Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống ​

Trần - Thanh

Thứ bảy, 30/10/2021 - 09:50

(Thanh tra) - Mặc dù đã thực hiện xong Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cùng huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015-2020”, nhưng tình trạng tảo hôn (TH) và hôn nhân cùng huyết thống (HNCHT) của Đăk Nông vẫn còn diễn ra. Nhằm hạn chế nạn TH và HNCHT, Đăk Nông đang triển khai quyết liệt giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Nhiều cặp vợ chồng kết hôn sớm, nên khi họ còn rất trẻ đã có đàn con. Ảnh: Nguyễn Hiền

Mới đây, đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông, khảo sát về việc giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời triển khai giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Tại buổi làm việc này, Ban Dân tộc tỉnh báo cáo toàn bộ nội dung việc triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015 - 2020” đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm giảm tình trạng TH, HNCHT, nâng cao chất lượng dân số, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS. Đồng bào DTTS phần lớn đã hiểu được tác hại của nạn TH và HNCHT.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Đăk Nông có 347 trường hợp TH (năm 2016, số lượng tảo hôn nhiều nhất là 114 trường hợp, nhưng đến năm 2020 còn 93 trường hợp); đối với HNCHT, có 24 trường hợp (năm 2019 nhiều nhất với 10 trường hợp, nhưng năm 2020, tình trạng HNCHT của Đăk Nông đã giảm mạnh còn 1 trường hợp)…

Thực tế đi sâu tìm hiều về vấn nạn TH và HNCHT hiện nay tại tỉnh Đăk Nông cho thấy, những địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các già làng và những người có uy tín vào cuộc vận động, tuyên truyền mạnh mẽ, thậm chí (có nơi) cương quyết không làm lễ cho các cặp TH, HNCHT; các gia đình có con từ 12 tuổi trở lên phải ký cam kết không để xảy ra tình trạng TH, HNCHT, thì ở những địa phương đó, nạn TH và HNCHT giảm mạnh và bền vững.

Điển hình, tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, từ năm 2016 đến năm 2020, xã đã tổ chức được 44 đợt phổ biến giáo dục pháp luật với 2.320 lượt người tham gia, do vậy, trong 5 năm qua, Quảng Trực không có bất cứ trường hợp nào TH hay HNCHT. Trong khi đó, xã Quảng Trực là xã vùng biên giới có gần 45% số hộ là DTTS.

Hay tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, từ năm 2018 đến 2020, toàn xã đã tổ chức được 39 đợt phổ biến giáo dục pháp luật với 1.840 lượt người tham gia. Hoặc xã Đăk R`tih, huyện Tuy Đức; xã Đăk Plao, huyện Đăk Glong, khoảng 10 năm nay, tình trạng HNCHT không hề xảy ra.

Còn ở cấp huyện, huyện Cư Jút, từ 2015 đến nay, vấn đề HNCHT trong vùng đồng bào DTTS hoàn toàn không xảy ra. Hiện, huyện Cư Jút vẫn đang ưu tiên các nguồn lực, nỗ lực xóa bỏ các hủ tục, nạn TH và HNCHT, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS.

Ngược lại, ở địa phương nào chính quyền lơ là, không quyết liệt, thì ở đó tình trạng TH và HNCHT vẫn diễn ra nhiều, như xã Đắk Đrông. Tại xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút có khoảng 400 hộ là người DTTS, sống chủ yếu ở các thôn 15, 19, và 20. Tại 3 thôn này, độ tuổi từ 14 - 17 tuổi, bình quân cứ 10 em trai thì có 1 em lấy vợ và 5 em gái thì có 1 em lấy chồng.

Xã Quảng Hòa là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Glong, có đông đồng bào các DTTS sinh sống, có số trường hợp TH cao nhất huyện. Bình quân, mỗi năm xã Quảng Hòa có khoảng 10 cặp trai gái lấy nhau trước 18 tuổi. Độ tuổi của trai gái lấy nhau đa số từ 13 - 15 tuổi, với tỷ lệ trên 70%, số còn lại từ 16 - 17 tuổi.

Còn xã Đắk R’măng, cũng của huyện Đắk Glong, có tỷ lệ TH khá cao. Nhiều em gái chỉ mới 17 tuổi đã có 2 con.

Trẻ em nghèo vùng DTTS rất cần được xã hội quan tâm. Ảnh: Nguyễn Hiền

Còn ở cấp huyện, trong năm 2020, huyện Đắk Glong có 49 trường hợp TH, Tuy Đức có 23 trường hợp TH và huyện Krông Nô có 20 trường hợp TH.

Theo một số lãnh đạo các huyện nêu trên cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TH và HNCHT trong vùng DTTS, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan, chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân, gia đình, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình. Đồng thời, chú trọng nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT” cho các cháu học sinh THCS, THPT, nhất là học sinh trong trường phổ thông dân tộc nội trú.

Đối với triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 - 2025”, bà Hà Thị Hạnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đăk Nông cho rằng, đây là đề án quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Các cơ quan chức năng của Đăk Nông cần tổng hợp, đánh giá lại những ưu điểm, hạn chế, những vấn đề cần khắc phục để xây dựng kế hoạch, triển khai đề án trong giai đoạn mới sát với thực tiễn và hiệu quả hơn. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực, nỗ lực xóa bỏ nạn TH và HNCHT, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm