Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Từ thiện là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Kim Thanh

Thứ ba, 02/11/2021 - 22:18

(Thanh tra)- Trong suốt chặng đường 40 năm thành lập, phát triển, và hội nhập, từ thiện, đảm bảo an sinh xã hội luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội.

Các tăng, ni, Phật tử TP HCM phát nguyện tham gia hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: phatgiao.org.vn

Từ thiện xã hội và công tác an sinh xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo tăng ni, Phật tử và các chùa, tự viện các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với 50 cơ sở.

Giáo hội hiện có trên 150 Tuệ Tĩnh đường, hơn 655 phòng chẩn trị y học cổ truyền dân tộc, 1 trung tâm khám đa khoa Tây y hoạt động có hiệu quả. Hàng năm khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân. Các Ban Trị sự các tỉnh đang tổ chức 12 lớp học tình thương; 49 cơ sở trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, phục hồi chức năng, nuôi trẻ em ảnh hưởng chất độc màu da cam; 15 trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn; 2 trường dạy nghề đào tạo các nghề phổ thông cho hàng nghìn học viên mỗi năm; Trung tâm Tư vấn người nhiễm HIV/AIDS… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả.

Bên cạnh hoạt động từ thiện nuôi dạy trẻ mồ côi và chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn trong cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước.

Hoạt động từ thiện xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của Phật giáo, mà còn là một hành động quan trọng có chức năng hỗ trợ xã hội của Phật giáo. Ảnh: Internet

Giáo hội tích cực tổ chức các hoạt động thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ để chia sẻ, giúp đỡ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra và các trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và trao tặng quà với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ hằng năm có nhiều hoạt động thiết thực trợ giúp thương binh, gia đình liệt sỹ, cựu thanh niên xung phong và người có công với cách mạng; tổ chức các chương trình tri ân các anh hùng liệt sỹ, hoạt động về nguồn, giúp đỡ đồng đội...

Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc…

Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tập trung nguồn lực ủng hộ trong cuộc chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020 và đầu năm 2021.

Hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hàng trăm tỷ đồng.

Tăng, ni, Phật tử đã cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các siêu thị 0 đồng, ATM gạo, lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhu yếu phẩm… đã được chuyển đến các khu cách ly, vùng tâm dịch…

Giáo hội cũng đã mua các trang thiết bị y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn, kít thử Covid-19, máy thở, máy tạo ô xy, phòng áp lực âm… ủng hộ các cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC các tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Long An, Bình Dương…

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao và ủng hộ chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hàng trăm tỷ đồng hàng hóa nhu yếu phẩm được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trao cho Mặt trận Tổ quốc các địa phương, cứu trợ cho đồng bào khó khăn, đối tượng yếu thế, cũng như ủng hộ các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, tình nguyện viên nơi tuyến đầu chống dịch.

Giáo hội đã trao và ủng hộ chuyển vào tài khoản Quỹ Vắc xin của Chính phủ 3,5 tỷ đồng. Ủng hộ 10 máy thở đa năng cho TP Hồ Chí Minh, Long An và Bình Dương, ủng hộ cho tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Bệnh viện K… trị giá hàng chục tỷ đồng.

Nhiều tăng, ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch và đang phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều chùa được sử dụng làm nơi cách ly cho bệnh nhân Covid-19, là nơi nghỉ của tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.

Tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện đang nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch” trong những ngày này để chung tay chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình an.

Với tư cách là thành viên sáng lập và thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn thực hiện công tác cứu trợ quốc tế như cứu trợ nhân dân các nước Đông Nam Á bị sóng thần, đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị thiệt hại tài sản và nhân mạng do động đất và sóng thần, trận động đất tại Nepal.

Trung ương Giáo hội cũng đã gửi thư chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và lãnh đạo Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Camphuchia, Nepal về những thảm họa do thiên tai và sự cố tai nạn tại Lễ hội Té nước của đồng bào Campuchia tại đảo Kim Cương...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyên tặng Liên minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Lào các phần gạo và mỳ để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: bienphong.com.vn

Ủng hộ Chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ, Nepal trang thiết bị, vật tư y tế trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa xảy ra.

Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như: Xây dựng các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em, trường nuôi dạy trẻ em bất hạnh, khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam cũng được nhân rộng và phát triển đúng hướng, góp phần làm giảm bớt gánh nặng cho gia đình các em và cho xã hội.

Xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn, xe lắc cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà Tết, quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa… đều được các thành viên Ban Từ thiện xã hội Trung ương, các tỉnh, các cơ sở tự viện, tăng, ni, Phật tử tích cực tham gia.

Với việc tham gia công tác xã hội từ thiện tích cực, nhiệt tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã góp phần “ích đạo lợi đời” tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm tăng thêm bản chất tốt đẹp vốn có của người con Phật. Giáo hội đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần với Nhà nước trong việc thực hiện an sinh và đảm bảo công bằng xã hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất