Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành BHXH: Ứng dụng công nghệ để thực hiện thanh tra, kiểm tra hiệu quả

Kiên Trung

Thứ tư, 07/10/2020 - 18:05

(Thanh tra) – Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích dữ liệu, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã lựa chọn đối tượng, nội dung thanh kiểm tra hợp lý hơn cũng như rút ngắn được thời gian thực hiện.

Toàn ngành BHXH đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Ảnh minh hoạ. Nguồn CTV

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, công tác thanh tra chuyên ngành đã góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi của người tham gia, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị sử dụng lao động, tổ chức, cá nhân.

Thu hồi nợ đóng đạt trên 91%

Theo BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 3.155 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch. Cùng với đó, tổ chức thực hiện 1.384 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 1.808 đơn vị.

Qua đó, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp (TN), BHYT với số tiền phải truy đóng là 44.759 triệu đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56.733 triệu đồng.

Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH 2.889 triệu đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHTN 1.749 triệu đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp BHTN…

Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN qua công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành đạt 91,39%.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp nên việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 toàn ngành còn chậm, không đúng tiến độ.

Bên canh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN của BHXH một số địa phương mới chỉ tập trung vào phương thức đóng nhằm đôn đốc thu nợ, chưa triển khai đầy đủ 3 nội dung (đối tượng tham gia, mức tham gia và phương thức đóng) dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhiều cuộc thanh tra chỉ mang tính hình thức.

Xử lý đơn vị nợ vẫn gặp khó khăn

Các đơn vị sử dụng lao động cũng chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật về thanh tra hoặc còn coi thường pháp luật nên không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thực hiện kết luận thanh tra chuyên ngành, thậm chí cản trở, không hợp tác…

Trong khi đó, theo ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) tính đến ngày 30/9, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là 21.685 tỷ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nợ BHXH 16.674 tỷ đồng, chiếm 6,09% số phải thu BHXH; nợ BHTN 911 tỷ đồng, chiếm 4,81% số phải thu BHTN; nợ BHYT 3.868 tỷ đồng, chiếm 3,48% số phải thu BHYT. Riêng số tiền ngân sách nhà nước chưa đóng BHYT cho một số đối tượng là 1.902 tỷ đồng.

Theo BHXH  Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và chủ động thực hiện. Ảnh: CTV

Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) cho hay, tính đến hết tháng 8/2020, đã có 34/63 BHXH tỉnh, TP thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN của 67 đơn vị tới cơ quan Công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên chỉ xem xét, giải quyết.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, BHXH các tỉnh, TP vẫn còn lúng túng trong việc xác định hành vi nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để kiến nghị khởi tố, đặc biệt, chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác do đó khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.

BHXH Việt Nam cũng cho hay, việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra còn chậm do chưa có chế tài xử phạt, răn đe…

Nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh, TP nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện theo quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2020.

Theo ông Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, điều quan trọng là hiệu quả sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cho nên, cần xác định và phân loại rõ các đơn vị trước khi thanh tra, kiểm tra; đồng thời, cần áp dụng triệt để công nghệ thông tin để sàng lọc dữ liệu trước khi xuống đơn vị thanh tra, kiểm tra trực tiếp.

BHXH Việt Nam lưu ý, thanh tra, kiểm tra không ngoài kế hoạch; hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị và chỉ thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có dấu hiệu vi phạm qua rà soát trên cơ sở dữ liệu hoặc được cấp có thẩm quyền giao.

Với vướng mắc về xử lý các đơn vị nợ đọng, vi phạm pháp luật về BHXH, ông Sơn cho biết, BHXH Việt Nam sẽ sớm có đề xuất để giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Sơn, điều quan trọng là cơ quan BHXH cần chủ động đưa ra được các chứng cứ rõ ràng, đúng người, đúng tội để có thể xử lý nghiêm.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị, BHXH các tỉnh, TP tăng cường kỷ luật, kỷ cương làm việc và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; quan tâm, bảo đảm trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm