Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 14/09/2017 - 15:51
Chiều tối 15/9, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị với cấp 11, 12; giật tới cấp 15.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lúc 10h ngày 14/9, vị trí tâm bão Doksuri nằm trên khu vực biển quần đảo Hoàng Sa và chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình khoảng 600 km về phía Đông. Cường độ của bão mạnh cấp 11, tăng hai cấp so với một ngày trước.
Họp trực tuyến về ứng phó bão Doksuri, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, khoảng chiều tối 15/9 bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với cấp 11, 12, giật tới cấp 15.
Theo ông Cường, bão sẽ gây mưa rất lớn, từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi có thể mưa đến 300 mm. Dự báo từ Quảng Ninh đến Quảng Bình nước biển dâng một mét, có nơi dâng tới 2-3 mét.
UBND tỉnh Hà Tĩnh chiều 13/9 đã họp với các huyện, truyền thông điệp chống bão với tinh thần khẩn trương nhất và cấm biển từ chiều cùng ngày.
Phó chủ tịch UNBD tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho hay, với bão cấp 12 thì tỉnh phải di dời hơn 28.000 dân tại 13 huyện, thị xã. “Chúng tôi đã điểm danh từng địa bàn, từng điểm có dân phải di dời. Các điểm như cửa sông, khu vực lũ quét với khoảng 10.000 dân sẽ được di dời trong hôm nay”, ông Sơn cho biết.
Quảng Bình còn gần 300 tàu ngoài khơi và tất cả cam kết vào bờ trong ngày 14/9. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài xác định cần phải di dời hơn 20.000 hộ dân, nên đã phân công các lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách từng địa bàn.
“Khó khăn lớn nhất là những tàu công suất trên 300 CV không có chỗ neo đậu, kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ đầu tư”, ông Hoài nói.
Nghệ An đã cấm biển từ sáng 14/9 và đang kêu gọi gần 900 phương tiện vào bờ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết tỉnh đã thu hoạch 100% lúa hè thu, còn lúa mùa mới thu hoạch được 30%.
“Tỉnh có hơn 600 hồ lớn nhỏ, các hồ đều đảm bảo an toàn, tuy nhiên, nếu bão gây mưa lớn thì có thể gây nguy hiểm, vì vậy, tỉnh đang tập trung lực lượng để có giải pháp xử lý", ông Đường nói và kiến nghị Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều tàu cứu hộ có công suất lớn vào cảng Cửa Lò để sẵn sàng vào cuộc khi cần thiết.
Khuyến cáo hạn chế lưu thông trên Quốc lộ 1
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng 14/9, các tỉnh từ Quảng Ninh-Khánh Hoà đã kêu gọi, kiểm đếm với gần 70.000 phương tiện tàu thuyền biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Số tàu thuyền còn hoạt động trong khu vực ảnh hưởng, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa là trên 4.600 tàu với gần 20.000 lao động.
“Hiện còn 4 tàu thuyền chưa nắm được thông tin và chưa liên lạc, lực lượng chức năng đang tiếp tục kêu gọi”, ông Nam cho biết và đề nghị các cơ quan chức năng cần cảnh báo hạn chế phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1, hạn chế đi vào khu vực bão để tránh rủi ro thiệt hại.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cho rằng tàu thuyền vãng lai "cũng rất đáng lưu ý". Đây là số tàu thuyền không hiểu luồng lạch, quy luật nên các tỉnh cần có biện pháp chủ động; đồng thời đảm bảo an toàn cho khách du lịch không chỉ các huyện đảo mà cả khách du lịch ở ven biển.
Cũng theo ông Cường, những tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng không được chủ quan, vì đây là tháng triều cường cao nhất trong năm, và cũng là những ngày triều cường cao nhất trong tháng, vì vậy rất cần các giải pháp tại chỗ cho đê biển từ lực lượng, phương tiện và phương pháp xử lý.
Bộ trưởng Nông nghiệp cho rằng Quốc lộ 1 là “yết hầu” về giao thông khi bão đổ bộ, do đó Bộ Giao thông cần có phương án để sẵn sàng ứng phó.
Nhấn mạnh bão Doksuri là cơn bão mạnh nhất vài năm qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nếu không ứng phó kịp thời, hậu quả sẽ rất lớn.
“Tôi yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển, từ kiểm đếm đến di chuyển tàu thuyền khỏi các khu vực nguy hiểm. Trong ngày 14/9 phải thực hiện đồng loạt cấm biển”, ông Dũng chỉ đạo.
Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung thu hoạch lúa, hoa màu tại những vùng bị ảnh hưởng; hướng dẫn, hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn cho lồng bè, nhà nổi.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung sơ tán triệt để người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Kiên quyết sơ tán, cần thiết phải cưỡng chế, không để người dân còn ở trên lồng bè, chòi canh, ở trong các công trình chất lượng kém”, Phó thủ tướng nói.
Theo Võ Hải/VnExpress
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga