Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố

PV

Thứ ba, 07/11/2023 - 16:55

(Thanh tra)- Thức ăn đường phố là một nét văn hoá ẩm thực độc đáo tại nhiều thành phố lớn, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, nếu thực phẩm không đảm bảo và không được bảo quản đúng cách thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người.

Nếu thực phẩm không đảm bảo và bảo quản đúng cách thì thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng sức khoẻ con người

Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay. Loại thực phẩm này thường được bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự. Hiện nay, thức ăn đường phố được bán ở khắp mọi nơi, từ ngõ ngách đến các cổng trường học, bến xe, chợ… bất kể thời gian sáng sớm hay đêm khuya.

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và màu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60cm, được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải…

Tại Hà Nội, dạo quanh qua một số “thiên đường” ẩm thực vỉa hè hay những hàng quán ven đường với đầy đủ các món như bún, phở, chả rán, nem chua, chè, xiên que vỉa hè, hoa quả dầm… Nếu đối chiếu những quy định trên của Bộ Y tế thì phần nhiều các cơ sở kinh doanh này đều chưa đáp ứng được.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hà Nội, hiện thành phố có hơn 76.800 cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, trong đó khoảng 10.000 cơ sở thức ăn đường phố.

Để đảm bảo thức ăn đường phố an toàn với người dân, khách du lịch, Hà Nội đã xây dựng nhiều “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Chi cục An toàn Thực phẩm thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tập huấn “10 nguyên tắc vàng” trong chế biến thực phẩm, đồng thời hướng dẫn tiêu chuẩn về cơ sở vật chất đối với các cơ sở kinh doanh an toàn thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo việc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức, nhận thức về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình thanh kiểm tra, một số cơ sở kinh doanh có hiện tượng đối phó. Khi lực lượng kiểm tra đến, họ thực hiện nghiêm nhưng sau đó lại vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Do đó, Chi cục An toàn Thực phẩm Hà Nội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phát tờ rơi tới các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Nguyên nhân có thể đến từ tất cả các khâu, như: Lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến; bảo quản, bày bán thực phẩm. Các vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm đường phố là Salmonella, tụ cầu trùng vàng Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens và E.coli…

Còn theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm cả nước ta có trên 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, đa số thức ăn bày bán trên đường phố đều không an toàn. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn, điều kiện chế biến và bảo quản thực phẩm không an toàn do được bán dưới lòng lề đường nhiều khói, bụi, vi khuẩn...

Để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm, nộm, thịt nướng… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận. Ngoài ra, không ăn rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm với các món bún riêu, bánh cuốn, bánh mỳ patê… bày bán ở các quán hàng vỉa hè. Bởi nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên dễ khiến cơ thể ăn phải ấu trùng giun, sán. Nếu mua các món ăn này về nhà thì nên rửa lại rau sống cho sạch sẽ. Mặt khác, không ăn quẩy, bánh rán, nem rán… chế biến trong những chảo dầu mỡ có màu quá đen.

Theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật; thức ăn không được che đậy, ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập sẽ bị phạt từ 0,5 - 1 triệu đồng. Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay cũng bị xử phạt.

Một số hành vi như sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; người đang mắc các bệnh theo quy định không được trực tiếp tham gia kinh doanh ăn uống, thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm sang chia, san chiết không phù hợp… bị xử phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm