Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tập trung nhiều giải pháp chống hạn hán

N. Phó

Thứ ba, 04/06/2024 - 13:42

(Thanh tra)- Trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng nay, gây hạn hán khốc liệt trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã sớm xây dựng kế hoạch chống hạn và nhiều giải pháp nhằm cứu nguy cây trồng, vật nuôi của người dân.

Nắng nóng kéo dài gây hạn nặng trên địa bàn Ninh Thuận. Ảnh: P.S

Theo thống kê mới nhất, tổng dung tích 23 hồ chứa nước trên địa bàn Ninh Thuận hiện còn 156,68 triệu m3, chiếm 37,51% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ chứa Đơn Dương chỉ còn 83,39 triệu m3/165 triệu m3, lưu lượng nước vào hồ 12,12m³/s và đang xả nước với lưu lượng 4,85m³/s.

Có 2/23 hồ đã hết nước (hồ CK7 và hồ Ông Kinh), 3/23 hồ đã xuống mực nước chết (hồ Sông Biêu, hồ Suối Lớn và hồ Bầu Ngứ), 2/23 hồ sẽ hạ thấp đến mực nước chết... Hạn hán chưa xảy ra thiệt hại trong sản xuất và chưa thiếu nước sinh hoạt, nhưng có nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bác Ái và Ninh Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) nguồn nước thiếu để tưới cho vườn cây ăn trái 200ha của các hộ dân tại khu vực Cầu Khỉ (thôn Lâm Hòa), khu vực dọc theo suối Gia Chiêu (thôn Lâm Bình), Suối Le (thôn Lâm Bình và Lâm Phú).

Nguồn nước tưới cho các khu vực trên lấy từ suối Gia Chiêu và các con suối nhỏ lân cận, tuy nhiên thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm nguồn nước tại các suối khô cạn, không còn để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Hiện tại, đang là mùa ra hoa, đậu quả của các vườn cây ăn trái, với tình hình thiếu nước như hiện nay sẽ ảnh hưởng tiến trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và năng suất thu hoạch về sau.

Nếu nắng nóng kéo dài tiếp nữa thì 300ha mía ở khu vực Suối Mây 1, 2, 3, Sông Dầu 2, lô 20, xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) cũng bị thiếu nước tưới. Cây mía đang ở giai đoạn đầu sinh trưởng, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, đẻ nhánh của cây.

Hạn hán ảnh hưởng đến vật nuôi của người dân. Ảnh: P.S

Để tập trung chống hạn, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 1655/KH-UBND về ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nên sản xuất vụ Hè - Thu tổ chức dừng sản xuất 7.589,5ha; trong đó, lúa 2.692ha và cây màu 4.897,5ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 74 ngày 25/4/2024, về ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở phối hợp với các ngành, địa phương tập trung vào nhiệm vụ chống hạn, triển khai quyết liệt công tác ứng phó hạn trên tất cả các lĩnh vực; trong đó ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân, nước uống cho vật nuôi và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nước tưới cho cây trồng lâu năm.

Sở chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố nếu xảy ra, giảm thiểu mất nước. Thường xuyên bảo dưỡng thiết bị, dự phòng thêm một số máy bơm ở các trạm để tăng công suất, bơm nước ở các hồ dưới mực nước chết; chú trọng bảo dưỡng nhà máy nước thô Kênh Nam, Kênh Bắc; phối hợp các địa phương theo dõi và đề xuất giải pháp dự trữ nguồn nước trên sông suối nhỏ…

Sở đề ra giải pháp nạo vét, đào mới ao chứa nước, trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để giải quyết thức ăn cho đàn gia súc; có kế hoạch di chuyển đàn gia súc đến các khu vực thuận lợi về nước uống, các hồ chứa nước bị cạn kiệt tuyệt đối không cho gieo trồng.

Nhiều diện tích đất phải dừng sản xuất vụ Hè - Thu 2024. Ảnh: P.S

UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác Ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn năm 2024 trên địa bàn, do ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Thành lập 3 tổ thường trực kiểm tra và vận hành đảm bảo công tác ứng phó tình hình hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

Nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo là, tập trung giải quyết kịp thời nguồn nước cho người dân và nước uống cho gia súc. Trong đó, ưu tiên tạo các nguồn nước bảo đảm phục vụ đủ nước uống, nước sinh hoạt cho Nhân dân.

Trước mắt, tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ và nguồn nước mặt được tích trữ tại các hồ đập theo hướng tiết kiệm.

Các địa phương tập trung chăm sóc các loại cây trồng, tổ chức thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân 2023 - 2024; kết hợp thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, tổ chức gieo trồng vụ Hè - Thu 2024 đúng theo kế hoạch đề ra; kiên quyết không tổ chức tưới những diện tích gieo trồng ngoài kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đã tổ chức nhiều buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó hạn hán tại một số khu vực trên địa bàn huyện Ninh Phước và Thuận Nam và chỉ đạo các địa phương nắm bắt kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn và chủ động phối hợp với sở, ngành triển khai các giải pháp ứng phó theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian qua.

Hiện nay, trên địa bàn Ninh Thuận có mưa rải rác, lượng mưa không nhiều. Theo dự báo tình hình nắng hạn sẽ kéo dài; nguồn nước sắp đến chủ yếu phụ thuộc vào nguồn mưa, lũ tiểu mãn, do vậy tình hình khô hạn trong thời gian tới hết sức khốc liệt.

Tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo ưu tiên lượng nước tại các hồ chứa để cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc, cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các lĩnh vực thiết yếu khác... Đồng thời rà soát, dự báo, tiên lượng tình hình thiếu nước, đặc biệt là việc thiếu nguồn nước sinh hoạt cho người dân, thiếu nguồn nước cho chăn nuôi; tính toán nhu cầu, kinh phí cần hỗ trợ để ứng phó hạn hán, nhu cầu hỗ trợ để thực hiện các giải pháp với tinh thần không để người dân thiếu nước sinh hoạt…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm