Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vượt “bão” Covid-19, tăng tốc mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Trần Kiên

Thứ sáu, 06/08/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đó là nhờ sự nỗ lực, “tăng tốc” và quyết tâm cao của toàn ngành BHXH Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngành BHXH Việt Nam tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH bằng nhiều giải pháp linh hoạt (Ảnh: Báo Lai Châu)

Vượt lên khó khăn

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khiến số lượng người lao động bị ảnh hưởng về việc làm tăng lên. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý I, số lao động bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tăng thêm 3,7 triệu người, còn số lao động thất nghiệp tăng lên hơn 100.000 người, hiện là gần 1,2 triệu người.

Trên thực tế, lực lượng lao động là đối tượng chính tham gia BHXH, BHTN nên số người bị ảnh hưởng việc làm tăng dẫn đến số người nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp cũng tăng.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành giải quyết cho 561.570 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020; hơn 340.000 người mới hưởng trợ cấp BHTN, tăng hơn 41.000 người. Đây là khó khăn lớn của ngành BHXH trong quá trình thực hiện mục tiêu mở rộng số người tham gia chính sách.

Tỷ lệ thuận với số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tăng là số doanh nghiệp (DN) không đủ khả năng đóng BHXH cho người lao động cũng tăng lên. Trong nửa năm đầu 2021, các cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và Tử tuất cho 1.847 đơn vị, DN, gồm 192.503 lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 786 tỷ đồng.

Cùng với đó là nguồn thu BHXH bị ảnh hưởng. Tổng nguồn thu trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 195.100 tỷ đồng, bằng 45,23% kế hoạch được giao. Còn số nợ đóng BHXH chiếm tỷ lệ cao, bằng 5% so với kế hoạch phải thu...

Vượt lên những khó khăn đó, tính đến ngày 5/7, toàn quốc ước có 16,17 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,49% lực lượng lao động), trong đó có 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 509.817 người so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng tăng 3,52%); 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 466.586 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 65,89%).

Cả nước ước có 87,5 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 2,23%), đạt tỷ lệ 89,63% dân số.

Nói về các con số phát triển đối tượng tham gia BHXH trên, Trưởng ban Quản lý thu - sổ - thẻ Dương Văn Hào cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, “những con số tăng trưởng trên cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành BHXH Việt Nam”.

Triển khai nhiều giải pháp linh hoạt

Năm 2021, cả nước phấn đấu có số người tham gia BHXH đạt 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện đạt 32,49%). Như vậy, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng cần tăng thêm gần 2,7% số người tham gia BHXH, tương ứng hơn 1 triệu người.

Để hoàn thành mục tiêu này, ngành BHXH tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Trong quá trình khai thác, phát triển mới đối tượng tham gia, các cơ quan chức năng vận động người dân lựa chọn BHXH tự nguyện. Đây là đối tượng có tiềm năng lớn, vì cả nước còn gần 30 triệu người chưa tham gia BHXH.

Theo đó, phấn đấu đến cuối năm, cả nước tăng thêm hơn 500.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia chính sách này lên 1,7 triệu người (hiện là 1,17 triệu người).

Từ kinh nghiệm triển khai, Giám đốc BHXH huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) Trần Văn Hoan cho hay, “việc thường xuyên tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin giúp người lao động tự do biết đến chính sách BHXH nhiều hơn, đầy đủ hơn. Toàn huyện Chương Mỹ hiện có hơn 2.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng cao so với những năm trước và đã hoàn thành kế hoạch của năm 2021”.

Đáng chú ý, ngành BHXH cũng tập trung triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm đúng đối tượng.

Giải pháp này được kỳ vọng giúp người lao động ổn định việc làm, không phải rời khỏi hệ thống BHXH. Là lao động bị ảnh hưởng sâu về việc làm, đón nhận thông tin này, chị Nguyễn Thị Liên (thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh) phấn khởi, “nếu thuộc đối tượng được hỗ trợ, tôi sẽ tham gia học nghề, hy vọng có việc làm ổn định hơn”.

Về lâu dài, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia BHXH cho các tỉnh, thành phố; mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm người chưa tham gia để tập trung khai thác, tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với DN nợ đóng, chậm đóng BHXH.

Để đảm bảo quyền lợi người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia cho người lao động.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện các giao dịch liên quan đến BHXH...

“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta trong giai đoạn này là đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia”, ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm