Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xóa hủ tục ở “rốn nghèo”

Hải Phong

Thứ tư, 24/08/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Những hủ tục như: Thách cưới, đám ma rềnh rang, tảo hôn, hôn nhân cận huyết… nơi “rốn nghèo” xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng, nhiều năm liền là nỗi ám ảnh của đồng bào nơi đây.

Nhà thờ Đạ Tông - nơi có đông người M'Nông Gar cư trú. Ảnh: HP

Nhằm xây dựng một nếp sống văn minh tiến bộ, thời gian qua, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã vào cuộc, nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong việc đẩy nhanh quá trình xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong đời sống bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Điều đáng mừng là, hầu hết đồng bào ở đây đã nghe và làm theo lời cán bộ để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân và gia đình.

 Mỏi mòn vì tập tục

Xã Đạ Tông là một trong những “rốn nghèo” của huyện Đam Rông, nơi có trên 90% đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên sinh sống. Đam Rông có khoảng 1.805 hộ, 9.239 nhân khẩu; trong đó đa số người dân là đồng bào dân tộc Cil và M’Nông, có tín ngưỡng theo đạo Thiên chúa, Tin lành và Cơ đốc phục lâm. Trước đây, đời sống bà con hết sức khó khăn, trình độ dân trí người dân không đồng đều, còn thấp lại tồn tại nhiều tập tục lạc hậu; phương thức sinh hoạt, sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp.

Do Đạ Tông là vùng có nhiều đồng bào sinh sống, lại theo nhiều tín ngưỡng khác nhau nên đã duy trì nhiều tục lệ văn hóa cổ hủ, trở thành hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Đáng chú ý nhất, theo nhiều già làng và các bậc cao niên đã sống ở Đạ Tông, tại xã và nhiều vùng của tỉnh Lâm Đồng, tục “thách cưới” tồn tại đã lâu và ngày càng gây ra nhiều hệ lụy không đáng có. Các già làng cho biết, tục “thách cưới” ngày xưa khá đơn giản, nhẹ nhàng chủ yếu mang tính lễ nghi (có khi cặp gà, ché rượu cần, vài cặp vòng trang sức...). Song, đến nay có nhiều biến tướng mang hơi hướng thương mại. Hệ quả của nó gây ra sự tốn kém về vật chất, sự “khủng hoảng” về tinh thần và để lại hệ lụy lâu dài cho những gia đình nghèo.

Đa số các tộc người bản địa Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ, khi đến tuổi lấy chồng, người con gái chủ động đi tìm bạn đời và “bị” nhà trai thách cưới. Thường “giá sàn” đưa ra cho mỗi cuộc “thách cưới” thấp nhất hiện nay là từ 50 triệu, cao hơn có khi vài trăm triệu đồng. Nếu dâu, rể cùng làng, cùng xã, cùng một dân tộc, thì “giá” thách thường “mềm” hơn; còn nếu cô gái ở xã này, hay huyện này đi “bắt chồng” ở xã khác, huyện khác hoặc người dân tộc khác... thì giá cả cao hơn. Đặc biệt, nếu chàng trai có học hành cao (đại học trở lên), làm cán bộ, hoặc có bố mẹ làm cán bộ thì giá rất cao (có khi vài trăm triệu đồng)...

Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông chia sẻ: “Để lấy được chồng, người con gái dân tộc phải lao động cực nhọc, dành dụm suốt một thời gian khá dài mới mong đủ tiền...”.

Ông lắc đầu ngao ngán: “Dù đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều rồi; song, tục “thách cưới” ở xã Đạ Tông, cũng như nhiều xã đồng bào dân tộc khác vẫn còn rất nặng nề...”.

Lãnh đạo xã Đạ Tông cũng chia sẻ thêm, chính sự tồn tại của các hủ tục trong nhiều năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, kể từ năm 2015, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt nhằm bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời, giữ gìn và phát huy các truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp trong đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Xác định rõ để thay đổi tập quán của người đồng bào thì vấn đề cốt lõi đó là làm sao để từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng của họ. Chính vì vậy, xã Đạ Tông đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục, tập quán lạc hậu, hướng bà con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Cụ thể, các ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể xã Đạ Tông đã thực hiện và lồng ghép với các cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đơn cử, Trạm Y tế xã sẽ thông qua các đợt tiêm phòng, khám bệnh... tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết, con cái sinh ra mắc nhiều bệnh tật; Ban Tư pháp xã không thực hiện đăng ký kết hôn cho những trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn; Hội Phụ nữ tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân, gia đình; Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... đều nhắm vào đối tượng hội viên của mình để thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề...

Anh Rơ Ông Ha Dăn chia sẻ: Nghe theo lời tuyên truyền của cán bộ cũng như bản thân cũng ý thức được việc quá nhiều thủ tục tổ chức đám cưới theo nghi thức truyền thông không còn phù hợp, nên anh và vợ mới cưới đã cùng gia đình hai bên đã thống nhất tổ chức đám cưới đơn giản. Gia đình nhà trai có thách cưới nhưng đó chỉ là thủ tục chứ không nặng nề và giá trị quà thách cưới nên gia đình hai bên thoải mái, vui vẻ.

Cuộc sống hết khốn khó, trẻ em Đạ Tông đến trường

Chăm lo xây dựng đời sống, phát triển kinh tế

Song song với việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đồng bào ở Đạ Tông tham gia phát triển kinh tế.

Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Từ khi thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư dành nhiều nguồn lực hỗ trợ nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển, giá trị sản xuất tăng, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ. Thời gian tới, huyện đề xuất giải pháp tăng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế để tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Trường hợp anh Rơ Jê Ha Mi ở thôn Chiêng Cao Cil Múp là một điển hình của đồng bào vươn lên thoát nghèo nhờ chính nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với điều kiện, lợi thế trong việc trồng trọt, đất đai, sông suối nhiều thuận lợi cho tưới tiêu nhưng với tập quán canh tác từ xưa đến nay bà con xã Đạ Tông chỉ chủ yếu trồng cây bắp, lúa, cà phê theo phương thức truyền thống, giá trị kinh tế không cao.

Anh Rơ Jê Ha Mi đã suy nghĩ, phải tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương để “đổi đời”. Sản phẩm anh làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết đến đó.

Từ hiệu quả mô hình trồng rau của mình, anh Ha Mi còn nhiệt tình, hướng dẫn bà con những kinh nghiệm trồng rau, củ quả. Hiện nay đã có một số bà con quanh vùng chuyển đổi trồng rau, anh bao tiêu sản phẩm cho họ.

Xác định rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy và chính quyền, những năm qua, Đảng bộ xã Đạ Tông đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp, cải thiện đời sống của người dân. Với đặc thù là xã chuyên sản xuất về nông nghiệp mà chủ yếu là cây cà phê, lúa và hoa màu; nên công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân được xã Đạ Tông quan tâm thực hiện, thông qua việc tăng cường chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thay bằng các giống cà phê cao sản, bò lai sind, các loại cây ăn quả có năng suất và phù hợp với tính chất đất trên địa bàn xã. Đồng thời, thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng dâu nuôi tằm, trồng rau, trồng bưởi da xanh... qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Với những nỗ lực của đồng bào nhân dân cũng như chính quyền địa phương, bức tranh nông thôn xã Đạ Tông hiện nay đã có nhiều gam màu tươi sáng. Đến nay, xã Đạ Tông đã đạt 17/19 tiêu chí, đạt 89,47% về xây dựng nông thôn mới theo quy định. Hoạt động kinh tế nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh tăng năng suất; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm không ngừng được xây dựng và củng cố; về cơ bản xã Đạ Tông đã xóa nhà tạm cho hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân; các giá trị văn hóa thôn, xóm được bảo tồn; quốc phòng - an ninh được giữ vững và ổn định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm