Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Phập phồng nỗi lo tăng giá trước thềm tăng lương

Phương Anh

Thứ năm, 08/06/2023 - 06:35

(Thanh tra) - Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách sẽ tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8%. Dẫu biết tăng lương là tín hiệu đáng mừng, nhưng như một “kịch bản” định sẵn, những lo lắng khi mỗi lần lương tăng thì giá cả cũng tăng lại trở thành hiện thực…

Nỗi lo tăng lương kèm theo tăng giá ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: PV

Là người giữ “tay hòm chìa khoá” trong nhà, chị Nguyễn Thị Hà, một công chức sống tại quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, cả hai vợ chồng chị đều là công chức Nhà nước, nên thông tin tháng 7 tới tăng lương khiến cả nhà đều vui mừng.

Sau hơn chục năm làm công chức Nhà nước, lần đầu tiên, mức lương cơ sở được tăng cao nhất. Tổng thu nhập gồm cả lương và phụ cấp của hai vợ chồng chị hiện là hơn 13 triệu đồng/tháng. Theo mức tăng lương tới thì tổng thu nhập của gia đình chị được khoảng gần 15 triệu đồng/tháng. Với nhiều gia đình làm khu vực tư thì số tiền này có thể không lớn, nhưng với gia đình công chức đơn thuần như chị thì mức tăng này cũng bù đắp thêm chi phí cuộc sống hàng ngày của gia đình.

Cũng giống như chị Hà, một giáo viên mầm non tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cũng chia sẻ, thông tin tăng lương vào tháng 7 tới vừa mang đến niềm vui nhưng cũng đi liền với nỗi lo của chị cũng như nhiều công chức, viên chức khác. Bởi theo chị, nếu tăng lương thì một công chức có bằng trung cấp như chị cũng chỉ tăng chưa đầy 500 nghìn đồng một tháng. Khoản tiền này không đủ để đổ tiền xăng và chi phí điện thoại trong 1 tháng. Điều mà chị băn khoăn là mỗi lần tăng lương, nỗi lo giá cả cũng “đội nón” tăng theo. Dù phải còn gần 1 tháng nữa mới chính thức tăng lương cơ sở, nhưng ngay từ bây giờ, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng.

Cô giáo này cho biết, từ mấy năm nay, chị cũng đã tranh thủ kiếm thêm thu nhập qua việc bán hàng online cùng với mấy người bạn. Dù số tiền không cao, nhưng với mức thu nhập kiếm thêm mỗi tháng 4-5 triệu cũng phần nào giúp chị cùng gia đình trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Có lẽ vì vậy, nên dù việc tăng lương là tín hiệu rất đáng mừng, thế nhưng, nhiều người được hưởng lương lại buồn vui xen lẫn, bởi đi kèm với niềm vui lương cơ sở được tăng kể từ tháng 7 là nỗi lo giá cả cũng “đội nón” tăng theo. Thậm chí, lương chưa tăng, giá cả đã tăng. Như một “kịch bản", những lo lắng lương tăng thì giá cả cũng tăng lại trở thành hiện thực.

Theo đó, từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành).

Không chỉ giá điện, giá nước cũng có xu hướng tăng. Mới đây, Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Đi liền với nỗi lo giá điện, nước tăng, với nhiều nhà có con vào đại học lại thêm một mối lo khi tháng 10 tới học phí cũng sẽ tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng tăng theo. Không chỉ thế, ngoài thị trường, lấy lý do nhiều yếu tố khách quan tác động nên không ít mặt hàng cũng bắt đầu rục rịch tăng theo, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, như lời anh Phạm Văn Nghệ, quê ở Nam Định, một xe ôm công nghệ chia sẻ về việc giá cả bắt đầu leo thang, tác động vào từng bữa cơm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của mỗi gia đình. “Nếu như bún chả trước đây 30.000 đồng/suất thì nay đã tăng lên 35.000 đồng/suất. Trà đá bình thường 2.000-3.000 đồng/cốc thì nay cũng tăng lên 5.000 đồng/cốc”, anh Nghệ ví dụ.

Bàn về câu chuyện tăng lương, tăng giá, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lương, tăng giá là câu chuyện không còn mới mẻ, tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung còn đang gặp nhiều khó khăn, thì việc mức lương cơ sở đối với người hưởng lương từ ngân sách tăng là cố gắng rất lớn của Chính phủ. So với 12 lần điều chỉnh trước đây thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng lương cơ sở là rất ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này, để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Tăng lương cũng góp phần phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đây cũng là tiền đề để tiến tới thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc, "chảy máu chất xám".

Tuy nhiên, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác, theo các chuyên gia, trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, còn có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động, đảm bảo tích cực cống hiến. Đồng thời, tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm