Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xuân về, bà con Đan Lai vui lắm!

Trà Vân

Thứ năm, 12/01/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Từ chân đập Phà Lài, xã Môn Sơn, chiếc xuồng máy đưa đoàn phóng viên chúng tôi ngược dòng sông Giăng để đến với bản Cò Phạt của người Đan Lai ở lõi rừng Pù Mát. Tết đến sớm hơn với bà con nơi đây, khi đã có nhiều đoàn công tác của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đến chia vui, tặng quà cho họ.

Xóa hủ tục ngủ ngồi

Theo lời của ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, vào mùa này (tháng 1 đến tháng 3) dòng sông Giăng thật hiền hòa, thơ mộng. Đây là thời điểm bà con chuẩn bị đón Tết. Dọc hai bên bờ sông, trẻ em, người lớn tranh thủ giặt giũ, tắm rửa cho trâu bò, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Những gié lúa nếp được gặt về cất giữ vào gầm nhà sàn cùng với lá dong rừng được bà con chuẩn bị từ sớm để gói những chiếc bánh chưng đẹp, ngon nhất để cúng Giao thừa.

Đây cũng là thời điểm mà du khách thập phương đổ về với trải nghiệm du lịch sông đá. Gọi là sông đá vì chiếc xuồng máy này sẽ phải ngược dòng những con suối đá để lên được thượng nguồn, nơi tộc người Đan Lai sinh sống.

Chiếc xuồng bắt đầu vào những khúc suối gập ghềnh bởi lòng suối được lót vô vàn những tảng đá. Câu chuyện về tộc người Đan Lai vì thế cũng bị ngắt quãng bởi những khúc cua khiến con xuồng chao đảo.

Ông Ngân Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: Trước đây người dân chủ yếu đi dọc men theo bờ sông Giăng này để vào bản. Đi vào phải mất nửa ngày. Mùa mưa thì không thể đi được… Trước đây chỉ có bản Cò Phạt và bản Khe Búng giao lưu với nhau thôi vì đường giao thông rất khó khăn. Vậy nên nhiều hủ tục lạc hậu…

Sau hơn hai giờ ngược sông Giăng, chiếc xuồng máy cũng đã cập bờ để chúng tôi lên bản Cò Phạt, nơi có những câu chuyện về tục ngủ ngồi, tắm suối nước lạnh trẻ sơ sinh của tộc người Đan Lai.

Khi được hỏi về tục “thờ ma xó” của tộc người Đan Lai, ông La Văn Hiêu (vị cao niên bản Cò Phạt) dẫn tôi lên trên nhà sàn, nơi có bàn thờ của gia đình, ông nói từ lâu người Đan Lai không còn tục lệ thờ ma xó nữa, chỉ có bàn thờ tổ tiên ông bà.

Theo ông Hiêu, từ khi có đề án về bảo tồn tộc người Đan Lai của Chính phủ, người Đan Lai không còn sống du canh, du cư rải rác ở lõi rừng Pù Mát, mà được quy hoạch về bản Khe Búng và bản Cò Phạt. Cũng từ việc di dân sống tập trung về hai bản nên chính quyền có điều kiện đầu tư về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, từ đó cuộc sống của bà con có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cũng đã thay đổi. Không còn các hủ tục như đẻ ngồi, nhúng trẻ sơ sinh xuống suối, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cháu nội của ông Hiêu, được 3 tháng tuổi, không còn cảnh phải mang xuống suối để tắm nước lạnh như con ông thời xưa nữa.

Theo ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, được sự ủng hộ của đề án, người dân đã có thay đổi nhiều, có quân y, có địa điểm để khám bệnh chữa bệnh, cháu đẻ thì đến bệnh viện. Hiện nay phát triển, thay đổi hơn nhiều!

Cũng từ quy hoạch người Đan Lai sống tập trung ở bản Cò Phạt và bản Khe Búng, các tổ chức hội đoàn như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên được thành lập đã tích cực góp phần hỗ trợ người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Bà La Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân bản Cò Phạt, xã Môn Sơn chia sẻ: Hội góp phần quan trọng trong đời sống bà con. Ví dụ, trong lĩnh vực cấy cày, chúng tôi họp dân rà soát để có kế hoạch làm ăn. Không như thời xưa đi làm một mình bây giờ có kế hoạch thì cố gắng bảo các gia đình để làm ăn rất tốt. Khi có nhà ốm thì tổ chức hội huy động bà con xã viên đi cấy hộ, giúp đỡ họ… Rồi hội cử người đi học, có kỹ thuật thì hướng dẫn mọi người để nuôi trồng cho đúng kĩ thuật chăm bón…

Tộc người Đan Lai với Đề án 280

Cùng với việc quy hoạch người dân về sống tập trung ở bản Khe Búng và bản Cò Phạt, Đề án 280 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai di dời người Đan Lai ở lõi rừng Pù Mát về nơi ở mới, khu tái định cư xã Thạch Ngàn…

Rời bản Cò Phạt, xuôi dòng sông Giăng, chúng tôi đến với nơi ở mới của người Đan Lai… khu tái định cư thôn Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.  Hành trình di dời bà con Đan Lai đến nơi ở mới là câu chuyện không đơn giản vì những rào cản về tập tục. Với quyết tâm của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng nhập cuộc, bước đầu thành công trong việc thay đổi cuộc sống của người Đan Lai.

Anh Lê Văn Luông, thôn Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, cho biết: Di dời về đây khác hơn ở bên Môn Sơn. Sang bên này, đất đai, đường xá đi lại, làm ăn thuận tiện hơn. Ở quê cũ làm được ngôi nhà như thế này là rất khó, thậm chí những gia đình mới ra riêng, bố mẹ mà không có cho thì không thể làm được túp lều để ở trong vùng rừng quốc gia chỉ có tranh, tre, nứa, lá… Được Đảng, Nhà nước quan tâm cho mỗi hộ một ngôi nhà, chúng tôi rất vui mừng.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng Con Cuông, hơn 15 năm triển khai, đến nay Đề án 280 đã di chuyển được 77 hộ định cư tại Thạch Sơn và Bà Hạ của xã Thạch Ngàn. Các điểm tái định cư về kết cấu hạ tầng đã được đầu tư đảm bảo nâng cao đời sống cho người dân. Đầu tư được tuyến đường từ trung tâm xã vào bản dài 20km. Hệ thống nhà ở và điện đã được đầu tư cho người dân có điều kiện tiếp cận để phát triển kinh tế - xã hội.

Gia đình được cấp nhà, cấp đất canh tác, con cái được đi học gần nhà, không còn cảnh băng rừng vượt suối, cuộc sống ở khu tái định cư thực sự đã thay đổi nhiều so với trước đây sống ở lõi rừng Pù Mát. Chị La Thị Nguyệt, thôn Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông nói: “Ra ngoài ni (ngoài này) cũng phát triển hơn, con em đi học gần trường, hiện đại hơn ở trong kia đường khó đi. Chăn nuôi gần, phát triển, đi làm ruộng gần không khổ như ở trong kia. Ở đây gần nhà, gần đường làm ruộng ở ngoài này thì được nhiều hơn ở trong đó”.

Sau hơn 15 năm thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai, đến nay, hầu hết hộ gia đình ở các khu tái định cư đều có cuộc sống ổn định trong những ngôi nhà khang trang. Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đã cơ bản đảm bảo cuộc sống. Con em Đan Lai đều được đến trường, nhiều em đã học lên THPT và đại học.

Về nơi ở mới, bà con Đan Lai đang đổi thay tích cực từng ngày và tự tin hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em trong khu vực.

Những cành đào rừng đã bật nụ đón gió Xuân. Dưới căn nhà sàn, gia đình chị La Thị Nguyệt đang quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm. Hôm nay, cũng là một ngày đặc biệt, gia đình chị còn được các anh trong Đồn Biên phòng bản Búng đến cùng gói bánh, chung vui chuẩn bị mâm cỗ. Những người lính biên phòng đã có nhiều cái Tết xa quê để ở lại vùng biên với bà con Đan Lai. Đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm