Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ ba, 13/02/2024 - 13:30
(Thanh tra)- Nông dân Phạm Văn Hát, người vẫn được gọi là "phù thủy máy nông nghiệp" mới học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế hơn 40 máy móc, thiết bị nông nghiệp "độc nhất vô nhị". Đặc biệt, với "robot đặt hạt", ông đã mang thương hiệu "made Việt Nam" vươn tầm thế giới.
Với máy "robot đặt hạt", ông Phạm Văn Hát đã mang thương hiệu "made Việt Nam" vươn tầm thế giới. Ảnh: HH
“Phù thuỷ máy nông nghiệp” là tiêu đề bài đọc trong sách Tiếng Việt lớp 4 tập 1, trang 110 (thuộc Bộ sách Cánh Diều) do Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn sách được lựa chọn đưa vào giảng dạy cho học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Điều đặc biệt, bài đọc trong cuốn sách đã tạo sức hút với học sinh về một nông dân dù chỉ học hết lớp 7 nhưng rất tài giỏi, sáng chế ra nhiều máy móc, thiết bị nông nghiệp giúp ích cho bà con nông dân. Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Phạm Văn Hát (SN 1972) ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương.
Đi nước ngoài xem mình "ngu" thế nào?
+ Được mọi người biết đến với cái tên "phù thuỷ máy nông nghiệp" trong sách giáo khoa giảng dạy cho các thế hệ học sinh trên cả nước, cảm xúc của ông thể nào?
- Tôi thấy rất vinh dự khi chỉ là một nông dân mà được nhà xuất bản đưa vào sách giáo khoa. Điều đó chứng tỏ, những sản phẩm tôi làm ra đã được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Mặc dù chỉ là người nông dân không được đào tạo qua trường lớp nhưng sản phẩm do tôi sáng chế đã giúp ích cho cộng đồng.
+ Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề chế tạo máy móc?
- Tôi xuất thân trong gia đình thuần nông, từ nhỏ đã gắn bó với đồng ruộng. Học hết lớp 7, tôi đã bươn trải nhiều nghề để kiểm sống. Những năm 1989-1990, tôi đi làm thuê cho xưởng cơ khí chế tạo sản phẩm thùng xe công nông. Lúc đó còn nhỏ nên chủ yếu phụ giúp việc cho các xưởng và xem những người thợ lành nghề làm. Niềm đam mê với nghề cơ khí nhen nhóm từ đó...
+ Từ một người nông dân chỉ học hết lớp 7, không được đào tạo qua trường lớp về cơ khí, chế tạo máy lại được mệnh danh là “phù thủy máy nông nghiệp”, ông có thể chia sẻ về hành trình này?
- Với giấc mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2007, tôi vay mượn tiền để đầu tư làm trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tuy đã ký được nhiều hợp đồng với các công ty trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng kết cục tôi "trắng tay" và mang theo món nợ 4 tỷ đồng.
Điều khiến tôi băn khoăn, trăn trở nhất là không biết vì sao mình thất bại. Tôi nung nấu ý định sang Israel - nơi có nền nông nghiệp phát triển để tìm hiểu xem "mình ngu thế nào"?
“Nếu cho đi mà tốt cho xã hội thì không việc gì phải suy tính"
Với quan điểm "nếu cho đi mà tốt cho xã hội thì không việc gì phải suy tính", những năm gần đây, ông Phạm Văn Hát thường xuyên tham gia nói chuyện tại các buổi tập huấn hướng dẫn giáo viên, học sinh nghiên cứu khoa học và thực hiện các sản phẩm khoa học kỹ thuật.
Ông cũng dành nhiều thời gian để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến máy móc nông nghiệp cho các đoàn giảng viên, sinh viên của các trường đại học hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông còn tích cực hỗ trợ tích cực ngành Giáo dục tỉnh nhà trong hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM tại xưởng sản xuất; là người truyền “lửa” cho học sinh hình thành ý tưởng, nghiên cứu các dự án và sản phẩm tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng do tỉnh Hải Dương tổ chức.
Tháng 10/2010, tôi vay mượn được 200 triệu đồng sang Israel. Nơi đất khách quê người, tôi làm nhiều công việc như rải phân, thu hoạch rau, củ… để kiếm sống.
Mặc dù là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, nhưng người nông dân ở Israel vẫn phải làm việc rải phân bằng phương pháp thủ công. Nhận ra bất cập đó, tôi mạnh dạn đề xuất với ông chủ cho cải tiến chiếc máy đang dùng để giải phóng bớt sức lao động. Rất may, ông chủ đồng ý!
Vậy là từ hôm đó, đêm đêm tôi thiết kế, tính toán số liệu và bắt tay vào chế tạo máy rải phân. Máy làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ. Bố con ông chủ ôm chặt lấy tôi cảm ơn. Chưa hài lòng, tôi tiếp tục làm tiếp chiếc thứ hai. Đến chiếc thứ ba thì kết quả mãn nguyện.
Ông chủ thưởng tôi 10.000 USD và đề nghị được mua bản quyền; đồng thời nâng lương cho từ 1.000 USD lên 2.500 USD (năm 2010).
Không dừng lại ở đó, tôi tiếp tục tìm tòi, cải tiến thêm nhiều máy móc như máy thu hoạch hẹ, rồi máy cắt xén cùng lúc nhiều bó theo một kích cỡ...
Nhờ sáng chế được nhiều máy móc hữu ích, tôi được ông chủ trả lương cao và rất ưu ái, tạo điều kiện cho làm việc.
Cùng với đó, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của tôi cũng được nhiều người ở Israel và người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến.
Sau 2 năm ở xứ người, năm 2012, tôi quyết định trở về quê nhà…
Hạnh phúc được làm giàu trên mảnh đất quê hương
+ Trong khi thu nhập và cơ hội ở nước ngoài đang rộng mở, ông lại chọn trở về quê hương? Điều gì khiến ông chọn cách trở về?
- Sau thời gian sống ở đất khách quê người, tôi đã nhận ra mình thất bại không phải vì ngu mà vì đi trước so với thời cuộc. Khi đó, người dân quê tôi ăn chưa đủ no thì làm sao nghĩ tới tìm đồ ăn ngon để mua.
Đúc rút được nguyên nhân thất bại cũng là lúc tôi phát hiện ra "lửa sáng chế" có sẵn trong mình. Tôi quyết định quay trở về mang theo nung nấu thành lập xưởng cơ khí sáng chế máy nông nghiệp với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương và giúp đỡ người dân quê tôi bớt khổ.
+ Hành trình trở về quê hương thực hiện ấp ủ "lập xưởng cơ khí sáng chế máy nông nghiệp" với ông có gặp khó khăn?
- Có chứ! Rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là số nợ 4 tỷ đồng chưa trả được. Khi sang Israel lao động được hơn một năm tôi mới trả được tiền lãi, còn tiền nợ gốc gần 4 tỷ đồng vẫn còn đó. Vợ con, anh em, họ hàng, ai cũng lo lắng với quyết định của tôi.
Nợ cũ chưa trả, tôi lại phải vay thêm nợ mới để mở xưởng cơ khí chế tạo máy nông nghiệp. Khi thấy tôi mở xướng, người dân địa phương cũng lời ra, tiếng vào, họ cho rằng tôi đi Israel "ăn cắp" công nghệ về làm theo, chứ không học hành qua trường lớp thì kiến thức đâu mà sáng chế được máy móc .
Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, tôi vay mượn bạn bè, người thân được một số tiền và mở xưởng cơ khí. Ban đầu tôi chế tạo, cải tiến những chiếc lưỡi cày máy. Máy cày nào một lưỡi, tôi chế thêm thành 2 lưỡi; máy nào 2 lưỡi, chế thêm thành 3 lưỡi. Từ sáng chế này, năng suất của những chiếc máy cày tăng lên rất nhiều và nhiều khách hàng đã tìm đến đặt hàng.
+ Từ những sản phẩm đầu tay, đến nay ông đã cho "ra lò" những máy móc, thiết bị giúp người nông dân đỡ vất vả?
- Từ khi trở về nước đến nay, tôi đã sáng chế, chế tạo được hơn 40 loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến như máy xúc thóc, máy thu hoạch rau mầm, thiết bị bánh lồng, máy phun thuốc trừ sâu...
Bà con nông dân dùng sản phẩm của tôi đều có chung nhận xét "ngon, bổ, rẻ" (cười). Tôi luôn tâm niệm, phải chế tạo được ra những sản phẩm người dân cần chứ không bán đi những thứ mình có.
Quan trọng hơn là những sản phẩm ấy phải phù hợp với tất cả các vùng miền, điều kiện khác nhau, dễ sử dụng, giá rẻ nhất có thể. Đây là quan điểm nhất quán xuyên suốt quá trình làm việc của tôi từ khi bắt đầu hoạt động sáng chế cho tới nay.
+ "Đứa con tinh thần" nào khiến ông tâm đắc?
- Với bản tính không bằng lòng với những gì mình có, tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu để cho “ra lò” những sản phẩm mới. Từ vụ cháy quán karaoke thương tâm ở Cầu Giấy, Hà Nội khiến nhiều người chết, tôi đã nung nấu mình phải tạo ra sản phẩm giúp ích cho cộng đồng.
Sau 2 năm “thai nghén”, đến nay tôi đã sáng chế thành công thiết bị thoát nạn cho người sống tại các tòa nhà cao tầng. Tôi cho rằng, thiết bị này rất hữu ích cho người dân, nhất là sau vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Điều đặc biệt ở thiết bị này là người già, trẻ em, phụ nữ đều sử dụng được một cách rất dễ dàng. Tòa nhà cao 100 tầng cũng lắp đặt được, đưa người thoát xuống với tốc độ nhanh như thang máy, cực kỳ an toàn. Tôi cùng cộng sự đã thử nghiệm 10 lần thiết bị này và đều thành công.
Đặc biệt hơn, đây là thiết bị "3 không": Không dùng điện, không người vận hành và không phải bảo trì, bảo dưỡng. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường.
Hiện nay, nhiều đối tác đã đến tìm hiểu và đặt mua ý tưởng của tôi với giá cao, nhưng tôi không bán vì mong muốn người dân Việt Nam sẽ được dùng sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ nhất, và quan trọng nữa là tôi muốn được mang thương hiệu "made Việt Nam" vươn ra thế giới...
+ Ông vừa nhắc đến mong muốn mang thương hiệu “made Việt Nam” ra thế giới. Đến nay, ông đã thực hiện được mong ước này?
- "Robot đặt hạt" là sản phẩm vươn tầm thế giới của tôi. Gọi là robot nhưng chiếc máy này không hề sử dụng chip, rơ le hay máy nén khí mà chỉ có 1 mô tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ điện chỉ 200W. Điều đặc biệt, sản phẩm này có thể thay thế cho 40 lao động thủ công cùng một thời gian làm việc, giúp người nông dân giảm chi phí, tăng năng suất lao động.
Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước và “phủ sóng” 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có những đất nước có nền khoa học phát triển như: Israel, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Canada…
Cách đây 3 năm, có một tập đoàn máy nông nghiệp nổi tiếng thế giới đã liên hệ mời sang làm việc với mức lương 7.000 USD/tháng nhưng tôi từ chối bởi với tôi hạnh phúc là được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, giúp người nông dân giải phóng sức lao động, không phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước nữa…
Bộ sưu tập hơn 50 giải thưởng, bằng khen
Với những cống hiến của mình, ông Phạm Văn Hát đã có hơn 50 giải thưởng, bằng khen... do các cấp, ngành và UBND tỉnh Hải Dương trao tặng.
Năm 2015, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, diện “đặc cách" vì những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014.
Ông được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Năm 2018, ông được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời Kêu gọi thi đua ái quốc; nhận bảng vinh danh "Nhân tài đất Việt”…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại quảng trường Nghĩa trang Liệt sỹ A1, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội tư vấn việc làm, học nghề tỉnh Điện Biên năm 2024.
Trần Kiên
21:14 22/11/2024(Thanh tra) - Chiều nay 22/11, HĐND huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Trần Trung
17:51 22/11/2024Văn Thanh
12:44 22/11/2024Trần Trung
11:43 22/11/2024Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh
T.Thanh
Bài và ảnh: Quỳnh Mai
Phương Anh
Phương Anh
Trung Hà