Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc triển khai hiệu quả

Kim Ánh

Thứ ba, 23/11/2021 - 10:55

(Thanh tra) - Một số tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La triển khai “Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019-2025” (Đề án) đạt được những kết quả ban đầu.

Nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Ba Khan, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình được trang bị các thiết bị truyền thanh để thông tin truyền thông tới bà con. Ảnh: KA

Tại tỉnh Hòa Bình, đến nay hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động, làm công cụ hữu hiệu phục vụ công tác khai thác thông tin, cung cấp các số liệu báo cáo về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hệ thống là cơ sở cung cấp thông tin để Đảng và chính quyền xây dựng cũng như ngành Dân tộc xây dựng các chủ trương, kế hoạch phù hợp đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cho vùng DTTS.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hòa Bình, sau khi hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc hoàn thiện đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS và chính sách dân tộc phục vụ hoạch định chính sách phát triển - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy văn hóa... cho vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật mang tính đồng bộ để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Hòa Bình nói riêng và các DTTS trên toàn quốc nói chung.

Trong khi đó, đến nay, Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin bằng cách xây dựng bộ dữ liệu về các DTTS. Dữ liệu đã được tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử của Ban Dân tộc tỉnh với 3 nhóm nội dung: Nhóm thứ nhất về các dân tộc thiểu số Lào Cai thể hiện số lượng, thành phần DTTS đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi dân tộc, thành phần dân tộc gồm dữ liệu về số lượng, lịch cư trú, địa bàn sinh sống, phong tục tập quán, cho tới thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất, trang phục...  Nhóm thứ hai đề cập tới các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS tỉnh Lào Cai với 42 chỉ tiêu, trong đó 24 chỉ tiêu do các sở, ban, ngành của tỉnh cung cấp, 18 chỉ tiêu cấp xã cung cấp, huyện tổng hợp. Nhóm thứ ba về hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc bao gồm các nghị định, chỉ thị, quyết định, đề án...

Bộ dữ liệu với 3 nhóm nội dung này rất thiết thực trong việc phổ biến, thông tin tuyên truyền cho đồng bào DTTS và hàng năm, được rà soát, cập nhật, bổ sung.

Đáng chú ý, tỉnh Lào Cai xây dựng đã lắp đặt 40 trạm quan trắc đo mưa tự động, 3 trạm quan trắc tổng hợp tự động liên quan đến lũ trên lưu vực sông Hồng, sông Chảy và sông Nậm Thi. Các số liệu đo được ở mỗi trạm được cập nhật mỗi giờ 1 lần lên các trang: vrain.vn, laocai.weatherplus.vn và trên ứng dụng CH Play, App Store trên điện thoại thông minh.

Thông qua các ứng dụng trên đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động cảnh báo thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn vùng đồng bào DTTS.

Đối với tỉnh Sơn La, trong 2 năm 2019 và 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu tạo lập Diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm phản bác lại luận điệu sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch và chính thức đưa vào sử dụng tại địa chỉ: http://diendandantoc.sonla.gov.vn/index.php. Đây là diễn đàn cung cấp nguồn thông tin chính thống giúp hỗ trợ đồng bào DTTS nhận thức đúng đắn chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được từ việc triển khai Đề án, các tỉnh cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định như: Chưa triển khai sâu, rộng gây nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện cụ thể để triển khai Đề án tại địa phương. Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT cần chi phí lớn và đồng bộ, nên khó khăn cho trong tập trung nguồn lực của tỉnh...

Các địa phương đề xuất, Ủy ban Dân tộc tăng cường ứng dụng CNTT vùng đồng bào DTTS. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các tỉnh khó khăn triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, hướng dẫn, định hướng các phần mềm ứng dụng có độ khả dụng, tin cậy cao trong ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đồng bào DTTS, người có uy tín nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm