng Văn Phúc, công nhân lái máy của Công ty Hồng Nam Yên Bái, người đã tìm thấy 5 nạn nhân mất tích cho biết, anh trực tiếp tham gia tìm kiếm ngay từ những ngày đầu tiên, công việc này không chỉ đòi hỏi sức lực mà còn là cả một quá trình đấu tranh với thời gian và hy vọng. Các máy móc hoạt động từ sáng tới đêm, không ngừng nghỉ, với mục tiêu cuối cùng là tìm được người còn sống hoặc ít nhất là thi thể của họ để gia đình có thể tổ chức tang lễ.

"Dù có vất vả, chúng tôi vẫn phải cố gắng vì mục đích giúp người", anh Phúc nói.

Hơn nửa tháng nay, không kể ngày đêm, chị Hoàng Thị Nhiên, vợ nạn nhân mất tích vẫn ra hiện trường mong ngóng tin chồng. Ảnh: Bùi Bình

Nhiều gia đình đã tổ chức các buổi cầu nguyện, mong rằng một phép màu nào đó sẽ đưa người thân của họ trở về. Mỗi khoảnh khắc hy vọng lại bị xé toạc bởi sự bất lực trước những đống đất đá khổng lồ. Tuy nhiên, đối với những người đang đi tìm người thân, chỉ cần một cơ hội nhỏ nhoi cũng đủ để tiếp thêm sức mạnh và lòng tin.

Hình ảnh trước và sau vụ sạt lở. Ảnh: Bùi Bình

Ông Hoàng Trung Trực, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Minh Xuân cho biết, quá trình tìm kiếm nạn nhân mất tích cuối cùng kéo dài hơn nửa tháng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trước hết, khối lượng đất đá tại hiện trường quá lớn và diện tích bị sạt lở rất rộng. Có những nơi đất lún sâu từ 7 - 8m, khiến cho việc tìm kiếm nạn nhân phụ thuộc phần lớn vào máy móc, nhưng điều này lại gặp hạn chế vì không thể di chuyển dễ dàng trong các khu vực bất ổn.

Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi và địa hình dốc cao cũng cản trở việc triển khai các thiết bị cứu hộ. Mặc dù các lực lượng cứu hộ đã ưu tiên tìm kiếm ở những khu vực khả nghi, nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi do tính chất phức tạp của địa hình và lượng đất đá khổng lồ.

Những ngày đầu có hàng trăm người của lực lượng cứu hộ và người dân tham gia tìm kiếm. Ảnh: Bùi Bình

Trong bối cảnh thiên tai không thể kiểm soát, điều duy nhất còn lại là sự kiên nhẫn và hy vọng. Những ngày sau thảm họa, nhiều người dân ở thôn Làng Át và các địa phương khác vẫn tiếp tục tự nguyện tham gia vào các hoạt động cứu hộ, dù biết rằng cơ hội tìm thấy người sống sót ngày càng mỏng manh. Sự đoàn kết của cả một cộng đồng đã trở thành nguồn sức mạnh giúp họ vượt qua những mất mát to lớn.

2 chiếc xe máy được tìm thấy với độ sâu 5m. Ảnh: Bùi Bình

Sáng 25/9, chó nghiệp vụ được huy động tìm kiếm nạn nhân mất tích. Ảnh: Bùi Bình

Thiên tai sạt lở đất tại thôn Làng Át đã mang đến nỗi đau mất mát và thử thách to lớn cho các gia đình và cả cộng đồng. Tuy nhiên, trong hoạn nạn, những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng cứu hộ và sự đoàn kết của người dân đã tạo ra một tia hy vọng.

Mong rằng với những nỗ lực ấy, những người mất tích sẽ được đưa về bên gia đình, và từ đó, chúng ta càng thấm thía hơn về giá trị của sự sống và lòng nhân ái trong mỗi con người.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm