Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đơn Thương
Thứ năm, 02/12/2021 - 15:39
(Thanh tra) - Đứng giữa màu xanh trù phú của các loại cây trái bản Tát, ông Hoàng Dần Minh khoát một vòng tay rộng hồ hởi: Không có sự đầu tư, không có những cán bộ tận tâm thì không biết đến bao giờ các loại cây con mới được đưa về. Và đồng nghĩa như vậy, không biết đến bao giờ người Dao ở bản Tát cũng như người Dao toàn xã Tri Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) này mới có cơ hội đi lên, thoát nghèo.
Cây măng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân Tri Phú. Ảnh: Đơn Thương
Vượt rừng đem kế giúp dân
Do địa hình cheo leo dốc đồi, con đường để dẫn vào các thôn như: Nà Coòng, Nà Coóc, bản Tát, bản Chan… không được thuận lợi cho lắm. Nhưng có sức mà vượt dốc, vượt rừng đi lên, đứng giữa sự trù phú, ngút ngàn cây trái, của sự no ấm đang được “nhóm lửa” nơi đây người ta mới thấy có nhiều cái thú vị. Mà thú vị nhất phải kể đến đó là sự thật thà, không vụ lợi, không bon chen của người dân hẳn sẽ “níu chân” khách bộ hành mỗi khi họ tìm đến.
Trời chiều, miền rừng Tri Phú bảng lảng khói sương. Cùng với tiếng mõ trâu lốc cốc, khua rừng tìm về với mỗi căn nhà là từng bếp lửa được nhóm lên. Trong tiếng reo hừng hực của củi lửa, với nồi cơm ngần ngật trắng cùng con gà đang độ “leo rừng” đã mổ, ông Hoàng Dần Minh hồ hởi: Ngày xưa, người Dao đây cơ cực lắm. Không có sự quan tâm, không có sự định hướng, không biết đến bao giờ người Dao vùng sơn thẳm Chiêm Hóa này mới biết “ngẩng mặt lên” cùng thiên hạ.
Tiếng lửa reo, tiếng nước khe xối ào ào, câu chuyện của ông Minh đưa tôi về những tháng năm khốn khó của người Dao Tri Phú. Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt hiện có, sau người Mông thì người Dao cũng nổi tiếng về việc di dịch cư trong đốt nương làm rẫy của mình.
Ông Minh bảo, do tập quán canh tác, mỗi năm, cứ vào mùa mưa đến, con dao “một má” được người Dao được dắt vào hông, người ta cứ nhằm các khoảng rừng xanh ngặt phía trước mà tiến tới. Chặt, phát, đốt, tỉa để làm đất gieo hạt. Những cánh rừng xanh mướt mát ngã rào rào trước loại dao quắm “một má” mà chỉ người Dao rèn được.
Từng khoảng rừng bị đốn hạ, vài tháng sau, khi cây khô, một mồi lửa bé tẹo được nhóm lên. Thế là trụi thui lủi. Đánh đổi cho sự “khai quang” này chỉ là những hạt thóc bé tẹo được gieo xuống. Vài lần cỏ rả được nhổ, được xới, không phân bón, người Dao Tri Phú lại thắc thỏm trông vào những rủi may của hạt thóc do trời đất mang lại.
Tốc độ phá rừng làm nương, no đói phập phù, đổi lại là từng khoảng rừng bị mất đi. Đất đai bị mưa lũ xói mòn, mầu hết, người Dao lại lâm cảnh lao đao. Để có đất, có mầu, có những mùa lúa, không ít người Dao Tri Phú đã có ý định di cư, tìm đến với những miền đất mầu mỡ hơn để phát, đốt, trồng, tỉa theo kiểu hết sức quảng canh.
Đúng lúc nao núng này, giữ dân đồng nghĩa với giữ bản đã được huyện Chiêm Hóa và các cấp, ngành đề ra. Cùng với sự đầu tư vốn, cây con, chuyển giao khoa học kỹ thuật thì cán bộ cũng được điều đến, “bò dốc” tìm lên với dân.
Mới đầu, việc “hạ sơn” được triển khai nhưng cũng không dễ. Vì người Dao Tri Phú đã đưa ra nhiều cái lý như: Bao đời nay cha ông họ đều vậy. Đều du canh du cư phát rừng kiếm sống. Hơn nữa “bám” với bản cũ, đất đai đều hoang hóa trơ trụi cả rồi thì lấy mầu đâu cho cây lúa sinh sống?!
Trước những lo toan của người dân, cán bộ “cắm bản” giải thích và đưa ra những phương kế. Rằng người dân không nên chỉ trông vào hạt thóc. Đa dạng hóa cây trồng, tìm ra loại cây con thích hợp, bán đổi, luân chuyển thì cái thóc, hạt gạo vùng khác cũng sẽ “lội dốc” tìm vào với bà con.
Đất đai cạn kiệt, cây đầu tiên được cán bộ đưa về ấy là tre mai. Nhiều người e dè, cán bộ chọn một số hộ dân thuyết phục và đầu tư. Vài hộ nhận, trong đó có gia đình ông Hoàng Dần Minh là hăng hái nhất.
Cây tre mai được lai ghép, gặp đất cằn và sự chăm chút của người dân đã vượt đất cằn vươn lên. Hai ba năm sau, cây cho măng. Một số măng khỏe được giữ lại làm cây chủ, còn các măng không hiệu quả khác được chặt tỉa đem bán, dân bắt đầu có thu nhập.
Có măng thương phẩm, tiếng lành vang xa, từng chiếc xe máy của thương nhân lội dốc tìm vào. Cùng với tiền bán măng, bán cây, gạo, muối và các thứ đồ dùng cần thiết khác cũng tự tìm vào với bà con Tri Phú.
Xóa nghèo bằng đa dạng hóa cây trồng
Từ các hộ đi đầu này, hiện tại tre mai đã được người dân nhân trồng xanh mướt khắp bản Tát. Nổi tiếng và có thu nhập về nghề trồng tre mai này ở bản Tát hiện nay người được kể đến vẫn là ông Hoàn Dần Minh.
Từ những bụi tre mai ban đầu, do nắm bắt được kỹ thuật và cách nhân trồng, nay nhà ông đã có tới 3ha. Hằng năm, lợi nhuận từ diện tích tre mai này đã cho gia đình ông thu tới vài chục triệu. Nhờ nguồn thu này, gia đình ông đã hết đói nghèo, lại có cả tiền mua sắm vật dụng như xe máy, ti vi và đầu tư cho con cái ăn học.
Với 298 hộ người Dao, sống tập trung ở 15 thôn như Nà Coóc, Nà Coòng, bản Chan, bản Tát, bản Pục, bản Nghèn… với cách đầu tư và chuyển đổi phương thức cây trồng nên bản nào cũng có sự thay đổi rõ rệt. Cái mới về sự đầu tư và chỉ bảo người dân làm ăn ở đây đó là sự đa dạng về cây trồng. Không chỉ trồng tre mai, đào ao thả cá, trồng nhãn mà việc đưa cây chuối hàng hóa vào đây cũng là việc đáng nói.
Hiện ngoài các cây trồng chủ lực thì cây chuối cũng đang được chọn trồng và đã thể hiện thế mạnh trên miền đất Tri Phú. Cây tre mai được chọn trồng ở bản Tát, cây đậu tương được trồng nhiều ở Nà Coóc thì cây chuối lại được chọn và nhân trồng ở bản Nghiên.
Với việc chọn cây để đầu tư, mang tính đa dạng hàng hóa, không tạo ra sức ép về đầu ra cho nông sản một loại cây nên sau vài năm cây chuối đã được phục hồi nhân trồng đại trà tại bản Nghiên.
Hiện bản Nghiên đã có tới 80ha chuối hàng hóa, nhà ít trồng vài sào, nhà nhiều có tới 4ha. Đi giữa vườn chuối lúc lỉu buồng, đỏ tươi mầu hoa thắm, Đặng Đức Toàn cho biết: Cây chuối hợp khí hậu thổ nhưỡng nên đã phát triển khá tốt ở đây. Nhà em ít người, ít đất nên chỉ trồng được 1ha, mỗi năm cho thu hoạch khoản trên 20triệu đồng.
Vào Tri Phú, đất định cư của người Dao hôm nay chúng ta thấy miền quê này đang bừng bừng sức sống. Có sự đầu tư, có chỉ bảo, bám dân và việc lựa chọn những cây trồng phù hợp để triển khai đang trở thành mô hình hiệu quả ở Tri Phú.
Với việc làm này, không chỉ giữ người dân ở bản mà còn giúp người dân có những kế thoát nghèo bền vững. Từ một xã nghèo, dân du canh, du cư nhưng với việc đa dạng hóa cây trồng nên 90% các hộ dân nghèo ở đây đã trở thành người có thu nhập khá bằng các loại cây trồng như tre mai, chuối, đậu tương và nhãn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong bối cảnh Thủ Thiêm được định hình là trung tâm tài chính và thương mại của thành phố, sự khan hiếm nguồn cung đất đẹp cùng với các dự án hạng sang được quy hoạch bài bản đã khiến giá trị bất động sản tại khu vực này có xu hướng tăng qua các năm, điển hình là dự án The Metropole Thủ Thiêm với mức tăng giá vượt kỳ vọng trong 2 năm qua.
PV
17:15 03/12/2024(Thanh tra) - Nhiều năm là người uy tín ở buôn Plum (xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), ông Ama Chi trở thành điểm tựa, là “thủ lĩnh” truyền lửa, đưa phong trào của buôn làng ngày càng phát triển, đời sống bà con được ấm no, hạnh phúc.
Anh Minh
16:02 03/12/2024Bùi Bình
14:08 03/12/2024Bùi Bình
14:05 03/12/2024T.Thanh
21:28 02/12/2024Bùi Bình
21:16 02/12/2024Quang Dân
Thanh Hoa
Thái Hải
TCBC
TCBC
TCBC
Bùi Bình
Chính Bình
Hương Giang
PV
Hương Trà
Thu Huyền