Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo trong cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19

Thanh Thanh

Thứ sáu, 27/08/2021 - 20:47

(Thanh tra) - Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, khoảng 27 triệu tín đồ, chiếm tỷ lệ gần 27% dân số cả nước. Có thể khẳng định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng chống Covid-19 từ Hội thánh Phúc Âm toàn vẹn Việt Nam. Ảnh: Hương Diệp

Ngày 31/7 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam có Công văn 2734 gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tuyên truyền, vận động các tôn giáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đáp lại Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về "toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19", Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Cao Đài Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Hội thánh Phúc Âm toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, các Hội thánh Tin Lành Việt Nam... đã sớm hưởng ứng, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, từ đó một lần nữa khẳng định những đóng góp tích cực của các tôn giáo đối với công tác phòng, chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 của đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát động các phong trào: “Cởi áo ca sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”; “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”; “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19”.

Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có các hoạt động nổi bật chung tay tham gia các hoạt động thiện, tiếp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân. Với sáng kiến xây dựng mô hình “Siêu thị mini 0 đồng”; triển khai chương trình “Hạt gạo tình thương” đã chia sẻ giúp đỡ những người khó khăn; việc tổ chức bếp nấu từ thiện góp hàng nghìn suất cơm, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã và đang chung tay cùng với chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo trong cuộc phòng chống đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Ngoài sự chung tay đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam còn phải kể đến các hoạt động của các Hội thánh Cao Đài Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô, Hội thánh Phúc Âm toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, các Hội thánh Tin Lành Việt Nam... đã và đang có sức lan tỏa cực kỳ lớn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh niềm Nam, Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tây Ninh cùng Ban Cai quản các họ đạo nằm trên địa bàn huyện Châu Thành tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn vất vả và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại 34 điểm chốt thuộc 3 đồn biên phòng của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh.

Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên thành lập tổ nấu nước chanh để chuyển đến khu cách ly, các chốt kiểm dịch và các bệnh viện dã chiến. Mỗi ngày nấu 500 lít nước chanh đậm đặc để pha được 1.000 lít nước uống phục vụ cho các chiến sỹ, bệnh nhân trong một số khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

Đại diện Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo một số tỉnh, thành phố tổ chức đoàn đến thăm, động viên, tặng quà nhu yếu phẩm tại một số chốt kiểm dịch Covid-19; tổ chức nấu cơm hỗ trợ khu cách ly và chốt kiểm dịch với 300 suất ăn mỗi ngày trong một huyện, trong đó tỉnh An Giang có 6 huyện, tỉnh Đồng Tháp có 3 huyện và Cần Thơ có 3 huyện; hỗ trợ xe chuyển bệnh viện miễn phí cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã tổ chức được đội hàng trăm xe chuyển viện miễn phí tới tận các xã có đông đồng bào Phật giáo Hòa Hảo.

Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô đã tổ chức các chương trình an sinh phúc lợi cho những người có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Giáo hội thường xuyên có chương trình chia sẻ và huấn luyện cho các chị em phụ nữ trong Giáo hội cách ứng phó với trường hợp rủi ro hoặc khẩn cấp đặc biệt là cách thức dự trữ và tích lũy thực phẩm tại mỗi gia đình. Những tín hữu là bác sỹ hoặc y tá tổ chức các buổi họp zoom để chia sẻ và giúp đỡ tín hữu khác cách tự phòng tránh dịch bệnh và chăm sóc bản thân. Trong buổi lễ chủ nhật hàng tuần, người đứng đầu Giáo hội thường xuyên nhắc nhở và khuyến khích các tín hữu chấp hành các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh và thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan y tế đã khuyến cáo.

Theo Báo cáo nhanh số 383 của UBTƯ MTTQ về tình hình, kết quả các tôn giáo đã quyên góp ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid-19 và Quỹ Vắc xin Quốc gia tính đến ngày 16/8, các Hội thánh Tin Lành Việt Nam đã ủng hộ là hơn 2 tỷ đồng; Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ hơn 150 tỷ đồng; Phật giáo Hòa Hảo ủng hộ hơn 34,4 tỷ đồng; các Hội thánh Cao Đài là hơn 1,2 tỷ đồng; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là hơn 1,2 tỷ đồng; Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam... cũng đã ủng hộ hai quỹ trên hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các tôn giáo tích cực tham gia ủng hội nhu yếu phẩm và trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cũng theo tổng hợp nhanh, chưa đầy đủ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tôn giáo đã vận động, ủng hộ bằng tiền, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 đến nay đã có tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Những con số tổng hợp bước đầu ở trên khó có thể đánh giá được hết những đóng góp tích cực, tiêu biểu của các tôn giáo trong cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay nhưng một lần nữa khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm