Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Phao cứu sinh" giúp người lao động vượt qua khó khăn

Kiên Trung

Thứ ba, 25/08/2020 - 06:33

(Thanh tra)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động bị ảnh hưởng, mất việc làm. Lúc này, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự trở thành phao cứu sinh, giúp người lao động và gia đình trang trải cuộc sống, vượt qua khó khăn.

BHTN thật sự giúp người lao động bảo đảm, duy trì cuộc sống, không bị áp lực tài chính khi mất việc làm. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Điểm tựa của người lao động

Với bà Nguyễn Thị Thanh (50 tuổi, ở Hà Nội), tháng 8/2020 đã là tháng thứ 9 được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trước đây bà Thanh làm công việc thủ kho ở Bắc Ninh. Tuổi cao, đi làm xa vất vả nên cuối năm 2019, bà Thanh xin nghỉ tìm việc làm gần nhà.

“Dịch Covid-19 bùng phát, việc mới không dễ tìm nhưng may mắn tôi còn khoản trợ cấp thất nghiệp để trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian khó khăn”, bà Thanh cho hay.

Anh Nguyễn Danh Phong từng là công nhân tại Công ty TNHH Thuận Phát (tỉnh Yên Bái), nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên công ty phải có lao động nghỉ việc.

6 tháng nay không có việc làm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, anh Phong đã làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm cơ hội việc làm mới tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái.

Chia sẻ khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Phong cho biết rất may mắn khi có được số tiền để trang trải cuộc sống, lo cho con cái.

Cũng như anh Phong, bà Nguyễn Thị Thúy trước làm công nhân tại Công ty TNHH Nội thất Xuân Cảnh (Yên Bái) cũng bị nghỉ việc do ảnh hưởng của đại dịch. Số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp đã phần nào giúp bà vượt qua khó khăn trong lúc này.

Hay chị Trần Thị Tuyết (41 tuổi, ở TP Biên Hòa) khi đang làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 thì mẹ chị bị bệnh nặng, không đi lại được, nằm một chỗ.

Chị Tuyết chia sẻ từ tháng 6/2019, chị bắt buộc phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc, thuốc men cho mẹ, do nhà neo người, chỉ có 2 mẹ con.

Từ ngày chị Tuyết nghỉ làm, không có lương, cũng không có bất kỳ nguồn thu nhập nào khác, chỉ biết trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp.

"Tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hơn 19 năm, thời điểm nghỉ việc có mức lương hơn 7 triệu đồng. Sau khi hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, tôi được hưởng 10 tháng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Nhờ khoản tiền này mà tôi có tiền để thuốc thang cho mẹ, trang trải cuộc sống hằng ngày của 2 mẹ con", chị Tuyết bộc bạch.

Hưởng cả bảo hiểm y tế và trợ cấp đào tạo nghề

Nhiều lao động khi mất việc tìm đến chế độ BHTN như một chiếc “phao cứu sinh” để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mục tiêu lớn nhất của chính sách BHTN hướng đến là giúp cho người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Vì vậy, ngoài việc nhận khoản trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc làm còn được hưởng thêm nhiều chế độ hỗ trợ khác, trong đó có học nghề miễn phí.

Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động nếu có nhu cầu học nghề chỉ cần làm đơn đăng ký là sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền trong suốt khóa học. Mỗi tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp nghề, người lao động sẽ được giới thiệu đến các doanh nghiệp làm việc hoặc tự tìm việc làm.

BHTN là loại bảo hiểm bảo đảm những quyền lợi mà người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc được hưởng khi bị mất việc làm. Người hưởng BHTN còn được hưởng cả bảo hiểm y tế và trợ cấp đào tạo nghề trong quãng thời gian chờ có việc mới.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 16.000 người lao động đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gần 600 người được hưởng trợ cấp học nghề, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.

BHXH tỉnh Đồng Nai dự báo những tháng tới, số người lao động làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ còn tăng cao so với những tháng đầu năm.

Còn theo báo cáo của BHXH tỉnh Yên Bái, đến hết tháng 6/2020, toàn tỉnh Yên Bái có gần 43.000 người tham gia BHTN. Chính sách BHTN đã góp phần tích cực giải quyết an sinh xã hội cho người lao động.

Không thể phủ nhận, chính sách BHTN thực sự là "phao cứu sinh” giúp người lao động không may bị mất việc làm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động.

Số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019).

Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.

Trong đó, vùng Đông Nam bộ là nơi có nhiều người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhất (hơn 200.000 người, chiếm 37%); tiếp đến vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long (hơn 100.000 người/vùng, chiếm 18%); thấp nhất là Tây Nguyên (15.000 người, chiếm 2,6%).

Số lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phố nơi có thị trường lao động phát triển, nhiều khu công nghiệp - khu chế xuất như TP HCM (88.990 người), Bình Dương (49.297 người), Đồng Nai (33.317 người), Hà Nội (38.154 người).

Về ngành nghề, số lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến và du lịch (tại Đà Nẵng trong số 16.000 hồ sơ thì có tới 5.000 hồ sơ của lao động làm việc trong khách sạn, dịch vụ du lịch, chiếm 34,25%).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024

Tin mới nhất