Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghề vất vả, cần sự quan tâm, “tiếp lửa” từ gia đình và xã hội

Thứ hai, 13/06/2016 - 17:25

(Thanh tra) - Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo "Nhà báo nữ với trách nhiệm xã hội", nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tại đây, các bản tham luận, cũng như những chia sẻ thú vị bên lề, cho thấy, nghề báo là nghề vất vả với nữ giới.

Ảnh minh họa: http://imgs.vietnamnet.vn/

Ngoài áp lực phải chạy đua để có những tác phẩm nhanh, chất lượng, nữ nhà báo còn phải làm những công việc như nam giới, đi đến những vùng sâu, vùng xa, đối mặt với nhiều nguy hiểm khi tác nghiệp... Và trên thực tế, có nhiều nhà báo nữ đã phải chia tay với nghề, để tìm kiếm công việc khác.

Đóng góp lớn vào các hoạt động xã hội

Đại diện nhà báo nữ đang hoạt động trong các cơ quan báo chí trên toàn quốc: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hưng Yên, Đà Nẵng… đã chia sẻ rất nhiều vấn đề cần lên tiếng để các nhà báo nữ ngày càng phát huy được khả năng của mình nhằm phản ánh, giải quyết những vấn đề nóng của xã hội.

Trong môi trường làm nghề ngày càng nhiều thách thức, nhiều biến đổi theo xu hướng hiện đại và hội nhập, sự phát triển của công nghệ đã thay đổi hoàn toàn phương thức tác nghiệp và khả năng tương tác với độc giả. Các đại biểu đều cho rằng, không chỉ có vai trò tiên phong trong truyền thông, định hướng các hoạt động xã hội, thời gian qua, các nhà báo nữ còn tham gia nhiệt tình và đóng góp rất lớn vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là công tác thiện nguyện. 

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nữ trí thức CLB Nhà báo nữ Việt Nam chia sẻ: Các nhà báo nói chung và các nhà báo nữ nói riêng, vốn không phải là những người có thu nhập cao trong xã hội. “Thế nên, việc đóng góp nhân đạo từ thiện bằng chính nguồn lương bổng và nhuận bút của bản thân thì không nhiều, ngoài những đợt đóng góp theo phong trào vận động của cơ quan cho các quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ vì người nghèo hay các đợt huy động đột xuất cứu trợ đồng bào vùng thiên tai lũ lụt. Đó chính là các nhà báo cũng đã hoàn thành trách nhiệm công dân như rất nhiều cán bộ công nhân viên và nhân dân cả nước. Thế nhưng, sự đóng góp của các phóng viên nhà báo cho công tác xã hội thiện nguyện chính từ vị trí công tác và từ phương tiện tác nghiệp của bản báo, bản đài có thể nói là rất đáng kể”.

Các đại biểu đều cho rằng, không chỉ có vai trò tiên phong trong truyền thông, định hướng các hoạt động xã hội, thời gian qua, các nhà báo nữ còn tham gia nhiệt tình và đóng góp rất lớn vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là công tác thiện nguyện.

Chia sẻ với các nhà báo nữ trong trách nhiệm xã hội của người cầm bút, nhà báo Mai Đức Lập - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nhà báo Việt Nam cho rằng: Trong tổng số 23.000 hội viên Hội nhà báo hiện nay, có khoảng 40% là nhà báo nữ. Nói như thế để thấy rằng các nhà báo nữ có phần đóng góp phần quan trọng vào sự thành công của hoạt động báo chí.

“Đã vào nghề và làm nghề, thách thức đối với nhà báo là như nhau nhưng sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn là thế mạnh của nhà báo nữ. Thực tế, qua các kỳ giải báo chí quốc gia, rất nhiều nữ nhà báo đoạt các giải cao. Đây là niềm tự hào của các nhà báo nữ và tôi chúc cho các nhà báo nữ thêm sự nhạy cảm, thêm lòng trắc ẩn để tiếp tục đam mê, cống hiến cho nghề nghiệp mình đã theo đuổi cũng là góp phần định hướng dư luận xã hội, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, Phó Chủ tịch Mai Đức Lập chia sẻ.

"Là phụ nữ sao em lại chọn nghề báo?”, hay “Nghề “phu chữ” cực lắm, con gái sao em không chọn nghề nào khác cho bớt nhọc nhằn?”, đó là những câu hỏi mà các nữ nhà báo chia sẻ, được nghe rất nhiều trong suốt gần 10 năm họ bước chân vào nghề báo. Không như một số ngành nghề khác, nghề báo không hề có sự ưu tiên hay “chiếu cố” nào dành cho phái nữ. Nhất là các tờ báo tỉnh, ở những vùng miền núi như Cao Bằng, Lào Cai, Đắk Lắk… thì để săn tìm thông tin, hầu như những nơi nào mà các chàng phóng viên đặt chân đến thì ở đó các phóng viên nữ cũng có mặt.… cũng thường xuyên trèo đèo, lội suối, băng rừng, vượt thác, ngày qua ngày để có tin, bài, phóng sự, ghi hình… dù con còn rất nhỏ, vô cùng vất vả.

Một nữ nhà báo ở Đăk Lăk kể về kỷ niệm làm nghề: Khi được giao nhiệm vụ đi dự và đưa tin về lễ cúng bến nước của một buôn đồng bào dân tộc thiểu số, đi từ 5h sáng, khi đến nơi, hỏi người dân thì mới biết đi lầm bản. “Thay vì đi buôn Trấp, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar thì tôi lại đến buôn Trấp của huyện Krông Ana. Tức tốc quay lại ngược về hướng Cư M’gar. Ngày ấy, đường vào xã Ea H’đing vô cùng khó khăn. Khi còn cách buôn khoảng chừng 5 km, xe lại bị thủng săm, phải dắt bộ gần 2 cây số tôi mới tìm được điểm sửa chữa xe máy. Khi đến nơi đã gần 11h, may sao lễ cúng vẫn chưa bắt đầu…”.

Bỏ nghề, vì không có thời gian cho gia đình

Chưa kể, làm báo thời nay, các nhà báo nữ có chút cương vị trong tòa soạn, còn phải trực xuất bản, 10h tối có khi còn chưa xong việc… Thế mới thấy công việc của biên tập viên làm công tác xuất bản không hề nhàn rỗi mà trái lại vất vả, áp lực như bất kỳ một phóng viên nào. Không ít nữ nhà báo sau một thời gian, đã bỏ nghề, làm công việc khác, bởi những khó khăn, áp lực trên. 

Về điều này, các nhà báo nam chia sẻ, lúc nào các nữ nhà báo cũng cảm thấy thiếu hụt về quỹ thời gian, nên bao giờ cũng ước một ngày dài hơn 24 tiếng. Rồi những lúc con ốm đau mà công việc lại bắt buộc phải hoàn thành đúng thời hạn khiến chị em phóng viên phải quay như chong chóng, nhất là những dịp lễ, Tết.

Áp lực công việc khiến có lúc nhiều chị em cảm thấy như muốn “hụt hơi” nếu không có đủ bản lĩnh và nghị lực để vượt qua thử thách. Làm phóng viên hay biên tập viên, ở vị trí nào, cánh nhà báo nữ cũng phải luôn cố gắng hết mình, miệt mài làm việc còn là vì niềm tin của độc giả. Thế mới thấu hiểu, phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã khó, phụ nữ làm báo “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lại càng khó khăn hơn.

Nhà báo Hồng Chiến - Chủ tịch CLB Nhà báo nữ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Là một nhà báo ai cũng có trách nhiệm như nhau nhưng với nhà báo nữ có phần nặng nề hơn vì để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhiều nữ nhà báo đã phải đánh đổi, hy sinh thầm lặng những hạnh phúc cá nhân. Chẳng thể nào nói hết được muôn vàn vất vả, gian nan của phụ nữ làm báo. Để gắn bó, cống hiến hết mình cho công việc, thì ngoài lòng say nghề và tâm huyết với nghề nghiệp, họ rất cần sự cảm thông, “tiếp lửa” từ phía gia đình và cả xã hội…

Lan Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm