Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Những người làm giàu trên đồi núi quê hương

Trần - Thanh

Thứ bảy, 30/10/2021 - 22:09

(Thanh tra) - Xuất phát từ TP Đà Lạt, Lâm Đồng đi xuống Di Linh vượt qua huyện Đắk Glong đến TP Gia Nghĩa với hơn 180 km rồi về các huyện Tuy Đức, Krông Nô, Cư Jút... trên dọc đường đi giữa núi đồi trùng điệp, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những buôn làng nằm xen lẫn giữa những cánh rừng đồi cao su, những đồi cà phê trĩu quả chín mọng, báo hiệu một mùa thu hoạch mới.

Bà con người dân tộc M’Nông, ở xã Đắk R’tih, huyện Cư Jút có thu nhập cao từ vườn đồi. Ảnh: Thanh Chương

Tại thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, chúng tôi đến nhà anh Đàm Tiến Thành, người dân tộc Cao Lan. Mô hình sản xuất của gia đình anh Thành là trồng bưởi da xanh kết hợp trồng xen canh cà phê. Với mô hình này, gia đình anh Thành thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Hiện, bưởi da xanh của gia đình anh Đàm Tiến Thành trồng đã được đưa vào trồng tại hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn và đang hướng tới sản phẩm VietGAP, tiêu thụ tại các siêu thị lớn.

Nói về mô hình trồng bưởi da xanh xen canh cây cà phê anh Thành cho biết, để có thành công như ngày hôm nay anh đã trả giá rất nhiều. Nhờ kiên trì học hỏi giờ đây vườn đồi của anh luôn cho thu nhập ổn định. Anh Thành dự định sẽ mở rộng sản xuất, tăng diện tích trồng bưởi không chỉ của gia đình mà trong thôn Đắk Lang để mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.

Rời huyện Đắk Glong, chúng tôi tới buôn K’Nha, xã Ðắk Wil, huyện Cư Jút. Tại đây, chúng tôi gặp chị H’Oan H’ra, người dân tộc Ê Ðê. Chị H’Oan H’ra vừa là Trưởng buôn, vừa làm Bí thư Chi đoàn K’Nha, xã Đắk Wil. Bên cạnh việc tham gia hoạt động xã hội, chị đã tích cực phát triển kinh tế cho gia đình. Chị H’Oan H’ra luôn chủ động học hỏi và tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất cây cà phê và hồ tiêu. Vì vậy, nhiều năm liền mô hình của gia đình chị luôn đem lại kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình H’Oan H’ra thu về trên 200 triệu đồng.

Hiện, gia đình chị là một trong những hộ khá giả nhất ở xã Đắk Wil. Năm 2020, chị được Tỉnh đoàn Đắk Nông trao tặng danh hiệu gương thanh niên DTTS làm kinh tế giỏi của tỉnh. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, chị còn vận động nhân dân trong buôn đóng góp quỹ làm nguồn vốn cho người nghèo vay phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều gia đình trong buôn K’Nha đã thoát nghèo vươn lên thành hộ khá.

Nhiều thanh niên DTTS huyện Tuy Đức đang được tuyên truyền về bảo vệ môi trường và sản xuất. Ảnh: Thanh Chương

Từ huyện Cư Jút, chúng tôi chạy một mạch đến huyện biên giới Tuy Ðức để gặp anh Điểu Ngun, người dân tộc M’Nông, ở xã Đắk R’tih. Anh Điểu Ngun là một nông dân chân chất. Qua trò chuyện anh cho biết, ban đầu gia đình trồng cây cao su trên 6 sào đất nhưng hiệu quả không cao. Vợ chồng anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng gần 600 triệu đồng, rồi phá bỏ cây cao su để trồng cây cà phê và cây hồ tiêu giống mới, kết hợp trồng xen cây ngắn ngày làm thức ăn chăn nuôi gia súc, thu nhập của gia đình anh trở nên ổn định hơn.

Khi có vốn tích lũy, anh tiếp tục mua thêm đất mở rộng sản xuất. Ðến nay, với hơn 6 ha cây công nghiệp xen canh các loại cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập gần 700 triệu đồng.

Gia đình anh Điểu Ngun còn giải quyết công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ. Không dừng lại ở đó, gia đình anh còn giúp bà con trong thôn bản áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, do vậy mà nhiều gia đình trong thôn bản có của ăn của để.

Tiếp nối cuộc hành trình, chúng tôi về huyện Krông Nô đến thôn Nam Ninh, xã Nâm N’Đir gặp Hán Xuân Trường người dân tộc Tày. Anh Hán Xuân Trường thành công với mô hình nuôi dúi, đem lại mức thu nhập khoảng 600 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, anh đang mở rộng quy mô chuồng trại lên khoảng 1.000 m2, với 500 con dúi giống và dúi thương phẩm. Anh Trường cho biết, mỗi năm dúi mẹ sinh sản bốn lứa, mỗi lứa hai đến năm con. Sau ba tháng, dúi đạt khoảng 600g/con. Nếu bán dúi giống được 1,4 triệu đồng một cặp, còn bán dúi thương phẩm với giá 500 nghìn đồng/kg.

Tận mắt chứng kiến mô hình nuôi dúi của Hán Xuân Trường, chúng tôi tin rằng cứ theo đà này trong thời gian không xa thu nhập của gia đình anh không dừng lại ở con số 600 triệu đồng mỗi năm, mà sẽ còn tăng cao hơn rất nhiều...

Như vậy có thể nói, nhiều năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Đăk Nông cùng với sự nỗ lực của đồng bào các DTTS nhiều vùng sâu, vùng xa của Đăk Nông đã từng bước thay da đổi thịt. Đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm được đầu tư, nâng cấp và mở rộng. Đặc biệt, hiện nay nhiều vùng đồng bào DTTS của tỉnh Đắk Nông có nhiều gia đình, cá nhân và tập thể đã nhanh chóng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư làm ăn nên đời sống kinh tế - xã hội có nhiều đổi mới và khởi sắc. Họ là những người làm giàu trên đồi núi quê hương, góp phần làm cho buôn làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm